Chiến dịch này được tổ chức tại tất cả các xã, phường, thị trấn từ ngày 29/1/2022 đến hết ngày 28/2/2022.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 29/1 đến 2/2/2022), cả nước tiếp tục chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân, với hơn 782.000 liều tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 92.689 liều mũi 2; 339.512 liều bổ sung và 311.221 liều mũi 3 (liều nhắc lại).
Một số địa phương có số liều tiêm chủng cao trong dịp Tết gồm Thái Bình (102.218 liều), Hưng Yên (78.688), Phú Yên (68.444), Hà Nội (55.306), Phú Thọ (51.578), Bình Thuận (41.235), Gia Lai (35.851), Quảng Nam (35.851), Lâm Đồng (24.765), Long An (22.169)...
Ông Long cho biết, các địa phương tiếp tục rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vacxin, bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, vacxin là yếu tố then chốt trong phòng chống Covid-19, vì vậy ngành y tế tăng cường triển khai tiêm vacxin mùa xuân, tiêm chủng xuyên Tết, không nghỉ. Mọi người khi trở về quê ăn Tết có thể đăng ký tiêm ngay tại địa phương.
Về tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế cho biết đã đánh giá toàn diện, thường xuyên tham khảo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quốc gia khác, cũng như đàm phán với hãng cung cấp để mua vacxin tiêm cho trẻ, khi có vacxin sẽ tiêm chủng thận trọng, an toàn.
Việc tiêm vacxin phòng Covid-19 là không bắt buộc, tuy nhiên ngành y tế khuyến khích tất cả người dân tham gia tiêm chủng khi có chỉ định. Bởi thực tế, đa phần các trường hợp tử vong thời gian qua có khoảng 80% là do không tiêm vacxin hoặc không tiêm đủ mũi vacxin cơ bản, đặc biệt phần lớn tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền.
Dịp Tết, các ca nhiễm Covid-19, chuyển bệnh nặng và tử vong có xu hướng giảm, có thể là dấu hiệu tích cực đối với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế, xã hội tiếp tục có bước phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; nhất là trong dịp Tết Nguyên đán có sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi người thân, việc di chuyển của người dân trở lại làm việc sau Tết… dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến thể Omicron. Nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.
Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương, không nên lơ là với biến chủng này và tập trung thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện 5K và kiểm soát số ca mắc mới, tránh tăng cao quá mức.