| Hotline: 0983.970.780

Chở Tết lên ngàn

Thứ Ba 05/02/2013 , 10:18 (GMT+7)

Chị Phan Thị Hòa (trú tại xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) tháo chiếc khẩu trang rồi cười. Nụ cười như xóa đi cái mệt nhọc sau chặng đường dài: “Ui chao, cái nghề ni cũng phải có gan mới làm được và cũng thật vui khi thấy bà con trên vùng cao này cần mình”.

Chị Phan Thị Hòa (trú tại xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) tháo chiếc khẩu trang rồi cười. Nụ cười như xóa đi cái mệt nhọc sau chặng đường dài: “Ui chao, cái nghề ni cũng phải có gan mới làm được và cũng thật vui khi thấy bà con trên vùng cao này cần mình”.

Hơn chục năm nay, chị và những người bạn vẫn miệt mài băng rừng vượt núi để đem hàng hóa đến cho bà con dân tộc Vân Kiều. Những chuyến xe hàng cuối năm được các chị ví von: Chở Tết lên ngàn...

“Tiểu đội xe hai sọt”

Khi sương sớm đang giăng kín trời, những con đường còn phủ hơi sương cũng là lúc cuộc hành trình vượt rừng của hàng chục chị em trong đội hai sọt bắt đầu. “Hai sọt” là cách nói vui của các chị vì mỗi xe máy đều đèo hai sọt hai bên để đựng hàng. Thật lạ là những người làm công việc này chủ yếu phụ nữ. Tuổi của các chị khoảng trên ba mươi. Tất cả đều mang dáng dấp chung của sự tảo tần. Chị Phan Thị Hòa là một trong số những người lâu năm nhất làm công việc này, kể: “3 giờ sáng trở dậy. Hai chiếc sọt đựng đầy hàng hóa từ các loại thực phẩm rau, cá, thịt đến các loại bánh trái được chất đầy lên xe. Phải đi sớm cho kịp bán. Đi muộn bà con đi rẫy hết thì khó". Dứt lời, chiếc xe nổ máy rồi vụt vào màn đêm lạnh buốt. Cơn gió bấc làm hai bàn tay tê cóng nhưng chị vẫn cố ghì chặt bởi chỉ cần nhẹ tay là cả kiện hàng vật luôn cả xe. Vừa tới đoạn rẽ qua Nông trường Việt Trung ngược lên hướng xã vùng cao Trường Sơn, đã có thêm hơn chục chiếc xe hai sọt khác cũng hối hả lao vào đường rừng hun hút.

Không ai nói được mỗi xe chở được bao nhiêu lượng hàng. Nhưng theo như chị Hòa thì mỗi xe bằng một cái chợ nhỏ. Mười xe gộp lại bằng một cái chợ vừa vừa. Chừng đó cũng đủ cung cấp thức ăn cho cả vùng Trường Sơn. Càng về sáng, sương càng mờ ảo. Đường lên Trường Sơn vốn vắng người và nhiều khúc cua nên đoàn xe thi thoảng như xiêu vẹo. "Bình thường thì không nhiều hàng thế này mô. Mà bởi nhiều người trên đó đã dặn mua dần đồ Tết từ bây giờ nên chị em trong đoàn cũng gắng bỏ thêm ít hàng", chị Hòa cho hay.


“Chợ tết” của chị Hòa ở bản Bến Đường

Đối với người dân vùng cao, quanh năm gắn bó với núi rừng thì những đoàn xe hai sọt như thế này là nguồn sống hàng ngày. Bởi đường xa mà phương tiện thiếu, nên người dân trong vùng chỉ biết trông chờ cả vào “tiểu đội xe hai sọt” này... Ngày nào vắng bóng các chị là gần như các hộ dân vùng cao đều thấy thiếu hụt đủ thứ. Những ngày giáp Tết thì “tiểu đội xe hai sọt” càng quan trọng hơn. Chị Lê Thị Thơm (một thành viên của đoàn) sôi nổi: “Suốt hơn một tháng ròng từ trước Tết chị em trong đoàn phải tăng thêm số lượng hàng hóa theo yêu cầu của từng người dân gửi gắm để mua lên cho họ. Mỗi ngày một ít, đến cận Tết là đủ nhu cầu. Chỉ có hơn mười chị em nên nếu không đưa dần hàng Tết lên từ bây giờ sẽ không kịp. Nhiều khi các chị phải chở gắng thêm hàng vì người ta đã dặn mà mình không chở thì không được”.

Khoảng 6 giờ sáng, đoàn xe hai sọt mới tới Trường Sơn. Như đã hẹn từ trước, hơn chục chị em ngay lập tức tản ra các bản làng để bán hàng. Mỗi chiếc xe hai sọt vừa dừng lại là hàng chục người dân đã vây kín... Người lớn thì mua cá, thịt, rau còn trẻ em thì theo mẹ đòi cho bằng được nào là bánh ít, bánh bèo, gói kẹo cay ngọt. Núi rừng như được đánh thức. Không khí tất bật chuẩn bị cho năm hết Tết đến cũng tràn ngập bản làng.


Xe hàng dừng ở đâu là chợ ở đó

Gian nan đường chợ...

Tính bình quân mỗi tua đi - về hằng ngày của chị em trong đoàn hai sọt là khoảng 200 cây số song hành cùng núi cao, mây lạnh. Nhưng với họ dường như chừng ấy vẫn còn đỡ gian nan hơn những ngày cơ hàn mới gánh chợ lên vùng này.

Hơn 15 năm trước, chị Hòa bắt đầu mở đường gánh chợ lên Trường Sơn. Ngày đó chưa có con đường trải nhựa như giờ. Nên muốn gánh chợ lên Trường Sơn phải đi bằng đò ngược. Khỏi phải nói chuỗi ngày đó với chị Hòa gian nan đến nhường nào. 5 giờ sáng, trên chiếc thuyền nan chèo tay, chị phải đưa hàng hóa lên chiếc thuyền nan rồi chiếc thuyền này ngược theo sông đi tắt qua mấy dãy núi đá. Lên đến Trường Sơn cũng đã tối mịt.


Mua bán ngay trước nhà...

Hàng hóa thời điểm đó vì thế chị cũng không dám lấy hàng tươi. Nhưng hàng khô khi đó đã là niềm mơ ước của hàng trăm hộ dân nghèo. Sau này, đường lên Trường Sơn được mở, chị Hòa cùng vài người nữa chuyển qua gánh hàng hóa lên bằng đường xe đò. Sáng bỏ hàng theo xe lên rồi gánh hàng ngược dốc, băng suối đi về các bản. Đến chiều lại nhảy xe về. "Hơn một năm nay thì đỡ vất vả hơn, 10 người trong đội gánh chợ lên non đều đã chuyển qua đi xe máy nên việc vận chuyển và đi lại cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều" - chị Hòa nói như khoe.

“Mỗi chuyến xe hàng lên bán, lời lãi chẳng được nhiều. Đi cả ngày được hơn trăm bạc. Nhiều khi hàng hóa cho bà con nợ, có người vài tháng mới trả. Có người gặp phải ốm đau đột xuất hay khó khăn quá lại cho luôn. Nhưng cái nghề như sự trói chặt và cũng là cách mưu sinh nên khó mà bỏ được” - chị Phan Thị Hòa bộc bạch.

Chị Hồ Thị Xiên (ở bản Bến Đường) vừa nhận bao hàng Tết từ chị Hòa xong, vui chuyện: “Trước đây, khi chưa có đoàn xe hai sọt chở cá thịt, rau dưa lên thì bà con chỉ ăn măng, muối là chính. Bây giờ, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi nhiều, nhu cầu được nâng cao nên việc có những sạp hàng di động như thế này cũng giúp ích rất nhiều”. Theo chị Xiên, có nhiều người không đủ tiền mặt để mua thức ăn, hàng hóa, các chị bán hàng sẵn sàng cho ký nợ trả sau nên đồng bào rất an lòng.

Hơn 15 năm gắn bó với nghề, tuy khó khăn vất vả nhưng các chị trong đoàn xe hai sọt không bỏ nghề được, bởi họ yêu quý tấm lòng chất phác, thật thà của đồng bào Vân Kiều nơi đây. Ngày thường không khí mua bán nhộn nhịp như thế nào thì những ngày giáp Tết sự náo nhiệt ấy phải được nhân lên gấp bội.


Heo hút đường lên Trường Sơn

Chị Thơm nhớ như in những ngày giáp Tết năm trước. Hai vợ chồng Hồ Lương và Hồ Thị Đan vẫn còn đi rừng chưa về nên không mua được hàng Tết nào cho con. Sáng 28 Tết, hai vợ chồng đứng đợi bên đường để gặp chị Thơm nhờ mua cho bánh kẹo, áo quần mới cho con. Nhẽ ra là nghỉ “phiên” chợ, nhưng thấy vợ chồng anh Lương nhìn mình với đôi mắt như cầu khẩn nên chị Thơm quyết định thêm “phiên" chợ cuối. Gia đình ai cũng can ngăn, phần vì giáp Tết để dọn nhà cửa, phần vì đi một mình cũng lo ngại hiểm nguy. Sáng 29 Tết, chị trở lại, vừa đặt chân lên đầu bản, hai mẹ con chị Đan đã ùa ra tíu tít hỏi quà. "Cầm tấm áo cho con mà hai mẹ con chị Đan cùng rơi nước mắt. Mình cũng muốn khóc theo" - chị Thơm kể.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm