Theo ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), liên quan đến các quy định về mã số, đến thời điểm này, ngành điều mới chỉ phải đáp ứng các quy định của Trung Quốc trong Lệnh 248 và Lệnh 249 về mã số doanh nghiệp xuất khẩu, mà chưa phải thực hiện mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói như ở ngành rau quả.
Tuy nhiên, Vinacas nhận định rằng, rất có thể trong thời gian tới, ngoài rau quả, phía Trung Quốc cũng sẽ yêu cầu mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với nhiều ngành hàng nông sản khác, trong đó có ngành điều. Chính vì thế, ngành điều phải có kế hoạch tiếp cận sớm với những quy định này.
Ông Giang cho rằng, để chủ động đáp ứng được các quy định mới từ Trung Quốc, chúng ta phải đánh giá đúng về tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, qua đó xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường này một cách bài bản hơn.
Bên cạnh đó, cần phải cụ thể hóa những cam kết trong Hiệp định thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như những cam kết thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Khi đã cụ thể hóa các cam kết, sẽ rõ ra nhiều vấn đề. Trong đó, sẽ cụ thể được về chính sách cho từng ngành hàng, bao gồm cả ngành điều.
Để chủ động đáp ứng các quy định của thị trường Trung Quốc và các thị trường khác, Vinacas cũng mong muốn Bộ NN-PTN hỗ trợ ngành điều quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, chuẩn hóa khâu chế biến, chuẩn hóa chất lượng hạt điều thành phẩm theo yêu cầu không chỉ của thị trường Trung Quốc mà cả các thị trường khác.
Hầu hết những dòng sản phẩm điều hiện đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn của cấp quốc gia và của từng nhà máy chế biến. Có thể nói, hạt điều là một trong những nông sản chủ lực đã được chuẩn hóa thông qua bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tuy nhiên, vẫn cần phải tiến hành rà soát thường xuyên để nâng cấp các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cập nhật những quy định mới cho phù hợp với yêu cầu mới của thị trường.
Xây dựng, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc cũng là một công việc rất quan trọng đối với ngành điều, nhất là để đón đầu cơ hội sau khi nước này chấm dứt chính sách “Zero Covid” và mở cửa thị trường trở lại. Đây là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc trong thời gian tới và lấy lại thị phần của hạt điều Việt Nam tại thị trường này.
Một số doanh nghiệp điều cho biết, đến khi phải đăng ký mã số doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu từ Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc, họ mới biết SPS (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật) là gì, TBT (hàng rào kỹ thuật thương mại) là gì. Trước đây, dù đã nhiều năm xuất khẩu hạt điều, họ gần như không để ý, quan tâm tới những “hàng rào” này dù phải tiếp cận hàng ngày thông qua các chứng từ về kiểm dịch.
Chính vì vậy, Vinacas sẽ thành lập những tổ công tác chuyên về các vấn đề như SPS, TBT để thông tin, hướng dẫn, tập huấn cho doanh nghiệp, qua đó chủ động phòng tránh những rủi ro cho ngành điều.