Thanh Lương được mệnh danh là thủ phủ chăn nuôi gà thả vườn của tỉnh Bình Phước. Tận dụng tán điều, hơn 20 năm trước người dân nơi đây kết hợp nuôi gà thả vườn. Có thời điểm, tổng đàn gà trên địa bàn xã này lên đến hàng triệu con.
Tuy nhiên, do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, hiện tổng đàn gà địa phương này giảm tới 80% và số người nuôi giảm khoảng 70%, dù giá gà đang khởi sắc trở lại nhưng người nuôi chưa mạnh dạn tái đàn.
Nhận thấy đa số người dân địa phương chủ yếu nuôi giống gà Minh Dư Bình Định thường xuyên đối mặt cảnh “thừa hàng dội chợ”, anh Lê Quang Mạnh quyết định chuyển sang nuôi gà tre, bước đầu cho hiệu quả cao.
Nằm biệt lập giữa quả đồi rộng hơn 3ha, trang trại nuôi gà tre của anh Mạnh khá thoáng đãng. Những dãy chuồng nuôi gà được xây dựng bên những vườn điều xanh tốt.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, anh mạnh chia sẻ, trước đây chủ yếu nuôi giống gà Minh Dư Bình Định. Ban đầu, anh chỉ thả nuôi khoảng 200 con, sau đó thấy hiệu quả nên tăng đàn dần qua từng năm, đỉnh điểm lên đến trên 24.000 con.
Đến năm 2022, khi giá gà Bình Định đi xuống, nhận thấy giống gà tre rất khỏe, ít bệnh, dễ nuôi, vốn đầu tư không nhiều và đem lại lợi nhuận cao hơn so với các giống gà khác, anh quyết định chuyển sang gà tre.
Cầm trên tay chú gà tre gần 100 ngày tuổi, trọng lượng hơn 1kg, anh Mạnh phấn khởi cho biết thêm, ưu điểm gà tre thời gian nuôi ngắn, ít hao tổn thức ăn, kháng bệnh tốt, thịt dai chắc, thơm ngon. Đặc biệt, trọng lượng gà thương phẩm chỉ nặng từ 1-2kg/con phù hợp với bữa ăn của mỗi gia đình và các nhà hàng nên được thị trường ưa chuộng. Nhờ vậy, giá gà tre cũng cao hơn các loại gà khác 30-40%. Với đàn gà 20.000 con hiện tại, dự kiến vụ này đem lại thu nhập cho gia đình hơn 200 triệu đồng.
“Tuy nhiên, nuôi gà tre phải "3 sạch", gồm: ăn sạch, ở sạch và uống sạch. Theo đó, chuồng nuôi gà tre phải đảm bảo thoáng mát mùa hè, kín ấm vào mùa đông. Nền chuồng cao ráo, thoát nước. Chất độn chuồng gồm trấu, dăm bào sạch, dày 5 - 10cm. Nuôi gà tre phải dọn phân mỗi ngày, rửa máng ăn, máng uống sạch sẽ, quan sát tình trạng ăn uống, đi đứng của gà, nếu thấy con nào ủ rũ cần cách ly ngay để theo dõi.
Đặc biệt, trong tháng đầu tiên, trang trại sử dụng đầy đủ các loại vacxin để phòng các loại bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, Gumboro… và đặc biệt dịch cúm H5N1. Cùng với đó, vườn thả gà được khoanh lưới để đảm bảo gà không tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài”, anh Mạnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Bình Long cho biết, xã Thanh Lương nói riêng, thị xã Bình Long nói chung có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, lĩnh vực chăn nuôi địa phương đã có bước phát triển mạnh về quy mô, năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện, trên địa bàn xã Thanh Lương có hơn 10 giống gà khác nhau. Tuy nhiên, người chăn nuôi ở đây đang có những biện pháp tuyển chọn, lai tạo giống gà mới có ưu thế vượt trội để tạo thương hiệu riêng cho Thanh Lương.
Đối với mô hình nuôi gà tre, đây loại gà rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, diện tích thả nuôi không cần lớn, người nông dân chỉ cần tận dụng khoảng 1.000 - 2.000 m2 đất trống, dưới vườn điều, cao su, cây ăn trái là có thể thả nuôi. Địa phương đang tiếp tục theo dõi đánh giá để nhân rộng mô hình.
Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể gà thả vườn cho Hội Nông dân xã Thanh Lương. Với nhãn hiệu tập thể này, sản phẩm gà thả vườn và người chăn nuôi ở xã Thanh Lương đã có cơ hội bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của mình.
Đồng thời, đây còn là điều kiện để các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn xã mở rộng quy mô, tăng cường đầu tư vốn và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
"Ngoài ra, việc được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho gà thả vườn Thanh Lương còn tạo ra lòng tin và có chỗ đứng vững chắc đối với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh về sản phẩm đặc thù của địa phương”, ông Nguyễn Đăng Hoàng cho biết thêm.