| Hotline: 0983.970.780

Chủ động tìm kiếm nguồn vốn cho hợp tác xã

Thứ Sáu 27/11/2020 , 08:32 (GMT+7)

Vốn đang là một trong những bài toán nan giải nhất của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Các HTX cần phải làm gì để giải được bài toán này?

Hợp tác xã Nhung hươu Bình Phước làm ăn có hiệu quả nhưng khó phát triển vì thiếu vốn. Ảnh: Trần Trung.

Hợp tác xã Nhung hươu Bình Phước làm ăn có hiệu quả nhưng khó phát triển vì thiếu vốn. Ảnh: Trần Trung.

Khó phát triển vì thiếu vốn

Thành lập năm 2019, Hợp tác xã Nhung hươu Bình Phước tại xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, có 11 xã viên. Ngành nghề của HTX là tư vấn kỹ thuật chuồng trại; nuôi và chăm sóc hươu theo hướng bền vững; mua bán, trao đổi hươu giống; sản xuất nhung hươu cung ứng ra thị trường...

Ông Trương Văn Nghiệp, Giám đốc HTX Nhung hươu Bình Phước, cho biết, hiện HTX có hơn 50 con hươu, trong đó 30 con hươu đang cho khai thác với sản lượng 30kg nhung/năm. Trung bình 1kg nhung trên thị trường giá 18 triệu đồng, mỗi năm HTX thu 540 triệu đồng tiền nhung, chưa kể gần 100 triệu đồng/năm bán hươu sinh sản. HTX đã ký kết với trang trại hươu giống Trường Sinh (Lâm Đồng) giúp các thành viên bao tiêu sản phẩm, mở rộng chăn nuôi theo hướng bền vững.

Ông Nghiệp khẳng định, hươu có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, nguồn thức ăn dựa dồi dào, trong đó, khoái khẩu là lá keo, cẩm lai được dùng làm trụ sống cho cây hồ tiêu, phù hợp với địa phương. Trong bối cảnh nhiều người dân trồng tiêu tại huyện Bù Đốp gặp khó khi giá hồ tiêu xuống thấp,  thì mô hình này được xem là giải pháp giúp bà con, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế ổn định.

Tuy nhiên sau gần 2 năm hoạt động, do không tiếp cận được nguồn vốn, tình hình mở rộng quy mô sản xuất của HTX rất khó khăn, nên hoạt động của HTX vẫn mang tính cầm chừng và có thể giải thể bất cứ lúc nào.

Ông Trương Văn Nghiệp chia sẻ, tuy HTX vẫn đang hoạt động có hiệu quả nhưng nguồn vốn của HTX chỉ được các xã viên góp bằng hiện vật. Bởi vậy, từ khi thành lập đến nay, HTX luôn phải xoay xở vốn lưu động để thuê nhân viên thú y phòng và chữa bệnh trên đàn hươu, tổ chức các lớp tập huấn cho xã viên, đóng thuế ...

Ông Nghiệp thổ lộ “Gia đình tôi phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay 350 triệu đồng để duy trì hoạt động của HTX và phát triển đàn hươu nên rất khó khăn. Nhu cầu bức thiết hiện nay của HTX là quỹ đất chung và nguồn vốn để xây dựng chuồng trại chăn nuôi hươu khép kín, xa khu dân cư, giảm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, HTX vay vốn từ các ngân hàng thương mại rất khó”.

Chủ động tìm kiếm nguồn vốn

Theo bà Gaby Breton, Đồng Giám đốc Dự án Phát triển hợp tác xã Việt Nam (VCED), việc tiếp cận vốn luôn là một thách thức cho tất cả mọi loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn khởi nghiệp. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, bởi tính chất tập thể vốn có của một mô hình HTX, mà các HTX thường gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận các khoản vay. Điều này xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Nhưng những kinh nghiệm gần đây cho thấy nhiều HTX đã tìm ra những cách thức khác nhau để chủ động giải quyết vấn đề này. Đó có thể là gia tăng thành viên, tăng giá trị vốn góp điều lệ và đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn bổ sung từ thành viên với giá trị bằng vốn điều lệ hoặc các loại hình vốn góp bổ sung khác với lãi suất tương đương giá trị vốn góp (chứ không phải lãi suất tính trên lợi nhuận thu về từ hoạt động kinh doanh của HTX). Đối với bất kỳ một HTX nào, việc phát triển những hình thức vay nợ/công cụ nợ như vậy là yếu tố chủ chốt để huy động vốn đầu tư từ thành viên.

Sản phẩm nhung hươu của Hợp tác xã Nhung hươu Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Sản phẩm nhung hươu của Hợp tác xã Nhung hươu Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài ra, nhiều HTX cũng đã thu hút được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư không phải là thành viên thông qua một loạt các hình thức cho mượn nợ và cấu trúc vốn. Để duy trì được quyền kiểm soát của các thành viên trong khi huy động nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, các HTX phải kiên định trong việc duy trì quyền biểu quyết của thành viên và chỉ có thành viên HTX mới có quyền biểu quyết trong tất cả các hoạt động, định hướng phát triển của HTX.

Bà Gaby Breton cho biết, Dự án VCED có một cơ chế tài chính riêng, là một quỹ tạm ứng vốn lưu động để cung cấp nguồn vốn hoạt động nhằm hỗ trợ các HTX phát triển các hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như đối với việc mua bán nguyên liệu đầu vào và các sản phẩm đầu ra.

Với việc cung cấp quỹ hỗ trợ này cho các HTX, song song với việc tiến hành các lớp đào tạo về quản lý tài chính, Dự án đã tạo ra kinh nghiệm tiền đề cho các HTX ở Việt Nam trong việc quản lý vốn đầu tư từ bên ngoài. Nhờ vậy, về sau này, các HTX có thể tiếp tục phát triển các công cụ/hình thức phù hợp để tiếp cận vốn vay từ các thể chế tài chính khác.

Các HTX cũng có thể dùng các loại tài sản cố định như xe tải, cơ sở vật chất, thiết bị chế biến …, để làm tài sản thế chấp khi đi vay. Ngoài ra, có một yếu tố mà các thể chế tài chính thường lấy đó làm cơ sở đặt niềm tin và ra quyết định cho HTX vay. Đó là giá trị thực của các hợp đồng xuất khẩu quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu đi các thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu, hoặc là các hợp đồng chính thức với các khách hàng doanh nghiệp nội địa (như siêu thị BIG C, siêu thị MM Mega Market và hàng loạt các chuỗi siêu thị lớn khác).

Bên cạnh đó, một lựa chọn khác để các HTX có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay đảm bảo, đó là sử dụng sản lượng đầu ra như một tài sản thế chấp. Và phương án này thì có thể sẽ còn phải phụ thuộc vào chuỗi giá trị của HTX đó.

Bà Gaby Breton: Xuất phát điểm của các nhà lãnh đạo các HTX cũng như lãnh đạo của bất cứ một doanh nghiệp nào, đó là phải phát triển một chiến lược vốn hóa. Chiến lược này nằm trong kế hoạch phát triển chiến lược tổng thể của HTX. Với những kế hoạch sâu rộng và khả thi, các HTX sẽ chủ động hơn trong việc thực thi các hành động cụ thể trong đó bao gồm tìm kiếm thêm nguồn vốn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.