Sắn kháng khảm lá tươi đến ngày thu hoạch
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng khảo nghiệm những giống sắn mới tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đúng thời điểm nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) đang tiến hành thu hoạch sắn để đánh giá kết quả chọn tạo những dòng, giống sắn có gen kháng khảm lá sắn và một số bệnh hại khác, nhằm chuyển giao nhân rộng mô hình.
Dẫn chúng tôi lội quanh ruộng sắn khảo nghiệm đang vào đợt thu hoạch, bà Phạm Thị Nhạn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc hào hứng chia sẻ: “Sau hơn 9 tháng trồng khảo nghiệm giống, hôm nay chúng tôi bắt đầu thu hoạch các lô mẫu thí nghiệm đánh giá và chọn lọc ra những dòng sắn có khả năng kháng bệnh khảm lá, năng suất và hàm lượng tinh bột cao”.
Theo bà Nhạn, hiện có những dòng sắn đang khảo nghiệm cho năng suất vượt trội, có thể đạt đến 60 - 70 tấn/ha và có hàm lượng tinh bột cao, tương đương khoảng 26 - 27 độ, thậm chí có những giống đạt tới 28 - 29 độ. Trong thời điểm mưa nhiều, hàm lượng tinh bột vẫn đạt cao như vậy là tín hiệu tốt để có thể công bố giống và sớm chuyển giao cho sản xuất đại trà.
Trên cánh đồng khảo nghiệm những ngày thu hoạch, chúng tôi bắt gặp những nông dân có diện tích trồng sắn lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến để tận mắt chứng kiến những đặc tính của giống sắn mới.
Ông Thiều Văn Chính, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai tâm sự: “Chúng tôi đã trồng rất nhiều giống mì (sắn) như KM94, HN1, KM140, HL-S11, HL-S12, HL-S14, nhưng năng suất chỉ đạt khoảng 20 đến 25 tấn/ha. Do vậy, hôm nay khi nghe tin Trung tâm đang thu hoạch những giống mì mới chất lượng cao, chúng tôi rất muốn được thay đổi cơ cấu giống, nhằm cải thiện được năng suất, chất lượng cũng như cho lợi nhuận cao hơn”.
Theo ông Chính, hiện gia đình ông đã trồng sắn được khoảng 15 năm trên diện tích 80ha, với rất nhiều loại giống được chuyển giao từ Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc cho năng suất cao nhưng giống đã cũ và bị thoái hóa.
Đến đây, ông Chính đã tự tay nhổ những cây sắn lên để cảm nhận về năng suất, chất lượng của những giống mới, và ông đã thấy sự khác biệt rõ rệt. “Trên ruộng khảo nghiệm này có nhiều giống đạt năng suất, chất lượng cao và tôi đã tìm được một vài giống mình thích, rất mong Trung tâm sớm có kết quả đánh giá và nhân thêm nhiều giống mới để chuyển giao cho bà con nông dân”, ông Chính bộc bạch.
Theo quan sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại các ô khảo nghiệm giống, cây sắn lá rất tươi, khỏe mạnh đến tận ngày thu hoạch, không có biểu hiện của bệnh khảm lá hay các bệnh khác. Trên mỗi lô cây sắn đều gắn thẻ ghi tên dòng/giống và có mã Code thông tin cụ thể về giống bố mẹ, vị trí thực hiện mô hình. Mỗi bụi sắn chỉ một cây duy nhất phát triển cao chót vót, khi nhổ cây lên có đến cả chục củ sắn to, thậm chí có củ dài tới nửa mét, bám chi chít dưới gốc, ước tính trọng lượng có thể đạt tới 5 - 6 kg/cây.
Liên tiếp khảo nghiệm các dòng/giống sắn triển vọng
Theo Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, trên ruộng khảo nghiệm đang nghiên cứu lai tạo và chọn lọc những dòng sắn triển vọng, có nhiều tiềm năng hứa hẹn cho năng suất cao và chất lượng tốt trên vùng sinh thái Đông Nam bộ như: VH210201, VH210031, VH21-02101, VH21-0031, VH21-0172, VH21-0203, VH21-0439, VH21-0402, VH21-0061…
Hiện trên ruộng khảo nghiệm của Trung tâm, nhóm nhà khoa học đã và đang tiến hành làm các mẫu thí nghiệm năm thứ 2 và năm thứ 3 để chọn lọc, trên tổng số 24 dòng làm thí nghiệm ô lớn và 108 ô làm thí nghiệm ô nhỏ. Ngoài việc chọn tạo các dòng giống có khả năng kháng khảm lá sắn, nhóm nghiên còn theo dõi ghi nhận các triệu chứng trên đồng ruộng của các đối tượng khác như chổi rồng, thối củ…
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc Phạm Thị Nhạn cho biết, tất cả những dòng sắn đang khảo nghiệm đều đã đánh giá tới năm thứ ba, thứ tư nên có thể khẳng định đã hoàn toàn sạch bệnh, không có triệu chứng khảm lá. Những dòng/giống sắn này đều được sử dụng công nghệ sinh học để phân tích đánh giá ngay từ vụ đầu tiên, cho thấy đã có gen kháng khảm bên trong và khi trồng ra ngoài môi trường tự nhiên đã phát huy hiệu quả.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh đã trồng được 2.000ha các giống sắn kháng bệnh khảm lá như HN1, HN5. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Đồng Nai sẽ có khoảng 4.000ha trồng các giống sắn kháng bệnh khảm lá.
Tuy nhiên, đến nay Đồng Nai hiện có gần 1.600ha sắn nhiễm bệnh khảm lá, tập trung ở các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Long Thành và Trảng Bom. Dự báo, bệnh khảm lá sắn có thể tiếp tục tăng nhanh trở lại nếu không thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống…
Trước tình hình bệnh khảm lá sắn có thể tiếp tục tăng nhanh trở lại, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở NN-PTNT và các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá như hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất giống sắn sạch bệnh khảm lá, không trồng các giống dễ nhiễm bệnh mà sử dụng các giống ít nhiễm bệnh. Giống trồng phải có nguồn gốc rõ ràng và sạch bệnh, những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần phun trừ bọ phấn…