| Hotline: 0983.970.780

Cho bò ăn rong biển để giảm phát thải khí metan

Thứ Tư 03/11/2021 , 11:07 (GMT+7)

Một công ty khởi nghiệp của Thụy Điển đã xây dựng nhà máy sản xuất rong biển lớn nhất thế giới để tạo ra nguồn thức ăn chăn nuôi mới, giảm phát thải khí metan.

Nhà máy sản xuất thức ăn cho bò từ rong biển của Công ty Volta Greentech. Ảnh: ERN. 

Nhà máy sản xuất thức ăn cho bò từ rong biển của Công ty Volta Greentech. Ảnh: ERN

Nhưng bằng cách nào để nhân loại có thể cắt giảm tối đa lượng khí nhà kính thải ra  từ dạ cỏ của loài vật nuôi nhai lại gây ô nhiễm nhất thế giới? Các nghiên cứu khác nhau cho biết, có từ 4% đến 5,8% lượng khí thải metan trên thế giới hiện nay là từ hoạt động chăn nuôi gia súc, cao gấp hai lần so với toàn ngành hàng không cộng lại.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hiện thế giới có khoảng 1,4 tỷ con bò các loại- thủ phạm chính gây hiệu ứng nhà kính. Chủ đề này hiện đang là “hot trend” (thời sự) trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang tìm bàn các giải pháp cắt giảm khí thải carbon tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh).  

Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù việc tìm ra giải pháp cắt giảm… rắm bò có thể không phải là môn khoa học hấp dẫn nhất, nhưng nó lại góp phần giúp nhân loại giảm thiểu được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, đồng thời giúp ngành chăn nuôi bò sữa và thịt bò trở nên bền vững hơn nhiều, thay vì các chính sách hạn chế chăn nuôi gia súc...

Các nhà khoa học bên quy trình thí nghiệm sản xuất thức ăn cho bò từ rong biển. Ảnh: ERN

Các nhà khoa học bên quy trình thí nghiệm sản xuất thức ăn cho bò từ rong biển. Ảnh: ERN

“Có hơn một tỷ con bò trên hành tinh chúng ta, và lượng khí thải từ chúng đang tiếp tục tăng lên. Mặc dù vậy, không có giải pháp phổ biến nào để cắt giảm lượng khí thải và việc nghiên cứu trong lĩnh vực này đang tiến triển quá chậm”, Fredrik Åkerman, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành khởi nghiệp Thụy Điển có tên Volta Greentech cho biết.

Nhưng làm thế nào để ngăn chặn một con bò đang thải ra lượng khí metan quá nhiều? Volta Greentech tin rằng đây sẽ là câu trả lời.

Volta Greentech được điều hành bởi một nhóm các nhà khoa học và nhà đổi mới khí hậu quốc tế đã tìm ra giải pháp mới “Volta Seafeed”, một chất dinh dưỡng bổ sung được làm từ rong biển đỏ Asparagopsis taxiformis.

Theo đó, khi các nhà nghiên cứu cho bò ăn với liều lượng hàng ngày chỉ 100 gram, loại thức ăn này đã làm giảm lượng khí metan trong ruột của chúng (khí lên men trong dạ cỏ của gia súc như bò, cừu và dê) lên tới 80%.

Vậy thức ăn cho bò có nguồn gốc từ rong biển đã làm giảm khí metan như thế nào?

Quá trình lên men tự nhiên đã tạo ra khí metan ngay trong dạ cỏ (dạ dày lớn nhất trong 4 chiếc dạ dày của bò). Khi chúng tiêu hóa thức ăn, hydro và carbon dioxide được giải phóng, và một loại enzyme tự nhiên sau đó kết hợp với hai loại khí này, đã tạo ra khí metan gây hiệu ứng nhà kính.

Tuy nhiên, khi cho một con bò ăn 100 gram thức ăn rong biển, qua theo dõi đã ngăn chặn được loại enzym này và do đó lượng khí thải metan cũng giảm. Nghiên cứu này đã trải qua nhiều vòng thử nghiệm ở cấp độ quốc tế trong sáu năm qua và hiện Volta Greentech đang hợp tác với công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất Thụy Điển Lantmännen xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn cho bò từ rong biển.

“Hiệu ứng khử khí metan phần lớn đã được chứng minh, và hiện chúng tôi muốn điều tra xem điều này ảnh hưởng như thế nào đến các thông số khác. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu những con bò ăn thức ăn ở mức độ nào thì liệu sản lượng sữa có bị ảnh hưởng về sản lượng và thành phần dinh dưỡng hay không”, Cecilia Lindahl, chuyên gia phát triển sản phẩm tại Lantmännen cho biết.

Rong biển được dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho bò để cắt giảm khí thải metan. Ảnh: ERN.

Rong biển được dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho bò để cắt giảm khí thải metan. Ảnh: ERN.

Vị này tiết lộ, đến nay kết quả có vẻ “đầy hứa hẹn" và các bên đang tiến hành mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời coi nguồn thức ăn chăn nuôi bò từ rong biển là một ưu tiên hàng đầu. Hiện các vòng gọi vốn đầu tư ban đầu đã dư sức có thể mở nhà máy sản xuất đầu tiên "Volta 1" ở Lysekil, và tiếp theo là dự án "Volta 2" vào năm 2022, được coi là nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi từ rong biển lớn nhất thế giới.

Công ty Volta Greentech cho hay, đang hướng tới việc giải quyết vấn đề phát thải chăn nuôi của Thụy Điển trước tiên, và hy vọng sẽ có thể mở rộng ra quốc tế trong tương lai gần.

Về nguồn nguyên liệu, công ty cho biết đang tập trung vào các phương pháp sản xuất bền vững đối với rong biển, được trồng trong các lò phản ứng sinh học thẳng đứng để tối đa hóa sản lượng.

“Bằng cách xây dựng một hệ thống khép kín, chúng tôi đảm bảo rằng sẽ có thể duy trì sản xuất và chất lượng không thay đổi theo thời gian, bất kể các yếu tố môi trường như chất lượng nước hoặc thời tiết”, đại diện khởi nghiệp cho biết.

Theo ông Åkerman: “Phương pháp này cũng cho phép cải thiện đáng kể hiệu quả và năng suất theo thời gian bằng công thức canh tác gối vụ trong phòng thí nghiệm. Trong khi đó, nhà máy sản xuất cũng được cung cấp năng lượng bền vững bằng chính nguồn năng lượng thải từ các ngành công nghiệp địa phương. Điều này, cùng với việc tự động hóa các quy trình, đảm bảo rằng rong biển phát triển ổn định suốt 365 ngày một năm, với tốc độ tăng trưởng hàng ngày là 10%”.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), gia súc được nuôi để làm thực phẩm đóng góp trực tiếp 5,8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hàng năm trên thế giới và lên tới 14,5% nếu tính cả các khâu sản xuất, chế biến và vận chuyển thức ăn chăn nuôi. Hoạt động chăn nuôi công nghiệp, đặc biệt là đối với thịt bò còn thúc đẩy nạn phá rừng, và thải ra khí metan trong quá trình tiêu hóa và lượng oxit nitơ cùng với phân của chúng. Hai nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính này từ bò thậm chí còn nhiều hơn lần lượt 25 và 298 lần so với thán khí CO2 trong khoảng thời gian 100 năm.

(Euronews; Time)

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.