Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 3 sĩ quan công an thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là Đặng Thế Đông, Hoàng Trọng Tấn và Nguyễn Vũ Hiệp để điều tra về tội danh “dùng nhục hình” theo quy định tại khoản 2, Điều 373 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong quá trình làm việc với nghi phạm VĐH, các bị can Đặng Thế Đông, Hoàng Trọng Tấn và Nguyễn Vũ Hiệp đã có hành vi xâm hại cơ thể công dân như tát vào mặt, chích thuốc lá đang cháy vào móng tay và dùng còng số 8 để treo hai tay lên tường… Vụ án “dùng nhục hình” này đang được mở rộng điều tra nhằm chấn chỉnh kỷ cương.
Câu chuyện ở thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang không phải là lần đầu tiên biểu hiện “dùng nhục hình” xảy ra trong các đơn vị công an. Cách đây 2 năm, hai sĩ quan đang công tác ở Nhà tạm giữ Công an Quận 11 - TPHCM cũng đã bị xử lý vì tội danh “dùng nhục hình”.
Bộ luật Hình sự năm 2015, đã quy định rất rõ: “Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Thế nhưng, hành vi “dùng nhục hình” thỉnh thoảng vẫn xảy ra, gây bức xúc cho xã hội. Thậm chí, dư luận cũng từng băn khoăn về những cái chết đột ngột trong quá trình nghi phạm bị câu lưu hoặc bị tạm giữ tại cơ quan công an.
Hành vi “dùng nhục hình” và hành vi “bức cung” được rạch ròi thành hai tội danh, nhưng lại có quan hệ khá mật thiết với nhau. Vì nôn nóng phá án hoặc vì sốt ruột thành tích, “dùng nhục hình” được sử dụng để phục vụ cho “bức cung”.
Nghi phạm nếu không nhận được sự bảo vệ đúng mức của pháp luật, sẽ dễ dàng dẫn đến án oan, án sai. Vì vậy, chống “dùng nhục hình” cũng là biện pháp hữu hiệu để giảm bớt án oan, án sai nhiều hệ lụy nhức nhối.
Bộ Công an và các cơ quan tư pháp rất quan tâm đến vấn đề làm sao để ngăn chặn hành vi “dùng nhục hình”.
Bởi lẽ, hành vi “dùng nhục hình” không chỉ tạo ra bi kịch cho nghi phạm và người thân, mà còn vi pham Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc và ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Không ai được phép nhân danh bất cứ điều gì để “dùng nhục hình” với người khác, đó là nguyên tắc mà lực lượng chức năng càng phải đề cao và tuân thủ.
Muốn chấm dứt tệ nạn “dùng nhục hình” ở cơ quan công an, thì áp dụng quay video trong suốt quá trình hỏi cung, e rằng vẫn chưa đủ. Cách tốt nhất là tạo điều kiện cho luật sư được tham gia chứng kiến và hỗ trợ ngay từ khi nghi phạm nhận được lệnh triệu tập.