| Hotline: 0983.970.780

Chống dịch từ cột mốc 'số 0'

Thứ Ba 31/03/2020 , 06:10 (GMT+7)

Trong 10 ngày qua, Quảng Bình đã tiếp nhận, làm thủ tục y tế và thực hiện cách ly cho hơn 6.000 công dân Việt Nam trở về từ các nước Lào, Thái Lan, Campuchia...

Một chốt kiểm soát của BĐBP Quảng Bình ở khu vực biên giới Việt - Lào để ngăn chặn người vượt biên trái phép. Ảnh: Đ.T.

Một chốt kiểm soát của BĐBP Quảng Bình ở khu vực biên giới Việt - Lào để ngăn chặn người vượt biên trái phép. Ảnh: Đ.T.

Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi bố trí đầy đủ lực lượng chốt trên các tuyến, điểm ở khu vực biên giới để ngăn chặn và phát hiện người dân trở về qua lối đường tự mở.

Vượt lên khó khăn, cán bộ chiến sỹ BĐBP Quảng Bình phải làm tốt nhiệm vụ chống dịch Covid-19, ngay từ cột mốc biên giới”.

Chốt đêm ngày ở đỉnh núi đường biên

Tuyến biên giới Việt -  Lào ở Quảng Bình có đặc điểm là người dân hai nước thường hay qua lại thăm nhau bằng những tuyến đường mòn, lối mở. Vì vậy, việc kiểm soát phải được tăng cường để đảm bảo bất cứ người nhập vào đều được quản lý y tế.

Lực lượng BĐBP Quảng Bình đã thành lập 14 chốt kiểm soát lưu động canh gác các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới.

Ngoài ra, cùng 8 tổ tuần tra lưu động thường xuyên bám địa bàn, trực 24/24 nhằm ngăn chặn các trường hợp vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ lực lượng phải ăn ở rừng, trong những lán bạt tạm để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Thượng úy Trần Văn Lai, Đồn biên phòng Cha Lo, phụ  trách một chốt kiểm soát cho biết, hơn tháng nay, anh em luôn trực chốt và thực hiện kiểm tra. Đã có hàng chục trường hợp bà con về nước theo lối mở qua lèn đá đều được anh em đón, giải thích về dịch bệnh và đưa về các khu cách ly tập trung.

“Nhiều khi, phát hiện bà con mình về thì cũng thương lắm. Họ phải vượt suối, vượt dốc mới về được. Anh em phải san sẻ đồ ăn, nước uống cho bà con rồi mới làm các thủ tục” - thượng úy Lai chia sẻ.

Lực lượng BĐBP tiếp cận các lối mở trong rừng để lập chốt lưu động nhằm phát hiện, ngăn chặn người qua biên giới. Ảnh: Đ.T.

Lực lượng BĐBP tiếp cận các lối mở trong rừng để lập chốt lưu động nhằm phát hiện, ngăn chặn người qua biên giới. Ảnh: Đ.T.

Việc làm của các chốt, đội tuần tra lưu động đã được bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn biên giới huyện Minh Hóa rất ủng hộ.

Ông Hồ Đon, ở bản Cha Lo (xã Dân Hóa - huyện Minh Hóa) cho hay: “Bà con trong bản cũng tích cực giúp đỡ BĐBP khi làm lán ở trong rừng. Khi thấy người lạ vượt biên thì bà con dân bản báo ngay cho bộ đội biết”.

Nhiều bà con đã băng rừng, vượt suối mang hoa chuối, rau, sắn, cá khe… đến các chốt tặng bộ đội làm nhiệm vụ ở đây.

Các chiến sỹ BĐBP Quảng Bình trong chốt tuần tra sát biên giới vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: T.P.

Các chiến sỹ BĐBP Quảng Bình trong chốt tuần tra sát biên giới vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: T.P.

Trắng đêm đón công dân về nước

Trong khoảng thời gian 10 ngày qua, công dân Việt Nam từ các nước Camphuchia, Thái Lan, Lào… ùn ùn đổ về Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (CKQT Cha Lo).

Mặc dù đã dự báo được tình trạng này để có giải pháp, nhưng việc cả ngàn người làm thủ tục nhập cảnh cũng đã gây nên sự quá tải lớn tại đây. Chính vì vậy, lực lượng liên ngành (BĐBP, công an, hải quan, y tế…) của tỉnh đã phải căng sức làm thủ tục trắng đêm để hỗ trợ bà con trở về.

Thượng tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo cho biết, lực lượng liên ngành đã tổ chức đón tiếp trên 6.000 công dân Việt Nam về nước. Trong đó, chủ yếu là người dân quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa…

“Có những ngày cao điểm, tại cửa khẩu gần 1.000 bà con cùng về. Lực lượng làm thủ tục đón nhận phải thay nhau làm xuyên đêm để phục vụ bà con mình cho thật chu toàn” - thượng tá Bổng nói thêm.

Công dân Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh qua CKQT Cha Lo được tặng bánh mì và một số nhu yếu phẩm cần thiết. Ảnh: T.P.

Công dân Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh qua CKQT Cha Lo được tặng bánh mì và một số nhu yếu phẩm cần thiết. Ảnh: T.P.

Những ngày lượng người qua cửa khẩu lớn, các đơn vị chức năng đã nhanh chóng thực hiện đầy đủ các thủ tục, kiểm tra sức khỏe, khử khuẩn và bố trí xe đưa đón công dân về các khu cách ly tập trung trong và ngoài tỉnh.

Riêng trong ngày 28/3, đến 18 giờ, tổ tiếp nhận tại cửa khẩu hoàn thành thủ tục nhập cảnh cho 257 công dân xong mới được tạm nghỉ ăn tối và sau đó tiếp tục làm việc để đón những xe khách khác.

“Anh em làm không quản mệt mỏi để có gắng cho bà con không bị ùn ứ tại cửa khẩu. Có ngày, ăn bữa chỉ loáng qua còn dành thời gian làm việc.

Ai cũng tự nhủ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ và không để xảy ra bất kỳ sau sót nào” - anh Lê Văn Tiến, nhân viên y tế tại cửa khẩu nói.

Cũng những ngày qua, tại CKQT Cha Lo, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm đã quyên góp hỗ trợ nước uống, mì tôm, lương khô, sữa, bánh mì, khẩu trang y tế… cho công dân trong khi chờ đợi làm thủ tục nhập cảnh. Việc hỗ trợ kịp thời này đã làm ấm lòng bao người khi trở về quê hương.

Chị Nguyễn Thị Tâm (quê Nghệ An) cảm động nói: “Khi đến cửa khẩu, chúng tôi cũng lo lắng lắm. Nhưng các anh chị ở đây rất quan tam từ hướng dẫn thủ tục đến cung cấp đồ ăn, nước uống làm bà con ấm lòng lắm.

Tại đây cũng có khu vực cấp phát bánh, sữa riêng cho trẻ em và người già. Nhiều người còn được hỗ trợ bánh mỳ, sữa, nước uống trên chặng đường về đến các điểm cách ly ở địa phương”.

Để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương lắp đặt 3 máy khử khuẩn tại CKQT Cha Lo. Trong đó, 2 máy khử khuẩn tự động và 1 máy rửa tay cảm biến tự động dùng dung dịch sát khuẩn nano bạc.

Ông Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình cho biết: “Những thiết bị này do một số doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh tài trợ, nhằm phục vụ ở khu vực xuất nhập cảnh, góp phần phòng chống dịch bệnh ngay từ tuyến đầu”.

Các tài xế phục vụ đưa đón công dân nhập cảnh đến khu cách ly tranh thủ nhắn tin báo an toàn trước khi ngủ. Ảnh: N.H.

Các tài xế phục vụ đưa đón công dân nhập cảnh đến khu cách ly tranh thủ nhắn tin báo an toàn trước khi ngủ. Ảnh: N.H.

Trước việc công dân về số lượng lớn ở cửa khẩu, Quảng Bình cũng đã huy động 33 xe khách (từ 16 đến 45 chỗ ngồi) để vận chuyển bà con về các điểm cách ly trong tỉnh và các tỉnh khác. Hợp tác xã vận tải Phú Thành (HTX Phú Thành) có 12 xe được điều động làm nhiệm vụ.

Anh Đinh Công Hành, Giám đốc HTX Phú Thành cho biết: “Đến 30/3, anh em đã thực hiện trên 140 chuyến xe an toàn, đưa hơn 4.500 người về các khu cách ly, trong đó có gần 2.500 người về Nghệ An và Hà Tĩnh”.

Có những chuyến xe khởi hành từ Cha Lo vào khoảng 7 - 8 giờ tối, cá biệt có hôm đến tận 3 giờ sáng. Nếu chở người dân về các trung tâm cách ly chỉ đơn giản là đến một đầu mối, nhưng những chuyến xe chở người dân về Nghệ An, Hà Tĩnh phải đưa mỗi người về tận từng địa phương.

Quá trình trả hành khách ở nhiều điểm đã kéo dài cuộc hành trình từ tối hôm trước đến khoảng 9 - 10 giờ sáng hôm sau mới quay lại Cha Lo. Anh em lái xe cũng đã quen với lộ trình đêm đi, trưa về, xế chiều lại tập trung để đợi chuyến đi mới.

Anh Nguyễn Văn H. (một tài xế) cũng cho hay: “Anh em đã quen đường dốc đèo nên chạy an toàn. Lộ trình chừng trên 500 cây số. Có chuyến đến địa điểm thì cũng rạng sáng, trước lúc tranh thủ ngủ bên lề đường cũng nhắn về cho trung tâm là đã đến nơi an toàn. Chợp mắt được chừng tiếng đồng hồ là lên xe quay về Cha Lo để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo”.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình: “Nhiệm vụ đón tiếp, làm thủ tục, khám sàng lọc ở khu vực CKQT Cha Lo được thực hiện rất bài bản và an toàn cao. Trong tuần tới, khi lượng công dân về Việt Nam giảm đáng kể thì chúng tôi đã có kế hoạch thực hiện cách ly lực lượng làm nhiệm vụ ở cửa khẩu, anh em lái xe, phục vụ xe… để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.