| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới Hà Tĩnh thời 4.0

Thứ Bảy 13/04/2019 , 07:10 (GMT+7)

Sau hơn 8 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM với sự chủ động, bài bản, tâm huyết, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 50% số xã đạt chuẩn NTM. Đây là tiền đề đưa phong trào ngày càng đi vào sâu, bền vững, từng bước giúp Hà Tĩnh mạnh dạn áp dụng công nghệ 4.0 vào thực hiện 20 tiêu chí NTM.

Những mô hình tự động

Với mong muốn cập nhật kết quả xây dựng NTM rõ ràng, chi tiết, và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay đến cộng đồng một cách sâu rộng, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh đã xây dựng phần mềm “Dữ liệu số NTM Hà Tĩnh”. Phần mềm này có nhiều lớp để dễ dàng tìm kiếm thông tin, như: Lớp đường giao thông, lớp thông tin chung, lớp các vườn mẫu, lớp các sản phẩm đặc trưng, chủ lực…

15-53-30_nh3
Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình vườn mẫu ngoài cho hiệu quả kinh tế cao còn làm đẹp cảnh quan, môi trường sống ở các vùng nông thôn

Từ dữ liệu của các thôn, người xem sẽ có được thông tin chung của toàn xã, toàn huyện và tổng hợp thành thông tin chung toàn tỉnh. Qua đó người xem sẽ tiếp cận được bức tranh chung về tiến độ đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí chung. Đặc biệt, giờ đây bất kỳ người nào quan tâm đến kết quả, kinh nghiệm xây dựng NTM của Hà Tĩnh cũng không cần đến trực tiếp các mô hình mà có thể ngồi tại nhà để xem, tìm kiếm thông tin, hình ảnh chỉ bằng một chiếc smatphone hoặc máy vi tính có kết nối internet.

“Khi đến thăm một số xã NTM ở Hà Tĩnh tôi và đoàn công tác rất tâm đắc khi được giới thiệu về “Dữ liệu số NTM Hà Tĩnh”. Đây thật sự là một cách làm rất sáng tạo và hữu ích”, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến nhận xét.

Sẽ không ngạc nhiên khi về một số địa phương ở Hà Tĩnh xem cách nông dân làm vườn mẫu. Tích cực áp dụng công nghệ vào sản xuất, chủ động kết nối thị trường, năng động, nhạy bén bắt kịp với xu thế phát triển thời đại, nhiều nông dân ở Hà Tĩnh đã biết tìm hướng đi cho mình trở thành những ông chủ, bà chủ trên mảnh đất “chảo lửa túi mưa”.

Đó là hệ thống tưới tự động, khi chỉ cần bật một chiếc công tắc điện là có thể tưới cho cả một diện tích lớn, nhỏ bất kể thời gian và có thể điều chỉnh mức độ tưới theo ý muốn. Hay chỉ cần một điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng quét mã QR thì thông tin về sản phẩm từ xuất xứ, hạn sử dụng, quy trình sản xuất sẽ hiện lên trong tích tắc...

Ông Đinh Phúc Tiến, thôn Đông Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê cho biết, từ khi có trạm quản lý khí hậu tự động công nghệ iMetos, hoạt động nhờ pin năng lượng mặt trời ông không còn lo lắng trước diễn biến phức tạp của thời tiết. Bởi hệ thống có thể dự báo được lượng mưa và thời gian mưa, báo động lượng mưa quá ngưỡng, nhiệt độ cực đoan như nóng, lạnh, rét đậm, rét hại, sương muối… với phạm vi phục vụ bán kính 5 - 25 km.
 

Con người quyết định thành - bại

Theo ông Đinh Phúc Tiến, cả thế giới đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Đây là một hướng đi đúng đắn và phụ hợp với thực tiễn. Nếu người dân không thay đổi cách làm truyền thống, tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thì sẽ bị bỏ lại phía sau ngay.

15-53-30_nh1
“Dữ liệu số NTM” giúp người dân dễ dàng tìm kiếm thông tin về địa phương mình đang quan tâm

Khu vườn rộng hơn 1.000m2 của chị Hoàng Thị Huyền, thành viên HTX Hoàng Hà, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà trước đây chỉ trồng ít luống khoai lang, ít luống rau cải hoặc vài ba cây đu đủ, phục vụ bữa ăn trong gia đình. Nhưng kể từ ngày xã, huyện phát động phong trào xây dựng mô hình vườn mẫu, gia đình chị đăng ký tham gia. Sau khi được các cấp chính quyền hỗ trợ một phần kinh phí, chị quy hoạch lại toàn bộ vườn, lắp đặt hệ thống tưới tự động, sản xuất đa dạng các loại rau, củ quả. Sau hơn một năm đầu tư chăm sóc, khu vườn cho thu nhập trên dưới 50 triệu đồng/năm. Chị Huyền khẳng định: “Sản xuất nông nghiệp nếu không đưa công nghệ vào thì chín mười phần là thất bại hoặc thu không đủ bù chi”.

Ngoài công nghệ, yếu tố con người cũng quyết định thành - bại của cả chương trình xây dựng NTM.

Đến thăm bộ phận “một cửa” của xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà chúng tôi thực sự bất ngờ trước sự chuyên nghiệp của cán bộ, viên chức của địa phương này. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, thôn Sâm Lộc, từ khi xã ứng dụng phần mềm quản lý điều hành ở trung tâm tiếp nhận và trả kết quả, các thủ tục giấy tờ công dân xin xác nhận của lãnh đạo xã đều được giải quyết nhanh gọn, không có hiện tượng phiền nhiễu. Thậm chí, một số hồ sơ phức tạp, cần có thời gian để lãnh đạo xã kiểm tra, xem xét cũng được thông báo kế hoạch trả kết quả ngay trên hệ thống phần mềm đặt tại xã, góp phần tiết kiệm công sức đi lại và thời gian cho công dân.

“Việc triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ 4.0 vào phong trào xây dựng NTM tại một số địa phương bước đầu cho kết quả tốt. Đây là tiền đề để Hà Tĩnh tiếp tục mạnh dạn có những bước đi bứt phá và sáng tạo hơn trong thời gian tới”, ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh thông tin.

 

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.