| Hotline: 0983.970.780

Người dân tiếp cận công nghệ số nhờ xây dựng thôn thông minh

Thứ Năm 21/11/2024 , 17:42 (GMT+7)

Việc xây dựng thôn thông minh trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Phú Yên đang giúp người dân tiếp cận gần hơn ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người dân được hướng dẫn cài aap trên điện thoại để thu thập thông tin, dữ liệu nhằm giúp địa phương xây dựng thôn thông minh. Ảnh: NH.

Người dân được hướng dẫn cài aap trên điện thoại để thu thập thông tin, dữ liệu nhằm giúp địa phương xây dựng thôn thông minh. Ảnh: NH.

Vinh Ba, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) là thôn đầu tiên của tỉnh Phú Yên được công nhận nông thôn mới thông minh. Nhờ đó, người dân trong thôn đã nhận được thông tin một cách nhanh chóng mọi lúc, mọi nơi qua ứng dụng Zalo.

Theo ông Lê Văn Hòa, Trưởng thôn Vinh Ba, trước đây, mỗi lần thông báo sự kiện, hội họp, cán bộ thôn phải sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời. Nhưng nay, thông qua zalo, bà con đã nắm bắt các vấn đề trong thôn cũng như giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắt, đề xuất, kiến nghị của người dân. Đồng thời đây cũng là kênh thông tin có thể truyền tải kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nước, các quy định của địa phương đến với người dân một cách nhanh nhất, chính xác nhất.

Cũng theo ông Hòa, hiện thôn có 100% hộ dân có hạ tầng internet và thông tin di động; hơn 86 % người dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu. Hơn 77% người dân có tài khoản thanh toán điện tử. Trên địa bàn thôn đã lắp đặt 7 hệ thống camera giám sát an ninh tại các tuyến đường. Nhờ đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững và tăng cường.

Đến nay, tỉnh Phú Yên đã có 4 thôn thông minh. Ảnh: KS.

Đến nay, tỉnh Phú Yên đã có 4 thôn thông minh. Ảnh: KS.

“Có thể nói việc xây dựng mô hình thôn thông minh đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống hằng ngày của người dân”, ông Hòa chia sẻ.

Tương tự, tại thôn Hạnh Lâm, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), người dân cũng quen với việc tiếp nhận thông tin từ thôn, xã; thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ thiết yếu thông qua điện thoại thông minh. 

Bà Nguyễn Thị Thanh, một hộ dân ở thôn Hạnh Lâm cho biết, trước đây bà hay đến trụ sở thôn nộp tiền điện, nay tiền điện đến tháng được tự động trừ trong tài khoản, đỡ mất thời gian đi lại, rất tiện tích. Hơn nữa, người dân trong thôn cũng cảm nhận rằng, từ khi địa phương triển khai mô hình thôn thông minh, đã giúp cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, cây cối xanh mát, trong lành; hệ thống điện chiếu sáng, camera an ninh được lắp đặt đảm bảo an ninh trật tự; hạ tầng viễn thông đầu tư bài bản, có điểm wifi công cộng nên có thể kết nối internet để phục vụ nhu cầu giải trí và công việc.

Bà Huỳnh Thị Son, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Phú Hòa cho biết, những năm gần đây, chất lượng cuộc sống của người dân trong huyện ngày càng được nâng lên nhờ xây dựng nông thôn mới. Khi huyện, xã giao nhiệm vụ xây dựng mô hình thôn thông minh, nhiều thôn đã tổ chức họp dân, tuyên truyền cho bà con hiểu về mục đích, ý nghĩa của mô hình. Nhận thấy lợi ích và hiệu quả mang lại, nhiều người dân đồng thuận trong thực hiện các tiêu chí. Từ đó, bà con đã tiếp cận rất nhanh công nghệ số. 

Theo ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 4 thôn được công nhận thôn thông minh. Với vai trò cơ quan thường trực, thời gian tới, văn phòng tiếp tục phối hợp các địa phương tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và người dân trong việc xây dựng mô hình thôn thông minh. Cũng như quan tâm đào tạo, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, nhất là các địa phương phấn đấu về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.