| Hotline: 0983.970.780

Long An: Hiệu quả vốn tín dụng chính sách trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba 19/11/2024 , 19:57 (GMT+7)

Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo vùng quê Long An ngày càng thêm mới.

Gia đình anh Trương Trọng Chí, ấp 1, xã Thạnh Hòa (huyện Bến Lức) đã xin ra khỏi hộ nghèo và thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chính sách xã hội. Ảnh: Thanh Phong.

Gia đình anh Trương Trọng Chí, ấp 1, xã Thạnh Hòa (huyện Bến Lức) đã xin ra khỏi hộ nghèo và thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chính sách xã hội. Ảnh: Thanh Phong.

Chỉ thị đi vào cuộc sống

Qua 10 năm Long An thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” đã góp phần rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Gia đình anh Trương Trọng Chí, ấp 1, xã Thạnh Hòa (huyện Bến Lức) có 2.000m2 đất trồng chanh không hạt. Do thiếu vốn đầu tư, cây cho năng suất thấp, thu nhập không ổn định, anh phải đi làm mướn để trang trải cuộc sống và nuôi 4 người con ăn học. Năm 2020, gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng để mua máy móc, cải tạo lại vườn chanh, đồng thời tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng chanh ứng dụng công nghệ cao do tỉnh, huyện tổ chức. Sau hơn 2 năm cải tạo, vườn chanh cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm, gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Anh Chí chia sẻ, vườn tạp sau cải tạo cho thu nhập ổn định, giúp 2 con học xong đại học, có việc làm ổn định, gia đình đã xin thoát khỏi hộ nghèo. Trả hết nợ cũ, gia đình tiếp tục vay 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng sản xuất. Có tiền, gia đình thuê 5.000m2 đất vườn trồng chanh và mai vàng. Mảnh vườn đang phát triển tốt, chuẩn bị thu lợi nhuận lớn.

Bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 1, xã Thạnh Hòa (huyện Bến Lức), cho biết, dư nợ của Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 1 hơn 4,6 tỉ đồng, không có nợ quá hạn. Tất cả bà con đều sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, con cái được đi học thành tài và có việc làm ổn định.

Gia đình ông Phan Văn Bảy, ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới (huyện Châu Thành) có 4 nhân khẩu. Nguồn thu nhập chính từ 1.000m2 trồng thanh long và tiền làm thuê không đủ để lo cho 2 con ăn học.

Ông Bảy chia sẻ, năm 2017, con gái lớn đỗ Đại học Tài chính - Marketing TP.HCM, gia đình vừa mừng vừa lo vì không có tiền nuôi con ăn học đại học. Thời điểm đó, Ngân hàng Chính sách xã hội xét cho vay 30 triệu đồng đã giúp con gái tiếp bước đại học.

Năm 2018, đứa con thứ 2 thi đỗ vào Trường cao đẳng Công Thương TP.HCM, gia đình mạnh dạn đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 55 triệu đồng để trang trải học phí và chi phí ăn học. Nhờ vốn tín dụng chính sách, 2 con của ông đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, tích lũy được tiền trả nợ ngân hàng.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Lức thăm gia đình ông Trương Trọng Chí, ấp 1, xã Thạnh Hòa sau khi thụ hưởng từ tín dụng chính sách. Ảnh: Thanh Phong.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Lức thăm gia đình ông Trương Trọng Chí, ấp 1, xã Thạnh Hòa sau khi thụ hưởng từ tín dụng chính sách. Ảnh: Thanh Phong.

Ông Lê Văn Tâm, Tổ trưởng Tổ vay vốn - tiết kiệm ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới (Châu Thành, Long An), cho biết: Ông Phan Văn Bảy là một trong số hơn 490 hộ còn dư nợ trên địa bàn xã Bình Quới và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Vay vốn không cần thế chấp tài sản, lãi suất thấp đã giúp bà con nghèo có thêm cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế nông hộ.

Hiện tại, tổng dư nợ ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã gần 24 tỷ đồng, tăng hơn 17 tỷ đồng so với 10 năm trước. Nguồn vốn chính sách đã góp phần cùng với địa phương thực tốt tiêu chí giảm nghèo từ 2,6% năm 2014 xuống còn 0,11% năm 2024.

Trên 400 nghìn hộ được vay vốn

Để hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách, hằng năm, Ngân hàng Chính sách phối hợp các địa phương tổ chức tuyên truyền, triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách mới. Niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên toàn tỉnh.

Có thu nhập ổn định, hộ vay vốn tích lũy được tiền trả nợ ngân hàng. Ảnh: Thanh Phong. 

Có thu nhập ổn định, hộ vay vốn tích lũy được tiền trả nợ ngân hàng. Ảnh: Thanh Phong. 

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Long An Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho 400 nghìn lượt hộ gia đình, người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Long An vay trên 6.260 tỷ đồng, tăng 4.113 tỷ đồng với thời điểm 2014. Riêng trong 9 tháng năm 2024, tổng doanh số cho vay đạt gần 2.000 tỷ đồng, bằng 162,61% so với cùng kỳ năm 2023, với 42 nghìn lượt khách hàng vay vốn.

Hiệu quả của nguồn vốn đã góp phần giúp 27 nghìn lượt hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Hỗ trợ cho vay xây dựng 488 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. Hỗ trợ cho 604 người có công với cách mạng và người có thu nhập thấp xây mới, sửa chữa nhà, mua nhà ở xã hội để ở đảm bảo an cư lập nghiệp. Hỗ trợ xây dựng 347 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh được xây mới, cải tạo. Hỗ trợ 81 nghìn lượt lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Trong đó, có 159 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Toàn tỉnh Long An hiện còn 124 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng NTM tại địa phương. Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 về nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng giúp nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn thụ hưởng.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn nhất định, đó là: Nguồn vốn cho vay còn thấp so với nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, nhất là nhu cầu vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống. Các hộ dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn nhưng chưa có chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ sản xuất kinh doanh để bà con an tâm bám đất giữ biên cương.

Để có thêm nhiều đối tượng được thụ hưởng từ nguồn chính sách, UBND tỉnh Long An kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí thêm nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Đặc biệt là chương trình hỗ trợ tạo việc làm để góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng chính sách xã hội, lao động nông thôn, lao động bị mất việc làm... Nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho bổ sung đối tượng hộ dân vùng biên giới và hộ mức sống trung bình được thụ hưởng một số chương trình cho vay để sản xuất kinh doanh, xây dựng, sửa chữa nhà. Qua đó, giúp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và sớm hiện thực hóa mục tiêu tỉnh NTM.

LONG AN CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.