Vụ ĐX là vụ lúa có năng suất cao nhất nhưng cũng có nhiều loại sâu bệnh gây hại phổ biến và nặng nề, trong đó đáng kể nhất là rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.
Chúng ta đã biết sự phát sinh và tác hại của sâu bệnh có quan hệ rất lớn với các biện pháp kỹ thuật canh tác. Bằng biện pháp canh tác có thể khống chế sự phát triển của sâu bệnh ở mức thấp, góp phần hạn chế sử dụng thuốc và tăng hiệu quả phòng trừ. Qua nghiên cứu và thực tế sản xuất thấy có một số biện pháp canh tác mang lại hiệu quả rõ trong việc phòng ngừa sâu bệnh, đồng thời lại dễ làm, có thể tiến hành đồng loạt trên diện rộng. Đó là gieo sạ theo thời vụ hướng dẫn, sạ hàng bằng máy sạ (hay dàn kéo tay) và bón phân hỗn hợp NPK chuyên dùng.
1. Gieo sạ theo thời vụ hướng dẫn: Mục đích chủ yếu là tránh né lứa rầy nâu đầu tiên di trú vào ruộng lúa. Rầy nâu trưởng thành di trú là nguồn mang virus gây bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá truyền sang cây lúa ngay từ khi còn nhỏ rồi từ đó tiếp tục lây lan phát triển rộng trên đồng ruộng. Rầy di trú nhiều còn làm tăng mật độ các lứa rầy tiếp theo trong cả vụ. Khi rầy phát triển nhiều trên ruộng lúa đã lớn thì dùng thuốc rất khó khăn, tốn kém, hiệu quả lại không cao.
Với cách gieo sạ đồng loạt theo thời vụ tránh né rầy di trú sẽ giảm được rất lớn mật độ rầy trên đồng ruộng, góp phần rõ rệt hạn chế sự phát triển của bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Bà con chỉ cần chuẩn bị đồng ruộng sau đó gieo sạ theo thời vụ thông báo của cơ quan kỹ thuật địa phương.
Trên một cánh đồng có điều kiện giống nhau nên gieo cấy đồng loạt một thời vụ để hạn chế rầy nâu tồn tại và di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác. Đối với sâu cuốn lá, gieo sạ đồng loạt có tác dụng phân tán lượng sâu trên cánh đồng, giảm mật độ và tác hại của sâu. Ruộng gieo sạ sớm hoặc muộn hơn sẽ bị sâu bệnh tập trung gây hại nặng rồi từ đó phát triển lây lan gây hại cả khu vực. Gieo sạ đồng loạt góp phần làm giảm sâu bệnh trên cả cánh đồng.
2. Sạ theo hàng bằng máy sạ: Đây là biện pháp hữu hiệu để sử dụng lượng giống gieo và phân bổ mật độ cây thích hợp, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt và đồng đều trên toàn ruộng, góp phần hạn chế sâu bệnh. Ở phía Nam đã dùng máy sạ hàng tương đối phổ biến, ở phía Bắc cũng đã áp dụng. Biện pháp sạ hàng hiện nay cũng giống như biện pháp cấy thẳng hàng trước đây ở phía Bắc, lúc đầu chưa quen còn khó khăn nhưng do thấy được tác dụng nên tới nay đã thành tập quán, ruộng nào cũng cấy thẳng hàng. Chi phí một máy sạ lúa thẳng hàng không cao lắm, một hoặc vài hộ có thể chung nhau mua sắm.
3. Bón phân NPK chuyên dùng: Phân bón là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tình trạng sinh trưởng của cây lúa, qua đó ảnh hưởng đến sự phát sinh và tác hại của sâu bệnh. Bón phân đầy đủ và cân đối làm cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, tăng sức chống chịu sâu bệnh. Thực tế thấy rõ là những ruộng bón nhiều phân đạm mà thiếu lân và kali thường bị rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn và bệnh khô vằn gây hại nặng.
Khi sử dụng các loại phân đạm, lân và kali dạng đơn bà con khó xác định lượng phân các loại cần bón cho mỗi đợt và thường có xu hướng tăng lượng phân đạm. Hiện có nhiều đơn vị sản xuất phân hỗn hợp với tỉ lệ NPK cân đối thích hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa. Một số phân NPK chuyên dùng cho lúa còn có thêm các chất trung và vi lượng rất cần cho cây mà hiện nay các vùng trồng lúa ở nước ta đang bị thiếu (như ĐẦU TRÂU TE.01 VÀ TE.02). Bón phân NPK chuyên dùng cho lúa đảm bảo tỉ lệ NPK cân đối, thích hợp, giảm lượng đạm, giúp cây lúa khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh hại, sử dụng thuận tiện.
Ba biện pháp trên đây cũng là những yêu cầu cơ bản trong hệ thống các biện pháp thâm canh lúa, có thể áp dụng rộng rãi trong điều kiện sản xuất lúa của nước ta hiện nay. Áp dụng rộng rãi ba biện pháp trên còn góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng và ý thức tổ chức trong sản xuất là những điểm mà nông dân ta hiện nay còn yếu.