| Hotline: 0983.970.780

Chiến dịch tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho trẻ em trên toàn quốc

Chủ Nhật 07/11/2021 , 10:35 (GMT+7)

Chiến dịch tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho trẻ em được triển khai trên toàn quốc, trước bối cảnh có trên 5.000 ca/ngày, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, để trẻ sớm trở lại trường.

Học sinh lớp 12 trường THPT Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM) được tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 đầu tiên trên cả nước vào ngày 27/10. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Học sinh lớp 12 trường THPT Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM) được tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 đầu tiên trên cả nước vào ngày 27/10. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tiêm theo lộ trình lứa tuổi, an toàn cho trẻ em là yêu cầu hàng đầu

Việc để học sinh, sinh viên trở lại trường đảm bảo an toàn là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên để học sinh, sinh viên đến trường còn phụ thuộc vào tình hình dịch theo các cấp độ tại mỗi địa phương và chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện.

Trước bối cảnh số ca mắc Covid-19 trên cả nước mỗi ngày vẫn ghi nhận hơn 5.000 ca, đặc biệt TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bạc Liêu, Kiên Giang là những địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trong những ngày gần đây. Bên cạnh đó, việc xuất hiện các biến chủng virus SARS-CoV-2 mới như biến chủng Delta làm gia tăng tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ em tăng cao trong thời gian qua là một trong những mối lo ngại với toàn xã hội.

Để phòng ngừa Covid-19 cho trẻ em, chung sống an toàn với dịch Covid-19, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa theo thông điệp "5K - Khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế” thì việc phòng ngừa chủ động bằng vacxin là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự lây truyền virus SARS-CoV-2.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi người lớn đã được tiêm chủng đủ hai mũi vacxin, thì việc người lớn có thể đem virus lây bệnh cho trẻ cũng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc trẻ hiếu động, chủ quan không mang các phương tiên phòng hộ như khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, không khử khuẩn tay chân khi ra ngoài… cũng khiến trẻ có nhiều nguy cơ mắc Covid-19.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em mắc Covid-19 thường diễn biến nhẹ và có biểu hiện giống như các nhiễm trùng hô hấp thông thường. Tuy nhiên, đây chính là việc có thể nguồn nhiễm lại cho thấy nếu trẻ em mắc Covid-19 lại dễ làm phát tán tác nhân virus ra bên ngoài, tức là có thể lây virus sang cho người khác.

Mặt khác, khi trẻ mắc Covid-19, có thể có hội chứng "COVID kéo dài" hay còn gọi là hội chứng "hậu COVID". Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển và tương lai của trẻ, đặc biệt đối với những trẻ béo phì hoặc có bệnh nền, mà trước mắt gây khó khăn cho việc phân biệt với tình trạng tái phát hoặc tái nhiễm bệnh, dẫn đến khó kiểm soát lây truyền.

Tại TP.HCM, theo thống kê của ngành Y tế TP.HCM, tính đến 18h ngày 31/10, TP.HCM hiện đang điều trị 11.230 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 653 trẻ em dưới 16 tuổi. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh), đa số nhóm trẻ từ 14-16 có tình trạng thừa cân, béo phì thường diễn biến nặng khi mắc Covid-19. Các tình trạng nguy hiểm thường gặp là suy hô hấp, suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), cơn bão Cytokine...

Chính vì vậy, nhằm tăng nhanh diện bao phủ vacxin phòng Covid-19 trong cộng đồng thời gian sớm nhất, Bộ Y tế đã chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 12 - 17 tuổi trên toàn quốc.

Theo đó, chiến dịch này sẽ tiêm theo lộ từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi), cũng như theo tiến độ cung ứng vacxin và tình hình dịch của từng địa phương.  Việc tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho trẻ em được tiến hành triển khai trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc Covid-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang rà soát, thống kê số trẻ em từ 3-11 tuổi và tiếp cận các nguồn vacxin, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học để sẵn sàng có hướng dẫn tiêm cho trẻ từ 3-11 tuổi khi có vacxin phù hợp.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương tổ chức triển khai tiêm vacxin phòng Covid-19 cho trẻ em theo hình thức Chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

- Trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh Phổ thông trung học, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh Trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7. Tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn.

- Trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các cháu. Tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND quận, huyện lựa chọn.

- Trẻ có bệnh nền sẽ được tiêm tại các bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi.

- Trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa nhi và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi sẽ được các nơi này lập danh sách (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác) để tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.

Khám sàng lọc cho học sinh trước khi tiêm chủng vacxin phòng Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khám sàng lọc cho học sinh trước khi tiêm chủng vacxin phòng Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vacxin được sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi trên toàn quốc được Bộ Y tế chấp thuận là vacxin Comirnaty của Pfizer, sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, gồm 2 mũi cơ bản, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày). Tại Việt Nam vacxin được phê duyệt sử dụng từ tháng 6/2021 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế có hướng dẫn tiêm chủng cụ thể. Đặc biệt, cha mẹ, người giám hộ cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho trẻ trước khi tiêm. Yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vacxinphòng Covid-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn tiêm chủng. Vì vậy, Sở Y tế các địa phương đã có những buổi tập huấn cho cán bộ y tế tại các điểm cầu về hướng dẫn Khám sàng lọc trước tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho trẻ em theo quy định của Bộ Y tế.

Với yêu cầu đảm bảo an toàn là hàng đầu, trên cở sở mở rộng chỉ định tiêm chủng tối đa, tạo cơ hội thuận tiện nhất cho mọi trẻ em Việt Nam đều được tiếp cận với vacxin phòng Covid-19. Việc khám sàng lọc trước tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho trẻ em là huy động sự song hành của hệ thống bệnh viện và hệ thống dự phòng, đảm bảo mỗi trẻ được tiêm vacxin được quản lý, theo dõi trong điều kiện an toàn nhất. Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện được tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng song hành cùng ngành y tế trong việc lập danh sách cũng như tổ chức triển khai tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho trẻ đảm bảo an toàn nhất.

Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vacxin phòng Covid-19 cho 95% trên tổng số 8,1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi trên cả nước.

Phu huynh theo sát con trong quá trình tiêm chủng vacxin phòng Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phu huynh theo sát con trong quá trình tiêm chủng vacxin phòng Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người mừng, người lo khi con tiêm vacxin phòng Covid-19

Là địa phương đầu tiên được Bộ Y tế chấp nhận thí điểm tiêm vacxin phòng Covid-19 đầu tiên cho trẻ em từ ngày 27/10, đến nay TP.HCM đã tiêm cho 445.398 trẻ (trên tổng số 780.000 trẻ từ 12-17 tuổi), bao gồm 200.018 trẻ từ 16-17 tuổi; 245.380 trẻ từ 12-15 tuổi. Trong đó, ghi nhận tổng cộng có 42 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm.

Ngồi đợi con tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 tại Trường THCS Phú Mỹ (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chị Nguyễn Thị Thúy (phụ huynh học sinh lớp 8) không tránh khỏi lo lắng. “Tôi chở con đến trường cứ tưởng mình sẽ được nhìn thấy bác sĩ chích cho con, nhưng nhà trường lại bố trí khu vực ngồi chờ riêng dành cho phụ huynh, còn khu vực tiêm chủng lại ở phía trong. Vì vậy, không được nhìn trực tiếp, theo dõi các biểu hiện của con, tôi cũng khá lo lắng.

Bởi vacxin phòng Covid-19 là loại mới, do đó, cũng còn nhiều rủi ro mà mình chưa thể biết trước được”, chị Thúy chia sẻ.

Chỉ đến khi nhìn thấy con bước ra khỏi phòng tiêm thì chị Thúy mới thở phào. Tuy nhiên, chị Thúy cho biết, mình sẽ theo dõi sát sức khỏe con trong vòng 7 ngày tới.

Tương tự chị Lưu Thị Minh, có con trai học lớp 9 Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Khi nhận được thông báo từ nhà trường, tôi cũng băn khoăn lắm, vì con đang tuổi dậy thì, chỉ sợ lỡ chích có vấn đề gì hay không? Tuy nhiên, khi thấy tất cả phụ huynh trong lớp con đều đăng ký, kể cả những người có trình độ, do đó tôi cũng tìm hiểu và xin tư vấn bác sĩ, và quyết định đăng ký cho con tiêm theo lịch của trường.

Ngày con đi tiêm mà mình hồi hộp, cả đêm không ngủ được. Đến khi con về, chỉ đau nhẹ phần tay 1 buổi, đến ngày hôm sau thì hết, tôi yên tâm phần nào.

Hy vọng sau khi tiêm mũi 2, cùng với việc kiểm soát dịch tốt thì các con có thể trở lại trường học. Năm nay con tôi là năm cuối cấp, nên nếu được trở lại trường học để con có thể tiếp thu tốt kiến thức, chuẩn bị cho giai đoạn chuyển cấp thì tốt hơn”.

Anh Nguyễn Tường Long, có con gái học lớp 12 trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) cho rằng, việc tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 là điều cần thiết cho trẻ trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. “Trên thế giới, người ta cũng đã tiêm nhiều cho trẻ rồi và vacxin được sử dụng tại Việt Nam cũng đã được Tổ Chức Y tế thế giới, Bộ Y tế cấp phép nên gia đình tôi đều đồng thuận ngay khi nhận được thông báo từ trường.

Vacxin tốt nhất là vacxin tiêm sớm nhất, vì vậy tôi thấy đây là thời điểm phù hợp vì đa phần người lớn đã được chích đủ hai mũi. Để các con sớm trở lại trường, tham gia các hoạt động thể chất, tinh thần cùng bạn bè thầy cô. Chứ cứ học ở nhà mãi không hẳn đã tốt, nhất là đối với học sinh cuối cấp”, anh Long nói.

Trong khi đó, anh Hoàng Minh Tiến (ngụ quận Bình Thạnh) không đăng ký cho con trai (lớp 8) chích vacxin phòng Covid-19 trong đợt này. “Tôi thấy chưa đủ tự tin để cho con chích đợt này cùng các bạn trong lớp. Gia đình tôi thực hiện nghiêm các biện pháp 5K nhằm hạn chế nguồn lây nhiễm. Tôi sẽ cho con chích trong thời gian tới khi đã nghiên cứu kỹ về loại vacxin phù hợp cho con”, anh Tiến nói.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Chuyên gia Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, việc lựa chọn vacxin an toàn, phù hợp để tiêm cho trẻ em là vấn đề quan trọng nhất đặt ra hiện nay. "Tôi làm ngành nhiễm nhi hơn nửa đời, cũng từng ấy thời gian nghiên cứu về vacxin. Theo tôi, nên chọn vacxin được sản xuất theo công nghệ kinh điển đã dùng nhiều cho trẻ em. Hai công nghệ vectors virus và mRNA có thể nói là quá mới. Hai công nghệ kinh điển an toàn cho trẻ em là vacxin liên hợp và vacxin tái tổ hợp, tái tổ hợp tiểu đơn vị", bác sĩ Khanh nói.

BSCK II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, hiện nay, Pfizer là vacxin phòng Covid-19 được phê duyệt tiêm chủng cho nhóm trẻ 12-18 tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vacxin Moderna cũng đang nghiên cứu ở trẻ từ 6 tháng. Do đó, bác sĩ Tiến cho rằng, việc lựa chọn vacxin cho trẻ em cần ưu tiên loại an toàn nhất, đã được thông qua và có dữ liệu thử nghiệm, nghiên cứu an toàn.

Học sinh huyện Củ Chi chờ đến lượt tiêm vacxin phòng Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Học sinh huyện Củ Chi chờ đến lượt tiêm vacxin phòng Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phản ứng có thể xảy ra ở trẻ sau tiêm vacxin phòng Covid-19

Theo bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trẻ có thể gặp các phản ứng thông thường sau tiêm như sốt, sưng đỏ hoặc đau nhức tại chỗ tiêm, nổi cục nhỏ, ngứa hay nhức mỏi cánh tay, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân, buồn nôn. Một số trẻ buồn ngủ hoặc đói bụng nhiều hơn bình thường.

Do đó, người thân nên ở bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong ba ngày đầu sau tiêm vacxin để có thể kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường,

Phụ huynh cần thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ. Nếu sốt dưới 38,5 độ C, cho mặc quần áo mỏng, thoáng mát song lưu ý không để nhiễm lạnh, nhắc nhở trẻ uống nhiều nước. Sốt từ 38,5 độ C trở lên hoặc sưng đau nhiều tại chỗ tiêm, cho uống thuốc hạ sốt với liều cho trẻ 12-17 tuổi là mỗi lần uống một viên paracetamol 500 mg (như panadol, hapacol, tylenol, efferalgan...), ngày uống 3-4 lần.

"Không nên bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì như lá cây, dầu gió, trứng gà... vào chỗ sưng đau. Có thể massage nhẹ nhàng cánh tay cho trẻ. Các loại thuốc kháng dị ứng nên được dùng với sự hướng dẫn của nhân viên y tế", bác sĩ khuyên.

Ngoài ra, phụ huynh theo dõi những dấu hiệu bất thường sau tiêm, đặc biệt là biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, dù rất hiếm gặp. Biến chứng này có thể xảy ra sau tiêm vacxin mRNA, thường gặp ở trẻ nam và sau liều tiêm vacxin thứ hai.

Các dấu hiệu thường vào 2-4 ngày sau tiêm vacxin, cũng có thể gặp sớm 12 giờ sau tiêm hoặc muộn hơn như đau ngực, cảm giác ép nặng hoặc khó chịu ở ngực, thở hụt hơi, khó thở, cảm giác nhịp tim nhanh hay chậm bất thường, không đều hoặc đập thình thịch, hồi hộp đánh trống ngực. Khi trẻ có biểu hiện trên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Tuy nhiên, các trường hợp này rất hiếm gặp và khá lành tính, thường sẽ hồi phục nhanh chóng, Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng.

(Kiến thức gia đình số 44)

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát đường huyết

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì chế độ ăn uống phù hợp là điều cần được chú trọng.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu nhanh chóng, hiệu quả

Ngải cứu được biết đến với khả năng xoa dịu cơn đau thần kinh, thúc đẩy tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi, và cải thiện lưu thông máu đến não.