| Hotline: 0983.970.780

Chính sách cho người Khmer phát huy hiệu quả

Thứ Sáu 25/05/2012 , 11:12 (GMT+7)

Nói về chính sách đầu tư cho nông nghiệp chung cho người dân ĐBSCL thì có 2 lĩnh vực đã đem lại hiệu quả thiết thực...

Ông Phạm Văn Thới
Với nhiệm vụ tổng hợp về kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng dân tộc ở Tây Nam bộ, Vụ Địa phương III đã góp phần thực hiện có hiệu quả hệ thống chính sách dân tộc phù hợp trong từng giai đoạn và sát với thực tế vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trong khu vực.

Trao đổi với Báo NNVN về việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp đối với vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL, ông Phạm Văn Thới, Q. Vụ trưởng Vụ Địa phương III - Ủy ban Dân tộc, cho biết.

Với đồng bào dân tộc Khmer, có những chính sách đầu tư nông nghiệp nào mà bà con được thụ hưởng, thưa ông?

Nói về chính sách đầu tư cho nông nghiệp chung cho người dân ĐBSCL thì có 2 lĩnh vực đã đem lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào Khmer mà tôi thấy, là vấn đề thủy lợi và công tác khuyến nông.

Có thể thấy thực tế cống, đập, kinh, thủy lợi nội đồng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Khmer trong SX nông nghiệp nhiều nơi ở các tỉnh ĐBSCL; riêng bà con Khmer Tri Tôn - Tịnh Biên, vùng Bảy Núi (An Giang) được hưởng lợi rất lớn từ những kinh thủy lợi. Chẳng hạn, kinh 3 tháng 2, đưa nước lên vùng cao giúp khai thác vùng đất mà bấy lâu nay còn hoang hóa chưa khai thác được vì thiếu nước.

Về công tác khuyến nông, với những lớp tập huấn cho người Khmer về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kĩ thuật canh tác… có tác dụng giúp người dân nâng cao hiệu quả SX nông nghiệp, môi trường sống, chất lượng sinh hoạt nói chung. Đến nay, ngoài việc canh tác lúa, bà con Khmer còn SX được nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị ở một số nơi, như hành tím, tỏi, mè, đậu phộng, dưa hấu…

Ngoài ra, có những chính sách riêng cho đồng bào Khmer có liên quan tới nông thôn, nông nghiệp, như chương trình 134 (gọi tắt theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất SX, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn), rồi Chương trình phát triển KT-XH cá xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (gọi tắt là Chương trình 135 của giai đoạn I và giai đoạn II) hay tiếp nối của Chương trình 134, có Quyết định số 1952/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất SX, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn”. Riêng chính sách hỗ trợ về đất SX và đất ở cho vùng đồng bào dân tộc Khmer được thực hiện theo Quyết định 74/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn chung, những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đã có hiệu quả trong thực tế. Đây là chính sách rất đúng đắn, hợp lòng dân, động viên được sự tham gia tích cực của cộng đồng. Kết quả thực hiện những chính sách này đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo rất thiết thực và hiệu quả cho bà con Khmer.

Ông có thể nêu cụ thể hơn về kết quả đạt được trong việc thực hiện các chính sách ấy không?

Trước hết, phải nói rằng, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, các tỉnh, thành ĐBSCL đã tập trung nhiều nguồn lực triển khai thực hiện đầu tư, hỗ trợ trên 2.000 tỉ đồng để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế-VH-XH trong vùng đồng bào dân tộc Khmer thông qua các chương trình 134, 135 và một số chính sách đặc thù khác.

Kết quả rất thiết thực là kết cấu hạ tầng KT-XH, như điện, đường, trường, trạm, chợ tiếp tục được tăng cường, phát triển, bổ sung và phát huy hiệu quả. Chương trình 135, giai đoạn 1 đã tập trung xây dựng hạ tầng cho 207 xã đặc biệt khó khăn và 44 trung tâm cụm xã. Kết quả, đã có 48 xã đủ điều kiện ra khỏi chương trình; giai đoạn 2 đã đầu tư xây dựng 181 xã và 162 ấp đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2009, đã có 34 xã đủ điều kiện ra khỏi chương trình.

Với chương trình 134 và các chính sách bổ sung tiếp theo của chương trình này, các địa phương đã hỗ trợ nhà ở cho hơn 90.100 hộ Khmer nghèo, chiếm 38,65% so với tổng số hộ Khmer; hỗ trợ định cư 2.577 hộ, hỗ trợ đất SX 2.727 hộ và đất ở 20.872 hộ; chương trình còn hỗ trợ xây dựng được 116 công trình hệ thống cấp nước tập trung và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt phân tán cho 30.199 hộ. Ngoài ra, hàng chục ngàn lao động được hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm, vốn vay SX; xuất khẩu lao động cũng được triển khai thực hiện.

Thực hiện chương trình 74, kế hoạch 2008-2010, các tỉnh giải ngân được 291.658 triệu đồng trong tổng vốn kế hoạch 817.312 triệu đồng, tương ứng 35,69% kế hoạch. Trong đó, các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau, An Giang, Hậu Giang đạt từ 40-54%. Kết quả hỗ trợ, các tỉnh trên đã thực hiện chính sách hỗ trợ đất cho 3.631 hộ, đất SX cho 2.795 hộ, đào tạo nghề cho 5.901 lao động, giải quyết việc làm cho 5.139 hộ, chuyển đổi ngành nghề 12.708 hộ, cho vay mua máy móc công cụ 6.802 hộ, đưa đi xuất khẩu lao động 842 hộ.

Nói chung, chính sách ưu tiên cho người Khmer tương đối đầy đủ. Điều đó đã tạo nên những chuyển biến rất tích cực trong các lĩnh vực như đã nêu trên. Mặt khác, lĩnh vực văn hóa, giáo dục cũng có sự phát triển đáng kể.

Như về giáo dục, có 26 trường nội trú dành cho người dân tộc ở 9 tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống; học sinh học các cấp mỗi năm tăng, năm 2011-2012 đã có 265 ngàn học sinh các cấp, khoảng 2.000 sinh viên đại học (ĐH Cần Thơ trên 1.000 SV; Đại học Y dược Cần Thơ trên 400 SV; dự bị ĐH TP.HCM trên 400 SV và còn nhiều SV theo học cao đẳng và trung học chuyên nghiệp).

Còn về văn hóa, các đài PT-TH đã có chương trình tiếng Khmer và không ngừng tăng thời lượng và chất lượng phát sóng. Đã có báo Khmer ngữ Cần Thơ với tính chất tờ báo chung của khu vực và một số trang báo Khmer địa phương Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu…

Có điều gì trong các chính sách, thực tế đòi hỏi phải điều chỉnh và Vụ đã đề nghị?

Có thể nêu một số vấn đề cụ thể, như: Việc thực hiện nội dung chính sách giữa các đơn vị chủ quản chưa đồng bộ, chẳng hạn, việc hỗ trợ đất SX theo Quyết định 74/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì vốn ngân sách được cấp, nhưng vốn vay ngân hàng chính sách xã hội giải ngân chậm nên người dân không tập trung được vốn để mua đất; mặt khác, giá hỗ trợ đất chưa hợp lí.

Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị việc cấp vốn phải đồng bộ và sửa đổi định mức cho phù hợp. Có trường hợp cấp vốn quá chậm khiến kế hoạch không thực hiện kịp, như việc cấp vốn cho chương tình 135 được kéo dài đến năm 2011 mà mãi đến cuối năm 2011 mới được cấp.

Ngoài ra, với đồng bào Khmer, do điểm xuất phát thấp, đời sống còn nhiều khó khăn nên việc thực hiện một số chính sách cũng gặp khó khăn, đơn cử như vấn đề xuất khẩu lao động. Do khó đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các tổ chức sử dụng lao động ngoài nước, lại gặp trở ngại bởi trình độ, ngôn ngữ, điều kiện, hoàn cảnh… và nhiều yếu tố rào cản khác nên công tác đào tạo người Khmer rất khó đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu lao động.

Hay như gần đây, có sự chuyển dịch lao động tự nhiên ở lực lượng người Khmer tập trung lên miền Đông kiếm việc làm, dẫn đến nhiều xóm, ấp vùng dân tộc Khmer ở ĐBSCL không còn lao động chính. Điều này dẫn đến tình trạng những vụ mùa thiếu nhân công, như ở An Giang, địa phương phải tập trung lực lượng quân sự ra tiếp giúp bà con thu hoạch lúa. Hoặc có những mùa vụ, người Khmer làm rất trúng, có vùng 10 tấn/ha, nhưng hiệu quả thấp vì công cắt tăng gấp đôi từ 300 ngàn/công lên 600 ngàn/công, trong lúc máy gặt đập không hoạt động được do lúa sập ngã.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất