Hiện toàn tỉnh Quảng Trị đã gieo trồng được 26.043ha lúa, 2.500ha ngô, 2.525ha lạc, 8.000ha sắn và hơn 3.500ha rau đậu các loại. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có mưa diện rộng, đặc biệt là địa bàn huyện Hải Lăng, Triệu Phong có mưa to đến rất to gây ngập úng gần 4.000ha lúa đang thời kỳ đẻ nhánh và hơn 300ha rau màu tại các xã vùng trũng huyện Hải Lăng và Triệu Phong.

Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Trị kiểm tra cây lúa và hướng dẫn nông dân chăm sóc sau ngập úng. Ảnh: Việt Toàn.
Để giảm thiểu thiệt hại, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cùng các đơn vị trong ngành liên quan tăng cường cán bộ về cơ sở, hướng dẫn cho bà con các giải pháp khắc phục diện tích cây trồng bị ngập úng.
Đối với cây lúa
- Huy động tối đa nhân lực và phương tiện để rút ngắn thời gian tiêu úng. Lưu ý khi tiêu úng không rút kiệt nước trong ruộng lúa, cần giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 5cm để cây lúa không bị đổ gãy thân lá, tạo điều kiện nhanh phục hồi.
Sau khi tiêu úng 2 - 3 ngày, tập trung chăm sóc để cây lúa sớm phục hồi với các biện pháp như tỉa dặm, bón phân thúc đẻ (đối với các diện tích chưa tỉa dặm, bón thúc); tăng cường sử dụng các loại phân bón có tác dụng kích thích ra rễ mới, làm giảm ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ trên lúa, giúp cây lúa nhanh phát triển rễ và đẻ nhánh khỏe. Sử dụng phân bón gốc (để rải) như Siêu ra rễ, Genosuper, GL 7... hoặc phân bón qua lá giàu lân như Siêu lân, Nitryx, Atonik, KaliHumat, Tora... Sau khi phun (bón) các loại phân bón từ 5 đến 7 ngày ngày cần kiểm tra, nếu thấy cây sinh trưởng kém thì tiếp tục phun (bón) lần 2.
Đối với diện tích lúa ngập úng lâu ngày, cần kiểm tra kỹ bộ rễ và thân cây lúa để đánh giá khả năng hồi phục. Nếu thấy rễ lúa có màu trắng hoặc trắng hơi vàng, thân mềm, lá mềm nhưng chưa bị thối thì cây lúa sẽ hồi phục sau 3 - 5 ngày tới. Thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại, đặc biệt lưu ý ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá…
- Đối với ốc bươu vàng: Tích cực thu bắt ốc bằng các biện pháp, chỉ sử dụng thuốc BVTV ở những nơi mật độ ốc cao, ốc tuổi nhỏ, không thể bắt bằng tay, ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học như Sitto-nin 15BR để trừ ốc bươu vàng.
- Đối với bệnh đạo ôn lá: Điều tra phát hiện sớm nhất trên các giống nhiễm như BĐR 57, IR38, HC95, Bắc thơm 7… Tiến hành phun thuốc phòng trừ bệnh ngay khi tỷ lệ bệnh khoảng 5% bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Fenoxanil + Tricyclazole, Isoprothiolane như Beam 75WP, Bamy 75WP, Newtec 300S, Map Famy 700 WP, Fujione 40WP… Khi ruộng nhiễm bệnh, ngừng bón tất cả các loại phân kể cả phân bón qua lá, sau khi phun thuốc, bệnh ngừng phát triển mới được bón phân.
- Đối với bọ trĩ: Kiểm tra phát hiện và phun thuốc trừ bọ trĩ những nơi có mật độ, tỷ lệ hại cao để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng tốt, khi phun thuốc trừ bọ trĩ nên ưu tiên các loại thuốc trừ sâu sinh học, thuốc ít ảnh hưởng đến thiên địch để tránh bùng phát các loại sâu, rầy hại lúa khác trong giai đoạn sau. Có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Emamectin benzoate, Thiamethoxam… như Angun, Map Winner 5WG, Tasieu, Actara 25 WG... để phun trừ.

Nông dân xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong) chăm sóc cây trồng sau mưa lớn. Ảnh: Việt Toàn.
Với diện tích rau màu bị ngập úng
Tiến hành khơi rãnh để thoát nước kịp thời; xới xáo nhẹ, phá váng mặt luống giúp cây hồi phục nhanh hơn, kết hợp với trồng dặm các cây bị khuyết để đảm bảo mật độ. Những diện tích bị thiệt hại nặng cần tiến hành gieo trồng lại. Khi nước rút, tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung gieo trồng những diện tích còn lại và diện tích bị ngập úng bị thiệt hại nặng không có khả năng hồi phục.
Tiến hành làm cỏ, bón phân đầy đủ, cân đối giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Tăng cường bón phân hữu cơ, tro tẩm để cây tăng sức chống chịu điều kiện bất lợi. Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại như sâu xám, sâu keo mùa thu, sâu xanh, rầy rệp các loại, bệnh héo rũ, đốm lá, thán thư, sương mai, khô đầu lá... để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.