| Hotline: 0983.970.780

Chủ động ứng phó biến chủng mới của virus dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Sáu 18/10/2024 , 11:05 (GMT+7)

Các chuyên gia cả trong nước lẫn quốc tế đều đưa ra nhận định này, sau khi phát hiện số lượng lớn biến chủng tại Việt Nam khi thực hiện thí nghiệm.

Cán bộ thú y tiêm vacxin cho đàn lợn. 

Cán bộ thú y tiêm vacxin cho đàn lợn. 

Tác nhân gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi là virus DNA mạch kép, có vỏ bọc thuộc họ Asfaviridae, giống Asfivirus. Bộ gen của virus dài khoảng 170-193kbp, có khoảng 151-167 khung đọc mở mã hóa cho hơn 50 protein khác nhau.

Trong đó, protein p72 là một trong số các protein của virus dịch tả lợn Châu Phi (ASFV) có tính kháng nguyên cao. Protein p72 được mã hóa bởi gen B646L và có khối lượng phân tử khoảng 73,5kDa; đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành vỏ capsid trong quá trình xâm nhiễm của virus.

Là virus duy nhất được biết đến với bộ gen DNA sợi kép được truyền bởi động vật chân đốt, ASFV có ít nhất 24 chủng virus khác nhau được phát hiện tại châu Phi. Tuy nhiên, chỉ có Type I và II phát hiện được ngoài châu Phi, trong đó, châu Á (bao gồm Việt Nam) mới chỉ phát hiện lưu hành Type II.

Dựa vào vùng IGR (một gen đánh dấu dịch tễ, dùng để đánh giá nguồn gốc, mối liên quan và sự bùng phát của các chủng virus), PGS.TS Lê Văn Phan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, có 9 gen liên quan đến độc lực của ASFV, như MGF, CD2v, I177L... Mỗi gen có chiều dài và tính trạng khác nhau. Dựa vào số lượng và khả năng tổ hợp của các gen này, mà chủng virus sẽ có độc lực cao hay thấp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tỷ lệ phát hiện ra những chủng virus tái tổ hợp gen độc lực cao ngày càng nhiều. Sau khi Việt Nam công bố sản xuất thành công vacxin thương mại cho dịch tả lợn Châu Phi, năm 2023, nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với công ty AVAC (một trong các đơn vị sản xuất vacxin) thí nghiệm trên 18 lợn lai 8 tuần tuổi tại Bắc Giang, nhằm phát hiện các biến chủng mới của ASFV.

Tất cả lợn đều được xác nhận âm tính với ASF, circovirus-2 ở lợn, bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển và virus hội chứng sinh sản và hô hấp ở lợn bằng phương pháp PCR, cũng như âm tính với kháng thể kháng ASFV bằng xét nghiệm miễn dịch liên kết với enzyme. Sau đó, nhóm nghiên cứu phân lợn đều vào 3 nhóm, rồi gây bệnh bằng các đường khác nhau như mũi, miệng, tiêm bắp...

PGS.TS Lê Văn Phan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

PGS.TS Lê Văn Phan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Dựa trên các chẩn đoán lâm sàng, phân lập virus và xét nghiệm huyết thanh, nhóm kết luận, hiện có 4 chủng Type II độc lực cao của ASFV đang lưu hành tại Việt Nam. Những chủng này có thể gây ra các triệu chứng khác nhau trên lợn (sốt, xuất huyết, sưng nội tạng…) nhưng đều khiến lợn bị chết. Ngược lại chủng độc lực thấp Type I, thường gây ra các bệnh mãn tính trên lợn, chưa được tìm thấy.

Dù vậy, PGS.TS Lê Văn Phan nhấn mạnh: “Đã tìm thấy sự tồn tại của tái tổ hợp Type I và II chủng độc lực cao gây bệnh cấp tính trong các thí nghiệm”. Ngoài ra, vị chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng thừa nhận, một số chủng xóa gen MGF505-2R và MGF 505, MGF 110, MGF 300 gây độc lực thấp cũng tồn tại.

Do bản chất độc lực cao và khả năng kháng vacxin, chủng mới nổi (tái tổ hợp Type I và II) có thể sớm thay thế các loại ASFV kiểu Type II đang lưu hành trong khu vực, làm chệch hướng những nỗ lực kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi. Việc sản xuất một loại vacxin mới là yêu cầu cấp thiết.

TS Trương Quang Lâm, Học viện Nông nghiệp cho biết thêm, đến nay chưa có vacxin dịch tả lợn Châu Phi nào được chấp thuận trên toàn cầu cho ASF. Tuy nhiên, các chủng ASFV sống giảm độc lực được coi là ứng cử viên vacxin triển vọng nhất hiện có.

 

“Chúng tôi đã có những đánh giá bước đầu về độc lực và tính an toàn của chủng vacxin sống giảm độc lực trên lợn thí nghiệm, đồng thời tiến hành kiểm nghiệm khả năng đáp ứng miễn dịch và hiệu quả bảo vệ của chủng vacxin sống giảm độc lực”, ông Lâm chia sẻ và tin rằng, vacxin sống giảm độc lực là lời giải cho các biến chủng của ASFV trong tương lai.

Hiện một số chủng ASFV sống giảm độc lực, bao gồm HLJ/18-7GD, ASFV-G-ΔI177L và ASFV-G-ΔMGF đã được chứng minh là tạo ra khả năng bảo vệ hoàn toàn chống lại thử thách ASFV độc lực cao. Trong số này, các chủng ASFV-G-ΔI177L và ASFV-G-ΔMGF đã được cấp phép lần lượt cho công ty NAVETCO và AVAC để sản xuất vacxin thương mại tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây các nhà khoa học đã chứng minh rằng, phương pháp xác định kiểu nhóm huyết thanh thông qua phương pháp ngăn trở ngưng kết hồng cầu là không thực tế cũng như hiệu quả đối với việc phân nhóm huyết thanh của ASFV đang lưu hành tại thực địa vì phương pháp đòi hỏi phải có virus sống và huyết thanh của lợn kháng lại ASFV.

Điều này khó có khả năng thực hiện được do khó thu thập được huyết thanh có khả năng đáp ứng miễn dịch với ASFV của lợn sống do kháng thể này xuất hiện muộn, hiệu giá thấp và độc lực của ASFV Type II độc lực cao tại Việt Nam thường rất mạnh, do đó lợn có khả năng chết trong khoảng từ 5 - 10 ngày sau gây nhiễm.

Để giải quyết vấn đế này và cũng như biết được serotype của ASFV phục vụ công tác điều chế vacxin phòng bệnh, các nhà khoa học đã xác định và chứng minh việc xác định kiểu nhóm huyết thanh dựa vào phương pháp phân tích trình tự nucleotide vùng mã hóa protein của gen CD2v.

“Vacxin ban đầu khó có tỷ lệ an toàn như mong muốn hoặc đạt tỷ lệ tương đương trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tính đến các yếu tố khác như chỉ số FCR (tiêu tốn thức ăn/kg trọng lượng), hoặc thương tổn ở phổi của lợn sau khi tiêm vacxin”, PGS.TS Lê Văn Phan nhấn mạnh.

Do các loại vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi hiện vẫn là vacxin có điều kiện, nên người chăn nuôi khi sử dụng phải lưu ý các yếu tố như tuần tuổi, lợn thương phẩm hay lợn nái, có mắc bệnh nền hay không… Ngoài ra, khi trang trại có nguy cơ bị dịch bệnh thì tránh tiêm vacxin vì hiệu quả sẽ không như mong muốn.

Dịch tả lợn Châu Phi có khả năng lây lan nhanh và gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Lần đầu, virus gây bệnh được ghi nhận vào năm 1907 và mô tả đầu tiên vào năm 1921 tại Kenya. Sau đó, bệnh lan rộng ra các nước châu Âu, Nam Mỹ và Caribbean vào giữa thế kỷ trước. Bệnh được ghi nhận tại Việt Nam vào tháng 2/2019.

Xem thêm
Việt Nam lên tiếng sau khi Campuchia rút khỏi cơ chế hợp tác phát triển CLV

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, mối quan hệ đoàn kết gắn bó hữu nghị và tin cậy giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia là tài sản quý báu.

Chuyển đổi số trong quản lý chất lượng nông sản ở Hà Nội

Thực hiện kế hoạch số 57 ngày 8/2/2024 của UBND thành phố Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, Sở NN-PTNT Hà Nội đã đạt được một số kết quả.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Quán quân Olympia 2024: Uớc mơ trở thành một lập trình viên

Chia sẻ về ước mơ tương lai của mình, Phú Đức mong muốn trở thành một lập trình viên máy tính để cố gắng đóng góp cho sự phát triển công nghệ ở Việt Nam.

Bình luận mới nhất