Thế mà lần này, tại cuộc chấm điểm OCOP của huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội bột rau má đậu xanh collagen cùng với 3 sản phẩm khác là trà bổ phế, trà túi lọc rau má cà gai leo, trà túi lọc rau má tía tô của Công ty CP Nông nghiệp GIGAHERBS Việt Nam đều được các giám khảo đánh giá ở mức đạt 4 sao làm tôi thấy lạ. Đến buổi trưa, giải lao, không ăn cơm huyện đãi nữa mà tôi rủ Trần Văn Nguyện-chủ Công ty CP Nông nghiệp GIGAHERBS Việt Nam về xưởng rồi thăm vùng nguyên liệu để xem chuyện cụ thể thế nào.
Nhà xưởng sạch bong, máy móc sáng loáng, nguyên liệu chất đầy một góc kho nhưng đến khi Nguyện đẩy cốc trà rau má về phía tôi thì ký ức về cốc trà mấy tháng trước bỗng dội về, khiến tôi cứ ngập ngừng mãi. Thấy vậy anh cười lớn: “Trà lần trước ông được mời cũng chính là của tôi nhưng nó là bột rau má nguyên chất, được pha theo kiểu điều trị thải độc, làm đẹp cho chị em. Họ vì cái đẹp nên khó mấy vẫn cố uống. Còn hôm nay là trà rau má mix với bột đậu xanh, đầu tiên phải pha với nước nóng cho dậy hương, rồi mới chế nước nguội vào chứ không được làm ngược lại. Ông cứ yên tâm mà uống đi!”. Nể tình anh mời, tôi uống thử và quả thực thấy nó cũng khá dễ uống. Và câu chuyện giữa chúng tôi cứ thế diễn ra dưới gốc cây ngay trên sân xưởng, mặc cho đồng hồ đã chỉ qua 12 giờ từ lâu.
Nguyện kể, học xong Đại học Nông nghiệp I, đi làm được 1 năm về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi rồi bỏ cuộc khi yêu và lấy một cô gái buôn vàng rồi theo nghề của nhà ngoại. Vợ anh chỉ muốn mở thêm cửa hàng vàng vì đó là thế mạnh, nhìn thấy tiền luôn, còn anh thì muốn trải nghiệm một thứ thật mới lạ, thật thử thách cho đỡ nhàm chán, ù lì. Đầu tiên anh thích làm farmstay để vừa được trải nghiệm, vừa phù hợp với tính cách hay đi đây đó của mình nên năm 2009 mới mua 3 ha đất ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình nhưng đến 2012 thì phải bán cắt lỗ.
Từ đó, tuy không được làm farmstay nữa nhưng tình yêu nông nghiệp vẫn thôi thúc trong anh. Đến khi cuộc sống ổn định, cửa hàng vàng làm ăn thuận lợi anh lại quay trở về theo tiếng gọi của con tim nhưng không phải farmstay nữa mà là chế biến sâu. Một chuyến đi chơi bên Nhật đã truyền thêm cảm hứng cho anh bởi thấy vùng nông thôn hiện đại nhưng yên bình, bởi thấy họ có nhiều nông sản chế biến sâu như trà, viên nén, viên nang thảo dược. Vậy là anh mua gần 40 triệu tiền trà các loại về uống thử rồi ngẫm nghĩ, cuối cùng lựa chọn rau má và tía tô-những thứ vừa là rau vừa là thuốc, rất gần gũi với người Việt.
Đọc tổng hợp tài liệu trong và ngoài nước rồi hỏi các chuyên gia dược liệu về cây rau má, anh càng thấy nó quý bởi chống oxi hóa, chống lại gốc tự do, đề phòng bệnh tật…Anh thuê lại những ruộng lúa bị bỏ hoang hay vẫn còn cấy trong sự chán nản của nông dân các xã Lam Điền, Trung Hòa, huyện Chương Mỹ để trồng dược liệu, hiện thực hóa giấc mơ ấy. Nhưng chuyển từ buôn vàng thật sang tìm “vàng xanh” đâu không thấy anh chỉ thấy…vàng mắt.
Dù đã lường trước sự khó khăn, vất vả của nghề nông nhưng anh vẫn sốc khi ngay vụ đầu đã thất bại nặng nề: “Nếu làm vàng thật tôi là con buôn, nay bỏ ra 1 tỉ mua hàng, mai bán có thể biết lỗ hay lãi nhưng làm nông nghiệp bỏ ra 1 tỉ, không biết thu về bằng cách nào, có thể là mất trắng. Kế hoạch ban đầu của tôi là lấy vốn của cửa hàng vàng ra 2 tỉ để kinh doanh mảng mới là trồng và chế biến dược liệu, khi vốn cụt thì không phạm vào nữa. Nhưng thực tế giờ tôi đã lạm vào vốn của cửa hàng vàng 3,5 tỉ rồi, cộng thêm vay mượn 2 tỉ nữa của bạn bè, người quen nữa để đầu tư cho nhà xưởng.
Quá trình canh tác tôi đã phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi 2 ha nguyên liệu trồng bị ngập, rau hỏng hết. Thêm vào đó, khi trồng tôi không dùng phân hóa học, thuốc BVTV, làm cỏ hoàn toàn bằng tay với diện tích lớn, nhân công nhiều, nhưng làm cỏ xong đầu này, thì đầu kia lại mọc tiếp. Rau không phát triển được, phải bỏ ruộng, cày xới lên rồi ngâm nước để diệt bớt cỏ, mất hơn 3 tháng, làm luống, chia nhỏ ra từng ô để chủ động canh tác. Thời gian đó tôi mất khoảng 1,8 tỉ.
Quyết định làm lại từ đầu tôi dần dịch chuyển dần vùng nguyên liệu từ xã Lam Điền về xã Trung Hòa bởi nơi đó giáp với sông Bùi-một con sông còn sạch của huyện Chương Mỹ. Năng suất cây trồng được khoảng 10 tấn khô/ha. Tôi học được của người Nhật sự kỷ luật về cam kết chất lượng, khi cam kết sạch phải có cách làm sao cho đạt như dùng phân hữu cơ, ủ EM, khi có dịch bệnh dùng những chất hữu cơ để trị, thậm chí ngâm cả thuốc lào để phun, đuổi sâu bọ. Khi có rau rồi tôi mới nghĩ đến chế biến, cứ nghĩ ra cái gì thì làm cái đấy. Nào là bột rau má nguyên chất, cứ nghĩ là làm sạch như thế là bán được ngay nhưng không vì nó quá khó uống, phải pha chế thêm một số thứ vào mới uống nổi. Làm trà túi lọc rau má xong cũng không uống nổi thì mới nghĩ ra phối với trà xanh, tía tô rồi bột rau má đậu xanh...
Khi pha chế, thử nghiệm các công thức như thế tôi thất bại trên dưới 10 lần. Lúc đầu trải nghiệm sản phẩm trên chính bản thân mình, người thân, bạn bè rồi sau đó nhờ họ gửi cho người lạ. Sản phẩm của tôi khi tặng bạn bè uống thử, không ngon họ cũng cố bảo được đấy. Nhưng người lạ họ sẵn sàng bảo không ra gì, chính nhờ đó mới giúp tôi hoàn thiện sản phẩm dần dần. Khi có sản phẩm rồi tôi mới nghĩ đến bán. Cái tên công ty GIGAHERBS là hàm ý muốn nhân rộng những tinh hoa của thảo dược Việt Nam. Tôi đã mất 3 năm để từ sản xuất đến thị trường…”.
Tôi hỏi hiện nay anh đã tạm hài lòng chưa? Anh thực thà trả lời rằng chưa vì mới chỉ hài lòng ở thiết kế vùng trồng, xây dựng được cơ sở vật chất để sản xuất, còn chưa hài lòng về cách bán hàng: “Trước tôi chỉ bán vàng tại nhà, chưa bao giờ bán online, lại chưa từng bán những thứ liên quan đến thực phẩm. Lại phải học từ đầu, lập phòng kinh doanh ra sao, làm marketting thế nào, livestream hay làm clip…Dù có một số người bạn giúp đỡ như “Kiên cà gai leo” nhưng vì cái nền của tôi thấp nên tiếp cận khá chậm, giờ mới chỉ là tàm tạm”.
Khi bán một sản phẩm là ta bán cả câu chuyện kèm theo, có khi nó còn quan trọng không kém gì chất lượng của sản phẩm. Vậy anh đã có câu chuyện gì? Nguyện ngại ngùng: “Tạm thời vẫn chưa nghĩ ra”. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ chính là câu chuyện về anh-một người chuyển từ buôn vàng sang đi tìm “vàng xanh” cho quê hương, giúp bà con tăng giá trị cho nông sản và đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng chính là một câu chuyện đầy hấp dẫn rồi dù đường đến thành công vẫn còn khá xa nữa.
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội