| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 20/12/2023 , 17:08 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 17:08 - 20/12/2023

Chiêu trò lừa đảo còn phải cảnh báo đến bao giờ?

Chiêu trò lừa đảo qua mạng viễn thông và mạng xã hội rất phức tạp vào dịp cuối năm, là lời cảnh báo mà Công an TP. HCM vừa khuyến cáo người dân.

Chiêu trò lừa đảo bằng cách gọi điện thoại hay liên lạc qua các ứng dụng Facebook, Zalo… thực sự trở thành nỗi lo lắng của cộng đồng trong mấy năm gần đây. Đã có hàng ngàn nạn nhân vướng vào các chiêu trò lừa đảo và bị thiệt hại số tiền không nhỏ. Đặc biệt, đáng xót xa hơn, phần lớn trường hợp thúc thủ trước chiêu trò lừa đảo qua mạng viễn thông và mạng xã hội lại là những người cao tuổi ở ngoại ô hoặc ở nông thôn.

Mức độ hoành hành của chiêu trò lừa đảo qua mạng viễn thông và mạng xã hội dường như chưa có dấu hiệu thuyên giảm, sau khi cơ quan chức năng tiến hành chuẩn hóa thông tin thuê bao di động. Những đối tượng phạm tội hoạt động quanh năm, nhưng thời điểm cuối năm thì sự tác oai tác quái càng nghiêm trọng hơn.

Lý do được Công an TP.HCM đưa ra, trước thềm năm mới, kẻ xấu dùng những thủ đoạn nhắm vào lòng tham phổ biến của con người đang nôn nóng kiếm tiền sắm tết. Thứ nhất là giới thiệu việc nhẹ lương cao, như thanh toán đơn hàng ảo để hưởng hoa hồng 10-15%. Thứ hai là thông báo trúng thưởng và yêu cầu đóng phí nhận thưởng. Thứ ba là giả mạo Việt kiều gửi quà, gửi tiền và yêu cầu đóng phí. Thứ tư là nhân danh nhân viên điện lực thông báo hoàn trả phần tiền điện tính sai...

Lẽ đời, "Phật" cao một thước thì "ma" cao một trượng. Cái xấu dù ngụy trang và biến đổi tinh vi ra sao, cũng đều có cách chế ngự. Bộ Công an đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng ngừa tội phạm, thường xuyên thông báo thủ đoạn mới để người dân kịp thời phòng tránh và kịp thời tố giác. Đồng thời, Bộ Công an cũng rà soát đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật, khắc phục sơ hở mà bọn phạm lừa đảo có thể lợi dụng để lừa đảo.

Với sự phát triển của mạng viễn thông và mạng xã hội, thì sự dịch chuyển của đối tượng lừa đảo không còn gói gọn trong giới hạn nội địa Việt Nam. Những cuộc gọi quốc tế chỉ có chiều về Việt Nam và những tài khoản ngân hàng bất minh, cần được giám sát chặt chẽ hơn nữa.

Nói cách khác, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã và đang gây nhức nhối cho đời sống người dân, có sự liên kết giữa trong nước và nước ngoài, hình thành đường dây phạm tội xuyên quốc gia. Cần thiết phải nhanh chóng phối hợp triệt phá một vài mắc xích tội phạm, và đưa ra xét xử nghiêm khắc để răn đe.

Thử thống kê từ các nạn nhân tự nguyện khai báo, không khó nhận ra chiêu trò lừa đảo phổ biến là đóng giả cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát... gọi điện yêu cầu hợp tác điều tra để được hỗ trợ chạy án. Có nghĩa là đối tượng phạm tội đã phát hiện khoảng cách vẫn tồn tại giữa lực lượng công quyền và số đông quần chúng. Cho nên, đã đến lúc phải thiết lập lại quan hệ này, bằng sự minh bạch tuyệt đối.

Chẳng hạn, thống nhất tiêu chí thông tin và xử lý mọi vướng mắc liên quan đến pháp lý của người dân, chỉ duy nhất qua con đường văn bản chính thức, do đại diện chính quyền cơ sở đưa tận tay người dân. Ngoài ra, không chấp nhận bất kỳ giao dịch nào mang tính trao đổi cá nhân.