| Hotline: 0983.970.780

Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi)

Thứ Năm 16/02/2023 , 15:14 (GMT+7)

Mới đây, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Chính phủ đã xem xét đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi)

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững sau khi sửa đổi Luật Việc làm

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Cùng với Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm sửa đổi sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững.

Theo dự kiến, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024). Trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025). Thời gian Luật có hiệu lực từ 01/01/2026.

Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các Luật mới được sửa đổi, bổ sung; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động…

“Luật Việc làm sửa đổi sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động). Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Luật Việc làm với nhiều ưu tiên, hỗ trợ cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm phủ khắp hầu hết các địa phương trên cả nước, giúp lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp... một cách dễ dàng, thuận tiện. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp... thông qua các trung tâm này cũng giúp cho hàng triệu người lao động trên cả nước được thụ hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, việc kết nối cung - cầu lao động ngày càng hoàn thiện thông qua các phiên giao dịch việc làm cả trực tuyến và trực tiếp. Mô hình này không chỉ hỗ trợ lao động tìm việc, quay lại thị trường lao động mà còn giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp tuyển dụng được lao động phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh...

Tập trung vào 4 nhóm chính sách

Trên cơ sở giải trình, tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ và Kết luận của Thường trực Chính phủ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) tập trung vào 4 nhóm chính sách:

Nhóm chính sách 1: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập

Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.

Nội dung chính gồm: phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, thống nhất; nâng cao năng lực thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động. Nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm (công và tư). Quản lý nguồn lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động đồng bộ, thống nhất, tập trung, chia sẻ và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Sau khi sửa đổi Luật Việc làm, việc kết nối cung - cầu lao động ngày càng hoàn thiện thông qua các phiên giao dịch việc làm. 

Sau khi sửa đổi Luật Việc làm, việc kết nối cung - cầu lao động ngày càng hoàn thiện thông qua các phiên giao dịch việc làm. 

Nhóm chính sách 2: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động

Mục tiêu của nhóm chính sách này nhằm mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.

Nội dung chính sách, gồm: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho người lao động, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Quy định nhằm tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp. Quy định các vấn đề về BHTN phù hợp định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Nhóm chính sách 3: Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Chính sách này nhằm mục tiêu: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Các nội dung chính sách, gồm: Quy định đảm bảo đồng bộ, thống nhất khung trình độ quốc gia với khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; tăng cường sự tham gia của các bên (Nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo) trong phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ nghề quốc gia, tăng tính mở và linh hoạt trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Quy định nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề.

Nhóm chính sách 4: Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững

Mục tiêu nhằm thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế.

Nội dung chính sách, gồm: Quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm theo hướng tạo cơ hội tiếp cận cho mọi lao động có nhu cầu. Quy định chính sách hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...