Ông cam kết sẽ thân thiện hơn với đồng minh, cứng rắn hơn với đối thủ, lựa chọn tốt hơn cho trái đất. Nhưng bối cảnh chính trị bên ngoài nước Mỹ có thể đã khác so với khi ông đang vận động tranh cử và lần cuối ông còn làm việc tại Nhà Trắng.
Với những nước được Mỹ xếp vào nhóm đối thủ, bản ngã và sự phù phiếm của ông Donald Trump có thể đã được tận dụng. Ông Biden hứa với cử tri điều đó sẽ không xảy ra nữa.
Ông cam kết đảo ngược những chính sách gây tranh cãi của ông Trump như về biến đổi khí hậu, thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống. Ông sẽ tiếp tục quan điểm cứng rắn của Trump về thương mại, đánh cắp sở hữu trí tuệ, thương mại không công bằng với Trung Quốc, nhưng trên cơ sở lôi kéo đồng minh tham gia chứ không ép buộc. Ông cũng đặt mục tiêu xây dựng lại niềm tin với NATO, đặc biệt để đánh bại “nỗi sợ” về nước Nga.
Từng đảm tránh vai trò Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, từng là Phó Tổng thống Mỹ, ông Biden quá dạn dày trong quan hệ quốc tế dù nhiều chính sách ông thúc đẩy chẳng hề thành công như đưa Mỹ can thiệp vào Balkans hay xung đột Dafur.
Còn nữa, đưa ra tầm nhìn cho chính sách đối ngoại cũng chẳng quá vất vả với Biden, nhưng chuyện thực thi nó không hề đơn giản. Một ngày đẹp trời, ông Trump rút lính Mỹ khỏi Syria và sân chơi nhường lại cho Nga cùng Tổng thống Bashar al-Assad. Chỉ một việc đó thôi vai trò “đồng minh tin cậy” của Mỹ cũng đã bị suy tổn.
Ngay trong nhóm đồng minh cũng chẳng phải ai cũng dễ chơi. Thổ Nhĩ Kỳ được giới phân tích nhìn từ góc độ Mỹ là tay ngang tàng khó xử. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan can thiệp vào xung đột Syria, Libya, Armenia; kích động căng thẳng với Hy Lạp và Pháp (cùng trong NATO) là những việc mà trước thời ông Trump khó có thể xảy ra.
Trung Đông thì thật hỗn loạn. Và nó không hẳn là hệ quả của chính quyền Trump, nó có từ thời ông Biden còn làm phó cho Tổng thống Barack Obama. Những đối tác Trung Đông như Tổng thống Aicập Hosni Mubarak hay Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali đều là đồng minh nhưng ngã ngựa trong mùa Xuân Ảrập, vốn tạo ra sự hoài nghi về tính hai mặt của Mỹ ở nhiều nước trong khu vực. Rút quân khỏi Iraq và lún sâu vào Afghanistan thì ông Biden đều đã kinh qua.
Chặng đường đưa nước Mỹ tách khỏi các thể chế hay quan hệ đa phương đã được trải ra trước khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng. Nhiệm vụ của ông là đảo ngược nó nhanh hay chậm, nhiều hay ít để kéo lại bên mình đủ số đồng minh hòng lập lại trật tự thế giới mà ông mong muốn.
Anh, Pháp, Đức từng hao công tổn sức kéo Mỹ vào thỏa thuận hạt nhân Iran, nay đến lượt ông Biden phải thuyết phục các đồng minh cùng ông bắt tay trở lại.
Chính sách đối ngoại trên bàn ông Biden đang dày cộm. Điều đó không chỉ đòi hỏi ông tìm lại niềm tin giữa bạn bè và còn phải xây dựng lại sự tin cậy trong cộng đồng quốc tế. Tái khởi động lại một trật tự mà ông góp sức 8 năm thời Obama có thể không còn như xưa. Khi đó, rất có thể chặng đua vào Nhà Trắng mới chỉ là sự khởi động dễ chịu nhất. Nhất là khi mục tiêu quan trọng nhất mà Joe Biden thể hiện trong bài phát biểu đầu tiên lúc nhận tin thắng cử là “hàn gắn nước Mỹ bị chia rẽ”.