| Hotline: 0983.970.780

Ngành thủy lợi với sứ mệnh hạn chế rủi ro thiên tai

Chủ Nhật 08/10/2023 , 17:38 (GMT+7)

Bên cạnh đáp ứng sản xuất nông nghiệp và đảm bảo nước sạch cho sinh hoạt, hệ thống thủy lợi Bình Dương còn góp phần vào công tác đẩy lùi thiên tai.

Mưa là ngập

Thời gian qua, nhiều tuyến đường ở Bình Dương biến thành “sông” khi trời đổ mưa. Tình trạng “cứ trời mưa, đường thành sông” khiến người dân lo lắng trong quá trình di chuyển. Những điểm đen ngập lụt mỗi khi trời mưa có thể kể đến là khu vực cầu ông Bố, trước Công ty Tân Hiệp Phát, gần siêu thị Lotte Thuận An nằm trên Quốc lộ 13.

Ngoài ra, ngập lụt kinh niên còn diễn ra tại đường Lê Thị Trung, Cách Mạng Tháng Tám... thuộc thành phố Thuận An, thành phố có mức độ đô thị hóa nhanh bậc nhất tại tỉnh Bình Dương.

Nhiều đoạn đường tại Bình Dương biến thành sông mỗi khi trời mưa. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều đoạn đường tại Bình Dương biến thành sông mỗi khi trời mưa. Ảnh: Trần Trung.

Theo UBND TP. Thuận An, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng, trong đó công tác duy tu, bảo dưỡng, nạo vét kênh, rạch, các hệ thống thoát nước và công tác phối hợp quản lý đô thị chưa tốt. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình, dự án mới, nạo vét khơi thông dòng chảy còn hạn chế so với yêu cầu đầu tư đồng bộ. Hệ thống thoát nước dọc hai bên các tuyến đường trục chính đô thị đang bị quá tải, xuống cấp và không bảo đảm khả năng thoát nước.

Để khắc phục ngập lụt, TP. Thuận An đã triển khai làm các hồ điều tiết nhỏ ở khu vực phường Lái Thiêu, An Phú; đầu tư hệ thống thoát nước dọc ở đường Cây Me, phường Bình Nhâm và hệ thống thoát nước dọc ở đường Thuận An Hòa, Thuận Giao 21.... Tuy nhiên, tình trạng ngập sau mưa vẫn còn nan giải. “Địa phương đang tích cực phối hợp các đơn vị liên quan, tiến hành khảo sát, khẩn trương khắc phục tình trạng nước ngập trên địa bàn thành phố”, đại điện lãnh đạo TP. Thuận An cho biết.

Ngành thủy lợi tỉnh Bình Dương khảo sát các công trình thủy lợi, tìm giải pháp khắc phục ngập lụt. Ảnh: Trần Trung.

Ngành thủy lợi tỉnh Bình Dương khảo sát các công trình thủy lợi, tìm giải pháp khắc phục ngập lụt. Ảnh: Trần Trung.

Nhằm giải quyết dứt điểm các tồn tại, UBND tỉnh Bình Dương đề ra nhiều giải pháp, tập trung đẩy nhanh thi công, đưa vào hoạt động kênh T4, kênh T5B (TP Dĩ An); phối hợp với tỉnh Đồng Nai để thực hiện tuyến rạch Cái Cầu (suối Xiệp); phối hợp với TP. HCM thực hiện tuyến suối Nhum.

Ngoài ra, Bình Dương triển khai xây dựng cống Bình Nhâm (TP. Thuận An) có vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng cùng với hệ thống cống, đê bao An Sơn - Lái Thiêu dài khoảng 12,7km (ven sông Sài Gòn) có nhiệm vụ ngăn lũ, triều cường và xả lũ hồ Dầu Tiếng để chống ngập cho toàn bộ vùng rộng 2.690ha. Công trình tiếp nhận tiêu thoát nước từ lưu vực thoát nước của dự án Trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn với diện tích 1.596ha.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện 4 cống kiểm soát triều còn lại trên địa bàn TP. Thuận An với tổng kinh phí dự kiến 1.364 tỷ đồng, trong đó có cống kiểm soát triều rạch Bà Lụa - Vàm Búng, cống kiểm soát triều rạch Lái Thiêu - Vĩnh Bình.

Ngoài ra, nhằm xử lý nhanh các điểm ngập, Bình Dương đã triển khai đầu tư xây dựng hệ thống trục thoát nước khu vực; dự án hệ thống tiêu nước Khu công nghiệp Sóng Thần - Đồng An và vùng phụ cận; dự án hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp; dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn chiều dài khoảng 11,5km kênh bê tông; cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước Bình Hòa.

TP. Thuận An đẩy nhanh tiến độ các Dự án nạo vét gia cố kênh mương tiêu thoát nước. Ảnh: Trần Trung.

TP. Thuận An đẩy nhanh tiến độ các Dự án nạo vét gia cố kênh mương tiêu thoát nước. Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt, tới đây Bình Dương sẽ đầu tư Dự án nạo vét gia cố Suối Cái từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai, dự kiến dự án sẽ kéo dài trong 6 năm với số vốn khoảng 5.000 tỷ đồng. Dự án kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ngập úng, thoát nước ở các huyện Bắc Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An….

Giải pháp căn cơ 

Ông Nguyễn Khánh Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương cho biết thêm, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu là giải pháp căn cơ. Theo đó, thời gian tới ngành thủy lợi địa phương sẽ tập trung các nội dung: Phân vùng rủi ro thiên tai đối với từng loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thủy lợi, đê điều và kết cấu hạ tầng ứng phó thiên tai; phòng chống lũ các tuyến sông có đê. Bảo đảm sự liên kết giữa hệ thống kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai và thủy lợi với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực có liên quan trên địa bàn tỉnh để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của công trình.

Một đoạn tuyến kênh tại khu vực cầu Ông Bố thuộc TP. Thuận An được nâng cấp. Ảnh: Trần Trung.

Một đoạn tuyến kênh tại khu vực cầu Ông Bố thuộc TP. Thuận An được nâng cấp. Ảnh: Trần Trung.

Mặt khác, định hướng nhu cầu sử dụng đất phục vụ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn sinh thái có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai. Trong đó, cần ưu tiên cho các dự án: Nâng cấp các tuyến đê bao hiện có là An Tây - Phú An, Tân An - Chánh Mỹ; xây dựng mới tuyến đê bao Thanh An - Thanh Tuyền và các khu vực như phường Tương Bình Hiệp, Chánh Nghĩa, Phú Thọ (TP. Thủ Dầu Một); đầu tư 4 cống ngăn triều tại các rạch Bà Lụa, Vàm Búng, Lái Thiêu, Vĩnh Bình để khép kín hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu.

Bên cạnh nạo vét kênh mương, tỉnh Bình Dương cũng quan tâm xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ khu đô thị. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh nạo vét kênh mương, tỉnh Bình Dương cũng quan tâm xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ khu đô thị. Ảnh: Trần Trung.

Đồng thời, hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án tiêu thoát nước, như: Dĩ An - Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp, Bưng Biệp - Suối Cát, Suối Giữa, nâng cấp kênh tiêu Bình Hòa, đầu tư giải quyết điểm ngập đoạn ngã ba Cống ở đường Thích Quảng Đức, điểm ngập lưu vực rạch Ông Đành (từ Đại lộ Bình Dương đến sông Sài Gòn).

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng hoàn thành công trình phòng, chống sạt lở bảo vệ khu đô thị, khu dân cư tập trung có nguy cơ sạt lở ven sông Đồng Nai (kè chống sạt lở từ cầu Rạch Tre đến Thành ủy Tân Uyên giai đoạn 2; kè chống sạt lở cù lao Rùa xã Thạnh Hội); đầu tư công trình gia cố, phòng chống sạt lở ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, các dự án di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao, trồng cây chắn sóng để phòng, chống sạt lở.

"Để phát huy hiệu quả của hạ tầng thủy lợi trong phòng chống thiên tai, tỉnh Bình Dương đã quán triệt quan điểm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh, Quy hoạch Phòng chống thiên tai quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: Chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước; từng bước xây dựng tỉnh Bình Dương có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh", ông Nguyễn Khánh Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Lãng phí tài sản công, dân Hà Tĩnh vẫn khát nước sạch: [Bài 3] Công trình cấp nước tập trung phải giao đơn vị có chuyên môn quản lý

Hà Tĩnh Quy mô đầu tư xây dựng chưa sát thực tế, giao đơn vị thiếu chuyên môn quản lý, vận hành là những nguyên nhân chính khiến nhiều công trình cấp nước tập trung ‘chết yểu’.