| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang: Phấn đấu sớm có xã nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ Sáu 22/11/2024 , 16:54 (GMT+7)

Kế hoạch năm 2024, Kiên Giang chọn 3 xã thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó Tân Hiệp B đang phấn đấu là xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành mục tiêu này.

Người dân xã Tân Hiệp B tham dự buổi tuyên truyền về thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Trung Chánh.

Người dân xã Tân Hiệp B tham dự buổi tuyên truyền về thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Trung Chánh.

Phấn đấu không ngừng

Xã Tân Hiệp B (huyện Tân Hiệp) có diện tích tự nhiên hơn 3.400ha, được chia thành 6 ấp. Xã có 5 hợp tác xã nông nghiệp và 2 tổ hợp tác. Từ khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay diện mạo nông thôn ở các xóm, ấp trên địa bàn xã không ngừng đổi thay, phát triển.

Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có kết thúc, nên sau khi được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (năm 2015), Tân Hiệp B tiếp tục phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao (năm 2023). Phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Hiệp B đề ra mục tiêu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Kiên Giang.

Về xã Tân Hiệp B vào thời điểm này sẽ thấy được sức sống và diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày. Những con đường nhựa, đường bê tông được đầu tư mới thay thế cho những con đường cũ nhỏ hẹp, xuống cấp. Cùng với đó, những căn nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều và người dân hai bên đường trồng hàng rào cây xanh, trồng cây hoa kiểng tạo khung cảnh sáng, xanh, sạch đẹp trên những con đường nông thôn thanh bình.

Là một trong những gia đình tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu của xã Tân Hiệp B, ông Đặng Văn Rang, ngụ ấp Tân Hòa A, cho biết, gia đình ông hiến hơn 200 m2 đất để mở rộng lộ giao thông, đồng thời đóng góp hơn 20 triệu đồng vào kinh phí mua vật liệu để làm đường theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

“Ngay sau khi con lộ được mở rộng, vợ chồng tôi đắp thêm 2 bên lề lộ và trồng cây, hoa kiểng để tạo cảnh quan môi trường. Có được con đường rộng 3,5 m cho xe ô tô, xe tải nhỏ lưu thông dễ dàng giúp việc trao đổi hàng hóa, tiêu thụ nông sản của người dân thuận tiện và giá cả cũng có lợi hơn cho nông dân”, ông Rang phấn khởi nói.

Người dân xã Tân Hiệp B tham dự buổi tập huấn về phân loại rác và được tặng thùng đựng rác hữu cơ để thu gom, ủ làm phân bón, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Người dân xã Tân Hiệp B tham dự buổi tập huấn về phân loại rác và được tặng thùng đựng rác hữu cơ để thu gom, ủ làm phân bón, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, ấp Tân Phú, chia sẻ, gia đình sản xuất 2,5ha đất nông nghiệp và tham gia vào hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp từ năm 2019 đến nay, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao và ổn định. Cụ thể, hợp tác xã cung ứng lúa giống, các loại vật tư nông nghiệp như: phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, đồng thời làm dịch vụ nông nghiệp bón phân, phun xịt thuốc, cày, xới đất… cho đến khâu ký kết hợp đồng thu mua lúa khi đến vụ thu hoạch.

“So với lúc chưa tham gia hợp tác xã, lợi nhuận mỗi ha lúa tăng lên từ 5-7 triệu đồng/vụ, bởi giá các dịch vụ, vật tư nông nghiệp của hợp tác xã rẻ hơn so với mình mua bên ngoài. Không chỉ vậy, giá lúa cũng được hợp tác xã liên kết doanh nghiệp thu mua cao hơn từ 200-300 đồng/kg. Chương trình nông thôn mới rất có ý nghĩa và rất thực tế trong chăm lo và phát triển kinh tế, đời sống nhân dân”, ông Thuấn cho hay.

Phát huy sức dân lo cho dân

Ông Nguyễn Minh Lành, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp B, cho biết, để có được kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, trong những năm qua, bên cạnh tranh thủ các nguồn lực của địa phương, cấp trên đầu tư hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm… Xã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “tích cực, kiên trì vận động” và tạo điều kiện cho “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ấp Tân Hà A được xã chọn để xây dựng ấp thông minh và được hỗ trợ chuyển đổi số, giúp người dân thực hiện nhiều giao dịch hằng ngày không dùng tiền mặt. Ảnh: Trung Chánh.

Ấp Tân Hà A được xã chọn để xây dựng ấp thông minh và được hỗ trợ chuyển đổi số, giúp người dân thực hiện nhiều giao dịch hằng ngày không dùng tiền mặt. Ảnh: Trung Chánh.

Nhờ đó, địa phương nhận được sự chung tay góp sức của người dân về hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động, kinh phí vật liệu… Tính đến cuối tháng 10/2024, xã huy động nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hơn 7,1 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 3,5 tỷ đồng chiếm 49%, huyện 1,3 tỷ đồng chiếm 18%, nhân dân đóng góp 1,5 tỷ đồng, chiếm 20,9%, vốn huy động khác 850 triệu đồng.

Xã hiện có 43,6km đường trục ấp, liên ấp được tráng nhựa hoặc bê tông hóa rộng từ 3-4 m trở lên đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt gần 100%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 98%. Thu nhập bình quân đầu người trong xã đến đầu tháng 11/2024 đạt gần 81 triệu đồng/người/năm.

Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp B Nguyễn Minh Lành cũng cho biết thêm, sau thời gian tích cực thực hiện, đến cuối tháng 10/2024, ấp Tân Hà A đã được huyện công nhận đạt tiêu chí “Ấp thông minh”. Cụ thể, ấp Tân Hà A đạt đầy đủ các chỉ tiêu như: Ấp có hệ thống đường truyền Internet cáp quang băng rộng và thông tin di động 4G; Có Wifi miễn phí tại điểm tập trung cộng đồng phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.

Ấp đã thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số, như thanh toán các giao dịch, thanh toán tiền điện, nước hằng tháng… đều thực hiện qua chuyển khoản trực tiếp trên ứng dụng chuyển khoản của các ngân hàng hoặc thực hiện quét mã QR. Ấp có 1 sản phẩm được công nhận đạt OCOP là “Bún khô Bích Hiền” và 1 mô hình “Camera an ninh nhân dân” hoạt động hiệu quả…

Các loại rác thải được người dân xã Tân Hiệp B phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định, góp phần bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Trung Chánh.

Các loại rác thải được người dân xã Tân Hiệp B phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định, góp phần bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện tại, trên địa bàn xã, các đơn vị như: Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã triển khai mô hình phân loại rác tại nhà, sử dụng chế phẩm vi sinh IMO để biến rác hữu cơ thành phân bón, đào hố thu gom rác và xây lò đốt rác. “Câu lạc bộ Phụ nữ Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường”. Xây dựng “tuyến đường hoa cây xanh”. “Mô hình đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm và dụng cụ học tập”… Đây là những hoạt động thiết thực để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn kiểu mẫu ở địa phương.

Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Tân Hiệp B, qua rà soát đến ngày 15/11, xã thực hiện đạt các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu và đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên xem xét công nhận trong thời gian tới. Nếu được công nhận trong năm 2024 này, Tân Hiệp B sẽ là xã đầu tiên của tỉnh Kiên Giang được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.