| Hotline: 0983.970.780

Các nước ASEAN chung tay giảm thiểu tác động của dịch COVID-19

Thứ Tư 10/06/2020 , 16:47 (GMT+7)

Các nước thành viên ASEAN sẽ đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường khả năng phục hồi cho người nghèo, các nhóm dễ bị tổn thương trong và sau đại dịch COVID-19.

Hội nghị có sự tham dự của 10 Bộ trưởng phụ trách Phúc lợi và Phát triển xã hội đến từ các nước thành viên ASEAN và Tổng thư ký ASEAN. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hội nghị có sự tham dự của 10 Bộ trưởng phụ trách Phúc lợi và Phát triển xã hội đến từ các nước thành viên ASEAN và Tổng thư ký ASEAN. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngày 10/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến đặc biệt của các Bộ trưởng ASEAN phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển (AMMSWD) nhằm giảm thiểu tác động của COVID-19 đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ASEAN. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Đây là sáng kiến do nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với vai trò Chủ tịch AMMSWD đương nhiệm đề xuất và nhận được sự ủng hộ của Việt Nam với trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN 2020. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.

Hội nghị ghi nhận chia sẻ của các Bộ trưởng ASEAN về những chính sách, chương trình liên quan đến an sinh và phúc lợi xã hội cũng như các hỗ trợ của từng quốc gia cho người dân, đặc biệt là cho các nhóm dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng bởi tác động của COVID-19. Các nước cũng đề xuất những khuyến nghị về thúc đẩy an sinh và phúc lợi xã hội trong khu vực.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận và nhất trí thông qua Tuyên bố chung về giảm thiểu tác động của COVID-19 đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ASEAN. Nội dung bản Tuyên bố nhấn mạnh việc đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường khả năng phục hồi cho người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương trong và sau đại dịch COVID-19.

Cùng với đó, các Bộ trưởng AMMSWD sẽ hợp tác chặt chẽ để đảm bảo tiếp cận kịp thời với an sinh xã hội và phân bổ hợp lý nguồn lực từ quỹ công cho chi tiêu xã hội; bảo vệ quyền, an toàn và nhân phẩm; đảm bảo sức khỏe và an toàn của các cán bộ công tác xã hội tại các tuyến đầu trong việc ứng phó với đại dịch; tăng cường hợp tác liên ngành ở cấp quốc gia và khu vực; xây dựng các chương trình phục hồi sau đại dịch một cách toàn diện; xây dựng các kế hoạch và biện pháp mang tính liên tục, đảm bảo sự hòa nhập khuyết tật, có đáp ứng giới, nhạy cảm với lứa tuổi và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; và thực hiện các chính sách hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương cũng như giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đối với người già, phụ nữ, đặc biệt là trẻ em.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá việc Hội nghị được tổ chức vào thời điểm hiện tại mang ý nghĩa tích cực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá việc Hội nghị được tổ chức vào thời điểm hiện tại mang ý nghĩa tích cực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết tính đến ngày 8/6/2020, Việt Nam ghi nhận 53 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và gần 90% ca nhiễm được chữa trị khỏi. Đây là kết quả của sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong công tác phòng, chống và ứng phó với những khó khăn do đại dịch gây ra.

"Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có trong tiền lệ với kinh phí hơn 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác nhau.

Có thể thấy rằng, đây là gói hỗ trợ an sinh xã hội toàn diện, thể hiện chủ trương nhân văn của Chính phủ trong việc luôn quan tâm chăm lo tới đời sống người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế bao gồm người cao tuổi, người ốm đau, người giảm sâu thu nhập, người lao động đứt bữa, người không có thu nhập ổn định…", ông Đào Ngọc Dung nói.

Cùng quan điểm với các Bộ trưởng ASEAN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhận định về những bất ổn kinh tế lâu dài sẽ kéo theo gia tăng bất ổn xã hội.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các nước thành viên ASEAN tiếp tục nỗ lực, tăng cường hợp tác liên ngành ở cấp quốc gia và khu vực trong hiện thực hóa bản Tuyên bố chung của Hội nghị cũng như thúc đẩy an sinh xã hội, ứng phó sẵn sàng với những khủng hoảng, thảm họa và dịch bệnh.

Cuối cùng, Bộ trưởng tin tưởng rằng với sự quan tâm của Lãnh đạo Cấp cao và các hành động chính sách ở cấp khu vực, ASEAN sẽ sớm cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này, khôi phục kinh tế và xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.