Từ ngày 1/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo.
Tuyên truyền đến các hộ dân về chính sách vay vốn mới. |
Mấy năm trước, gia đình chị Hoàng Thị Bình, thôn Chúng Trải B, ở thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai) được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng phát triển cây quýt. Từ trồng quýt, kinh tế gia đình chị Bình ngày một khấm khá. Sau mỗi vụ thu hoạch, chị Bình đều dành ra số tiền để trả nợ ngân hàng đúng hạn quy định. Cứ thế, trả rồi lại vay, bởi trong quá trình trồng quýt, chị Bình rất cần vốn đầu tư mua giống, phân bón.
Chị Bình cho biết, gia đình rất phấn khởi khi được vay thêm nguồn vốn 50 triệu đồng, nâng tổng mức vay lên 100 triệu đồng. Có thêm vốn, gia đình có điều kiện mua thêm cây giống, mở rộng diện tích trồng quýt, bổ sung cơ cấu cây trồng với nhiều giống quýt khác nhau để thu hoạch rải vụ, nhất là giống quýt cho thu hoạch bán vào dịp Tết nguyên đán… Mỗi vụ quýt được giá, chị lãi hàng trăm triệu đồng.
Cơn “khát vốn” của chị Bình cũng như hàng nghìn hộ SX kinh doanh khác trong huyện Mường Khương thuộc diện nghèo và cận nghèo giờ đã có lời giải. Từ ngày 1/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu lên 100 triệu đồng/hộ, vay không phải bảo đảm tiền vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cũng theo quy định mới, thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng để phù hợp hơn với quá trình sinh trưởng và phát triển các đối tượng đầu tư dài hạn.
Gia đình bà Tráng Hộ Chấn cũng thuộc diện hộ nghèo ở thôn Chúng Trải B, năm 2018 đã vay 50 triệu đồng để trồng trên 2.000 gốc quýt ngọt, năm đầu tiên đã thu bói được hơn 10 triệu đồng. Năm nay, hứa hẹn sẽ có thu nhập cao hơn từ thu hoạch quýt. Không chỉ có gia đình bà Chấn, gia đình ông Pờ Chẩn Diu, bà Cồ Thị Phương là những hộ nông dân trồng quýt ngọt theo quy trình VietGAP cũng mong mỏi có nguồn vốn tăng lên để đầu tư phát triển, mở rộng diện tích trồng quýt…
Từ năm 2017, nhãn hiệu quýt ngọt Mường Khương đã có thương hiệu, thực sự là hướng phát triển tốt cho nhiều nông dân. Chính vì vậy, để thực sự tạo thành vùng hàng hóa và phát triển bền vững, thì người trồng quýt được nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng/hộ là nguồn lực quan trọng. Không chỉ thoát nghèo, nhiều hộ còn giàu lên từ trồng quýt…
Cán bộ Phòng giao dịch Mường Khương rà soát hộ cho vay theo chính sách mới. |
Tuy nhiên, không chỉ các hộ trồng quýt ở thị trấn Mường Khương mà rất nhiều hộ dân ở các xã trong huyện nghèo 30A này cũng đang trong cơn “khát vốn”. Họ mong muốn có thêm vốn vay để đầu tư nhiều hơn vào trồng lúa đặc sản Séng Cù, nuôi lợn đen bản địa, trồng ớt xuất khẩu…
Huyện Mường Khương hiện có khoảng 11.000 hộ có nhu cầu vay vốn. Trong đó, hơn 3.700 hộ nghèo và hơn 2.900 hộ cận nghèo cùng 4.544 hộ mới thoát nghèo được hưởng chính sách vay vốn 100 triệu đồng với thời hạn 120 tháng. Ngay khi quy định mới ra đời, Phòng Giao dịch Mường Khương (Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai) đã tiến hành giải ngân nguồn vốn vay và nâng mức cho vay theo đúng chính sách.