Ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đến lao động việc làm
Theo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) tỉnh Phú Thọ: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải cho người lao động nghỉ luân phiên để duy trì sản xuất, thương lượng cho người lao động nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Điển hình như Công ty TNHH Dệt Phú Thọ trong tháng 4/2020 đã phải dừng sản xuất, cho người lao động nghỉ việc.
Tương tự, Công ty CP Công nghệ tạo hình Cơ khí Việt Nam cũng phải cho người lao động nghỉ việc luân phiên, Công ty TNHH Seshin Việt Nam đã phải thỏa thuận với người lao động nghỉ việc không hưởng lương đến hết tháng 7/2020.
Dù đã thỏa thuận với người lao động nghỉ việc không hưởng lương đến hết tháng 7/2020, nhưng hiện nay, Công ty TNHH Seshin đã ký được đơn hàng mới, người lao động đã quay lại sản xuất.
Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhóm doanh nghiệp sản xuất gia công hàng may mặc xuất khẩu bị ảnh hưởng tương đối lớn vì không phải là mặt hàng cấp thiết nhưng phải sử dụng nhiều lao động để sản xuất, thị trường xuất khẩu chính là Mỹ.
Do đó, khi Mỹ tạm dừng các hoạt động do dịch bệnh, doanh nghiệp bị hủy đơn hàng, không thanh toán được hợp đồng của đơn hàng trước đó… doanh nghiệp khó có thể chi trả lương đầy đủ cho người lao động.
Đối với các doanh nghiệp FDI sử dụng dây chuyền máy móc, công nghệ của nước ngoài, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu hụt lao động là người nước ngoài nên ảnh hướng lớn đến quá trình chỉ đạo điều hành, sản xuất và kinh doanh, thậm chí một số doanh nghiệp có nguy cơ phải ngưng hoạt động.
Đưa người mất việc làm quay lại thị trường lao động
Trong 4 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Thọ bị ảnh hưởng lớn khi các phiên giao dịch việc làm cố định hằng tháng, ngày hội việc làm, hội nghị tư vấn việc làm không thể diễn ra theo kế hoạch do dịch Covid- 19.
Tuy nhiên, đơn vị đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giới thiệu việc làm qua website, phỏng vấn online nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động kết nối, tuyển dụng, tìm kiếm việc làm phù hợp. Vì vậy, các hoạt động của Trung tâm vẫn diễn ra hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu về những vị trí việc làm còn trống và thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp, khai thác nhu cầu tìm việc của những người đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đối tượng lao động tự do. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động đồng bộ, nhằm thúc đẩy hoạt động trên hệ thống sàn giao dịch việc làm trực tuyến.
Tính đến hết tháng 5/2020, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm mới và hỗ trợ học nghề cho gần 10.000 lượt người.
Có thể nói, đến nay nhu cầu tuyển dụng thêm lao động chỉ tập trung tại khu vực các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công linh kiện điện tử. Các doanh nghiệp ở những khu vực còn lại đã khôi phục sản xuất khoảng 80%, lao động đã đi làm trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng vừa sản xuất vừa xem xét ứng phó tình hình để đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp.
Thời gian tới, để Trung tâm Dịch vụ việc hoạt động có hiệu quả, ngành LĐ –TB&XH Phú Thọ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tính đến ngày hết ngày 13/5/2020, tỉnh Phú Thọ có 2.833 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), 1.972 người có quyết định hưởng BHTN hàng tháng, 12 người đề nghị chuyển hưởng BHTN, gần 10.000 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, 113 người tạm dừng hưởng BHTN, 2.623 người chấm dứt hưởng BHTN. Tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp gần 31,3 tỷ đồng.
Đối với Việt Nam trong thời điểm hiện nay, khi dịch Covid-19 đã và đang tác động lớn đến kinh tế, xã hội; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, thì bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự phát huy vai trò, tính ưu việt của mình.
Chỉ riêng tháng 3/2020 (tháng cao điểm do ảnh hưởng của đại dịch), cả nước có 59.276 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đó, tăng tổng số đối tượng thụ hưởng của quý I/2020 lên 132,320 (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái).
Số tiền đã chi là 2.744 tỷ đồng, trong đó riêng chi cho trợ cấp thất nghiệp là 2.590 tỷ đồng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3,7 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, có thể thấy bảo hiểm thất nghiệp thực sự giúp người lao động bị ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống, giúp họ đảm bảo, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.