Đây là một nội dung được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong bài tham luận gửi Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán nhà nước” được tổ chức mới đây, tại Hà Nội.
Chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được nâng cao
Đối với thị trường lao động Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua có tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động.
Số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 330 nghìn năm 1995 lên khoảng 6,1 triệu năm 2019. Tốc độ tăng lao động của khu vực này, bình quân 7,72%/năm giai đoạn 2005-2017, cao hơn nhiều so với tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác.
Chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn được đẩy mạnh. Tỷ trọng lao động trong ngành điện tử và sản phẩm điện tử tăng từ 8,03% năm 2012 lên 15,7% năm 2017.
Năng suất lao động có sự chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017 đạt 330,8 triệu đồng/lao động, cao gấp 3,5 lần năng suất lao động chung của cả nước, cao hơn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thông qua hệ thống đào tạo nội bộ ở trong nước và nước ngoài, và liên kết với cơ sở đào tạo bên ngoài, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.
Cơ cấu kinh tế - xã hội và thị trường lao động sẽ thay đổi
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiện đang đứng trước ba xu thế vĩ mô hứa hẹn sẽ mang đến những chuyển biến khó lường trong dòng vốn đầu tư nước ngoài, cơ cấu kinh tế - xã hội và thị trường lao động trong nước.
Thứ nhất là sự chuyển dịch sâu rộng cơ cấu kinh tế do tác động của Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0).
Thứ hai là việc tái định vị dòng chảy hàng hoá, dịch vụ quốc tế do tác động của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Và thứ ba là sự tăng tốc trong chiến lược đa phương hoá đối tác và tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia dưới ảnh hưởng trực tiếp của Đại dịch COVID-19.
Những xu thế vĩ mô này đã và đang làm nổi bật một số xu hướng rõ rệt đối với dòng chảy và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới và thay đổi căn bản thị trường lao động Thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo Bộ LĐ-TB& XH dự báo, nhu cầu lao động, cơ cấu nhân lực sẽ có sự thay đổi cơ bản khi dòng chảy đầu tư nước ngoài có xu thế hướng tới các ngành đòi hỏi lao động trình độ trung bình đến cao, bao gồm linh kiện, phụ kiện máy móc, đồ điện tử, các sản phẩm khoa học, sản phẩm y tế, hoá học, cao su và nhựa; mà không còn là các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp như dệt may hay da giày.
Về thu hút vốn mới, môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế và nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa đang dần trở thành điểm cạnh tranh cơ bản giữa các nước có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài cao, trong khi việc sử dụng các ưu đãi tài khóa (như giảm thuế, miễn thuế) và tài chính (như trợ cấp, cho vay vốn ưu đãi) để thu hút đầu tư nước ngoài đang giảm dần tính ưu việt.
Về di dời vốn cũ, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài làm nhiều nhà đầu tư quyết định khởi động việc di chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc, đại dịch Covid-19 sẽ làm họ chắc chắn hơn với quyết định của mình và đẩy nhanh giai đoạn thực thi. Điều này cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới sự phát triển thị trường lao động Việt Nam và Thế giới.
Trước xu thế này, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn khi hầu hết các nước và các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu đều coi Việt Nam là điểm đến an toàn, tiềm năng, là trung tâm đầu tư và sản xuất tối ưu trong ngắn và trung hạn.
Lao động lớn tuổi và chưa qua đào tạo sẽ gặp khó khăn
Trong tương lai gần, cấu trúc lao động đã, đang và sẽ tiếp tục dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu việc làm sẽ có xu hướng dịch chuyển từ các lĩnh vực thâm dụng lao động sang các ngành ứng dụng công nghệ. Việc làm sử dụng lao động phổ thông, ít kỹ năng sẽ giảm dần, thay vào đó là việc làm yêu cầu lao động có trình độ cao hơn và nhiều kỹ năng hơn.
Theo đó, người lao động, nhất là những lao động đã có tuổi, chưa qua đào tạo, ít kỹ năng, tay nghề yếu, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo và đào tạo lại để thích ứng với các ngành nghề mới.
Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một phần lớn người lao động ở Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ mất việc, thất nghiệp và bị bỏ rơi trong xu thế dịch chuyển hiện nay.
Để đón đầu được các xu hướng đầu tư nước ngoài mới và để người lao động Việt Nam được thụ hưởng lợi ích trong một nền kinh tế bền vững, chúng ta cần chủ động xây dựng các chiến lược hành động toàn diện, cùng nhau kiến tạo một thị trường liên thông, hoàn chỉnh, với hệ sinh thái đa dạng, có tính lan tỏa cao và có sự liên kết chặt chẽ với thị trường quốc tế.
“Chúng tôi đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo sát sao các Bộ, ban ngành tiếp tục các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, trao đổi với các tập đoàn lớn quốc tế, chủ động đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, hoàn thiện các cơ chế song phương và đa phương về thu hút đầu tư, sở hữu trí tuệ, ngân hàng, tài chính để các nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào Việt Nam qua các cơ chế chính sách, cơ chế hỗ trợ tài chính của họ”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định sẽ chủ động phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, chủ động phân tích, dự báo xu hướng chuyển dịch trong lao động – việc làm, nhu cầu lao động trong nước và quốc tế để thường xuyên báo cáo, tham mưu cho Chính phủ. Bộ sẽ khảo sát, đánh giá sát sao hơn nữa thị trường lao động ở các địa phương trọng điểm, có các phương án chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng lao động để đón nhận các dự án mới.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ban ngành liên quan đánh giá, xác định được nhu cầu kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế mới để có những điều chỉnh phù hợp cho hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước, đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo đáp ứng đúng và đủ nhu cầu các ngành nghề mới.