Sau bão là các loại dịch bệnh như dịch đau mắt đỏ, bệnh đường tiêu hóa… Nhằm giúp dân đối phó với các loại bệnh trên, Sở y tế Hà Tĩnh đã và đang tập trung cấp phát thuốc, xử lý nguồn nước, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đảm bảo sức khỏe cho nhân dân sau lũ.
Cán bộ Trung tâm y tế dự phòng hướng dẫn người dân pha hóa chất tiêu độc khử trùng
Tại Kỳ Anh, công tác phòng, chống dịch bệnh sau bão cũng luôn được chủ động. Bác sỹ Lê Văn Xuân – Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Kỳ Anh cho biết: Đơn vị đã phân công trách nhiệm cho từng cán bộ phụ trách địa bàn hướng dẫn bà con VSMT, phòng, chống dịch bệnh và kịp thời báo về trung tâm. Riêng việc phòng, chống dịch bệnh cho bão số 10, đơn vị đã cấp cho mỗi xã 20 kg CloraminB và 4 cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh.
Là địa phương thường xuyên bị bão lụt nên công tác xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau lũ đã quen thuộc.Trạm trưởng trạm Y tế xã Đức Châu (Đức Thọ) Trần Quang Bá cho biết: Đã quen với bão lũ nên việc phòng, chống lũ lụt cũng như xử lý các vấn đề về sức khỏe sau lũ trở nên cấp bách hơn bao giờ.
Xã vừa nhận thêm được 400 viên khử khuẩn nước (làm sạch nước uống) và một số cloramin B; đã chuẩn bị thêm 2 cơ số thuốc dự phòng, chủ yếu là dịch chuyền, tiêu chảy, đau mắt đỏ trong lũ, trạm sẵn sàng hỗ trợ các phương án, ông Bá chia sẻ.
Với phương châm 'Nước lũ rút đến đâu tiến hành làm vệ sinh, xử lý môi trường và khám, điều trị sức khỏe cho người dân vùng lũ đến đó, vấn đề này được ngành y tế đặt lên hàng đầu và triển khai quyết liệt cùng sự vào cuộc của các ban, ngành.
Theo ông Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm YTDP Tỉnh: Sau bão lũ thường bùng phát các loại bệnh về đường tiêu hóa, đau mắt đỏ, nước ăn chân. Đặc biệt khi nước rút, môi trường, rác thải, nhiều ao, hồ đầm nước tù đọng là môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển và dễ bùng phát thành dịch sốt xuất huyết. Đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cấp 3 tấn Cloramin B và các loại thuốc, hóa chất, phương tiện vật tư phòng chống dịch cho các Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thị, thành phố. Nói chung, tinh thần phòng, chống lụt, bão, dịch bệnh sau bão luôn được Trung tâm chủ động và sẵn sàng các phương án ứng cứu. Ông Tâm cho biết thêm.
Giám đốc Sở Y tế, Bà Phan Thị Ninh cho biết: Đến thời điểm này, đã có 4 bệnh viện đa khoa và 3 Trung tâm y tế dự phòng huyện bị tốc mái, 39 trạm y tế xã bị tốc mái, đổ sập và bị ngập. Ước tính thiệt hại ban đầu (chưa kể các trạm y tế xã) khoảng hơn 3 tỷ đồng. Ngành Y tế Hà Tĩnh đang làm tất cả để xử lý môi trường và chăm lo sức khỏe người dân ở vùng lũ và cũng đang nhận được sự chia sẻ của Bộ Y tế và cả cộng đồng.Trước mắt ngành cử nhiều đoàn công tác xuống các địa bàn nắm tình hình thiệt hại, cấp xuất đủ hóa chất tiêu độc khử trùng, xử lý vệ sinh môi trường nơi vùng bị ngập, xử lý đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân, mục tiêu không để người dân phải sử dụng nước không đảm bảo an toàn. Bà Ninh khảng định, nhờ có sự phát động ra quân chống dịch bệnh sớm, nhanh chóng, đặc biệt công tác xử lý vệ sinh môi trường được đảm bảo, nên kể từ sau bão đến nay chưa hề có bệnh nhân nào bị dịch bệnh sau lũ.