Theo ông Lê Quang Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ NN-PTNT), thực tế cho thấy thiên tai đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, xã hội từ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và các hoạt động sinh hoạt của người dân.
Trên thế giới, các quốc gia cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Bão, lũ lụt, sạt lở, động đất, sóng thần là những loại hình thiên tai thường gây thiệt hại lớn cho nhân loại. Các diễn đàn quốc tế cũng cho rằng trong khoảng 10 năm tiếp theo, những loại hình thiên tai vừa nên trên sẽ là thách thức lớn với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến nay cho thấy thiệt hại về người do thiên tai gây ra có thể giảm so với giai đoạn trước đây nhưng thiệt hại về tài sản lại lớn hơn.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang ứng dụng nhiều công nghệ nhằm giải quyết các thách thức trong phòng, chống thiên tai. Qua đó, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm chuyên ngành phục vụ cho dự báo bão, mưa lũ, ngập lụt hạ du và vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa,…
“Để chủ động cho việc ứng phó với thiên tai, rõ ràng cần những bản tin cảnh báo, dự báo; hệ thống giám sát thiên tai cần được tăng cường để cung cấp cho người dân những thông tin mới nhất và những biện pháp để chủ động ứng phó”, ông Nguyễn Quang Tuấn nhận định.
Theo đó, với vai trò là Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, thời gian qua, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tăng cường tham gia, phối hợp với Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nghiên cứu, hợp tác kỹ thuật với các đơn vị quốc tế để chuyển giao công nghệ.
Từ đó các bản tin dự báo, cảnh báo được chính xác hơn, đầy đủ, kịp thời hơn để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai trên phạm vi toàn quốc. Tùy theo tình huống cụ thể, các cơ quan sẽ ban hành những chỉ đạo tăng tần suất theo cấp độ rủi ro thiên tai.
“Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai bị tác động bởi nhiều yếu tố. Chính vì thế chúng ta cần thường xuyên cập nhật, cải tiến thay đổi quy trình để các bản tin đến với bà con kịp thời, đúng thời gian, đúng địa điểm khi xảy ra thiên tai. Công tác giám sát thiên tai cũng cần xây dựng những hệ thống mang tính đồng bộ, có quy mô trên diện rộng, có thể phục vụ đa mục tiêu”, ông Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.
Theo đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ngoài hệ thống truyền thông tin, báo cáo chính thống qua đường bưu điện, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã nghiên cứu, đề xuất rất nhiều loại hình truyền thông để truyền tải thông tin về thiên tai đến bà con trên toàn quốc.
Cụ thể, Tổng cục đã xây dựng những fanpage trên Facebook chuyên cung cấp những thông tin về thiên tai tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu để có sự so sánh những phương pháp xử lý của các nước với nhau, qua đó giúp cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam có những biện pháp ứng phó phù hợp, có sự trao đổi với quốc tế.
Ngoài ra, Tổng cục cũng có website của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai thường xuyên cập nhật, đưa đầy đủ thông tin từ chỉ đạo điều hành đến thông tin dự báo, cảnh báo kết nối từ cơ quan dự báo quốc gia. Bên cạnh đó cũng có trang zalo, kênh tiktok phòng, chống thiên tai. Tất cả các loại hình đều được thâm nhập trên nền tảng dữ liệu vốn có để đưa thông tin đến với cộng đồng.
“Khi có những thiên tai lớn xảy ra, có những thời điểm thông tin bị gián đoạn. Chúng tôi đã liên kết với các nhà mạng để cung cấp những tin nhắn đến bà con ở vùng được cảnh báo có thiên tai một cách sớm nhất”, ông Nguyễn Quang Tuấn cho hay.
Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh, Việt Nam sẽ có hệ thống công cụ hỗ trợ hiện đại, đồng bộ quản lý đa thiên tai. Từ đó, hỗ trợ việc đưa ra quyết định ứng phó đa thiên tai một kịp thời, chính xác, giảm thiệt hại về người và vật chất.