| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện thủy lợi tại Bình Dương [Bài 1]: Thủy lợi thúc đẩy kinh tế nông nghiệp

Chủ Nhật 01/10/2023 , 08:07 (GMT+7)

Không ồn ào, sôi động, nhưng vẫn hiệu quả. Đó là sự khác biệt của huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) nhờ tận dụng tốt thủy lợi phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả.

Ruộng đồng thêm xanh nhờ thủy lợi

Được bao bọc bởi sông Bé và sông Đồng Nai cùng với hệ thống công trình thủy lợi, trạm bơm là một trong những thế mạnh của huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) để phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đem thu nhập khá cho người dân địa phương.

Một trong những vườn cây ăn quả được tưới mát bởi những công trình thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Một trong những vườn cây ăn quả được tưới mát bởi những công trình thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Đến huyện Bắc Tân Uyên những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là những vườn bưởi, vườn cam, vườn quýt trĩu quả chạy dài tít tắp được tưới mát bởi những công trình thủy lợi. Dẫn chúng tôi tham quan công trình hồ thủy lợi Đá Bàn – Suối Sâu, một trong những công trình trọng điểm tại địa phương, chỉ tay về phía những vườn cây ăn quả xanh tốt bao quanh lòng hồ, ông Đặng Văn Lượng, Trưởng trạm Thủy nông huyện Bắc Tân Uyên cho biết, với diện tích trồng cây có múi gần 2.000 ha (180 ha đạt chứng nhận VietGAP), Bắc Tân Uyên đang là một trong những địa phương dẫn đầu về năng suất, chất lượng cây ăn quả có múi của tỉnh.

“Nhiều diện tích trồng cây có múi cho thu nhập cao từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha/năm. Cây có múi không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân trong tỉnh những năm qua, mà nó còn là sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng ngon, ngọt, sạch và an toàn của vùng đất Bình Dương”, ông Đặng Văn Lượng nói.

Ông Đặng Văn Lượng  cho biết thêm, để được kết quả trên, bên cạnh công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp cũng được huyện quan tâm đầu tư.

Từ năm 2014 đến nay, huyện Bắc Tân Uyên đã triển khai 5 dự án về điện, trên 10 dự án về thủy lợi và hàng chục dự án về giao thông với số vốn lớn nhằm phục vụ cho phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái nói riêng.

Hồ thủy lợi Đá Bàn - Suối Sâu, một trong những công trình trọng điểm tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Hồ thủy lợi Đá Bàn - Suối Sâu, một trong những công trình trọng điểm tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Hiện trên địa bàn huyện có 8 công trình thủy lợi, bao gồm 2 hồ chứa (Đá Bàn - Suối Sâu, Dốc Nhàn) và 6 trạm bơm, hệ thống kênh mương tưới tiêu có chiều dài gần 71km, với tổng năng lực thiết kế tưới cho khoảng 789 ha.

“Trong những năm qua, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên được UBND huyện quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Từ đó tạo nên sự đồng bộ của hệ thống thủy lợi, từ công trình đầu mối đến hệ thống mương, hệ thống tưới nước tiết kiệm, quản lý khai thác hiệu quả, đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho dân cư nông thôn”, ông Đặng Văn Lượng chia sẻ.

Tiếp tục đầu tư nâng cấp công trình thủy lợi

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên Nguyễn Văn Thuận, là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp, thời gian qua huyện Bắc Tân Uyên đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các vùng chuyên canh cây ăn trái có múi. Đến nay, mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thủy lợi thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tại huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: Trần Trung.

Thủy lợi thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tại huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: Trần Trung.

Để định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng và phê duyệt Quy hoạch chi tiết ngành nông nghiệp huyện tầm nhìn đến năm 2025, đồng thời đã tổ chức công bố đến các ban, ngành có liên quan, UBND các xã, thị trấn, toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện để tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Nhằm phục vụ tốt định hướng trên, huyện tiếp tục tập trung nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phục vụ cho việc vận chuyển, cung ứng vật tư nông nghiệp, nông phẩm; kiên cố hóa các kênh mương, hồ chứa nước, trạm bơm và các công trình thủy lợi khác, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới phục vụ nhu cầu sản xuất; xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý môi trường trong các trang trại, hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Điển hình, vừa qua tuyến kênh tự chảy Đá Bàn - Suối Sâu và công trình suối Tân Lợi, nhánh Suối Sâu đã được được nạo vét, hoàn thành đưa vào sử dụng. Việc đầu tư nạo vét kênh mương đã giúp bảo đảm dòng chảy, cung cấp nguồn nước tưới phục vụ cho nông nghiệp.

Ông Đặng Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc An, cho biết: “Mùa khô lượng nước trong hồ tự chảy không đủ đáp ứng tưới tiêu đồng đều, nhờ được nạo vét giúp những bà con nông dân địa phương chủ động được nước tưới để gieo cấy đúng thời vụ. Bên cạnh đó, nông dân thuận lợi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả sản xuất, thu nhập tăng lên, đời sống ngày một khá hơn”.

Người dân huyện Bắc Tân Uyên phấn khởi thu hoạch cây có múi. Ảnh: Trần Trung.

Người dân huyện Bắc Tân Uyên phấn khởi thu hoạch cây có múi. Ảnh: Trần Trung.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên Nguyễn Văn Thuận cho biết thêm, những công trình thủy lợi được đầu tư, nâng cấp đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Để khai thác, vận hành có hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có nhằm bảo đảm yêu cầu tưới và tiêu thoát nước cho 100% diện tích sản xuất nông nghiệp nằm trong khu vực tưới của hệ thống thủy lợi do huyện đầu tư; phổ biến, nhân rộng việc áp dụng các kỹ thuật tiết kiệm nước, nhất là đối với các vùng khan hiếm nguồn nước.

“Từ nay đến năm 2030, huyện tập trung nâng cấp, sửa chữa 2 hồ chứa nước, 6 trạm bơm, kiên cố hóa hệ thống kênh mương; hoàn thành và đưa vào sử dụng theo phương án chuyển đổi công năng hồ Đá Bàn, xây dựng mới 2 trạm bơm tại xã Lạc An và xã Thường Tân; nghiên cứu đánh giá nhu cầu nước tưới trong nông nghiệp để đầu tư hệ thống thủy lợi lấy nước từ sông Bé cho các xã Tân Định, Hiếu Liêm; hoàn thiện mới hệ thống thủy lợi, các trạm bơm và kênh mương được lấy nước từ sông Đồng Nai; tiếp tục đầu tư, nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến và tiết kiệm nước”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Lãng phí tài sản công, dân Hà Tĩnh vẫn khát nước sạch: [Bài 3] Công trình cấp nước tập trung phải giao đơn vị có chuyên môn quản lý

Hà Tĩnh Quy mô đầu tư xây dựng chưa sát thực tế, giao đơn vị thiếu chuyên môn quản lý, vận hành là những nguyên nhân chính khiến nhiều công trình cấp nước tập trung ‘chết yểu’.