Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến vô cùng phức tạp
Thảo luận tại hội thảo “Từ nghiên cứu đến chính sách: Cải thiện công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trên động vật tại Việt Nam” ngày 17/10, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Long bày tỏ sự bất ngờ trước việc Việt Nam có nhiều chủng virus đến vậy.
Ông cho rằng hội thảo đã cho thấy một điểm yếu lớn trong hệ thống thú y Việt Nam, chính là sự thiếu hiểu biết toàn diện về các chủng virus đang tồn tại. Đặc biệt, Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) là một vấn đề dài hạn, là một “kẻ địch” đáng gờm mà ngành chăn nuôi cần phải cảnh giác.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại nguyên nhân khiến dịch bùng phát mạnh mẽ. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho những tác nhân ngoại cảnh như chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ.
Cục trưởng đặt vấn đề: Đâu là yếu tố chính khiến dịch lây lan nhanh chóng? Nếu không tìm ra giải pháp hiệu quả, Việt Nam có nguy cơ đối diện với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn vào cuối năm nay và kéo dài đến năm 2025.
Cục trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cần xác định rõ những hạng mục ưu tiên nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác kiểm soát dịch bệnh. Nếu việc buôn bán, giết mổ và vận chuyển động vật không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ rất khó xác định nguồn lây nhiễm của virus. Riêng với dịch ASF, ngay cả trên thế giới cũng không có quốc gia nào đảm bảo an toàn tuyệt đối, do đó Việt Nam cần hết sức thận trọng trong phát triển và sử dụng vacxin.
Cẩn trọng trong đánh giá chất lượng vacxin
TS Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc AVAC Việt Nam, cho biết rằng việc phát triển vacxin phòng ASF là một cuộc chơi toàn cầu, trong đó công nghệ vacxin đóng vai trò then chốt quyết định tỷ lệ thành công. AVAC Việt Nam xác định “phải thắng mới làm” và cho rằng, sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế trong quá trình đánh giá vacxin là rất quan trọng để đảm bảo tính khách quan, từ đó giới thiệu vacxin đến những quốc gia có nhu cầu.
Ông Điệp đưa ra một số đề xuất về chính sách. Đầu tiên, ông khuyến nghị Việt Nam cần điều chỉnh các tiêu chuẩn vacxin theo những quy chuẩn quốc tế mới nhất, bao gồm các yếu tố như lứa tuổi, giống, tác động trên lợn mẹ… Các quy chuẩn chặt chẽ sẽ đảm bảo hiệu quả quản lý và kiểm soát dịch bệnh.
Đồng thời, cần kiểm soát nghiêm ngặt việc lưu hành và sử dụng vacxin, hạn chế sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. TS Điệp cũng kêu gọi chi cục thú y các địa phương phối hợp đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường của vacxin, đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm.
Ngoài ra, nếu có biến chủng virus mới, các bên liên quan cần ngồi lại để thảo luận và đánh giá các rủi ro, từ đó xây dựng phương án chủ động phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho ngành chăn nuôi trong tương lai.
Cung cấp góc nhìn quốc tế, chuyên gia vacxin Anna Lacasta của ILRI nhấn mạnh, ASF luôn là mối đe dọa lớn đối với đàn lợn, ngay cả khi có vacxin thì việc kiểm soát dịch bệnh vẫn rất khó khăn. Do đó, tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân và áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học là yếu tố then chốt. Đồng thời, nghiên cứu thực địa và các hội thảo về an toàn sinh học sẽ giúp cải thiện khả năng phòng dịch.
Để xác định vacxin có hiệu quả với các chủng virus đang lưu hành hay không, TS Lacasta nhấn mạnh vai trò của giám sát dịch tễ và xây dựng chính sách để đảm bảo tính chủ động trong phòng chống dịch bệnh.
Với thực tế các chủng virus biến đổi liên tục, công tác giám sát cần được duy trì thường xuyên. TS Lacasta lưu ý, không thể áp dụng cùng một loại vacxin cho mọi khu vực.
“Việt Nam cần phát triển vacxin phù hợp theo từng vùng. Ví dụ, miền Bắc và miền Nam Việt Nam có thể cần hai loại vacxin khác nhau để ứng phó hiệu quả với điều kiện dịch bệnh đặc thù từng nơi”, chuyên gia khuyến nghị.
Cơ hội tham gia mạng lưới thuốc thú y toàn cầu
Trả lời vấn đề huy động nguồn lực để phát triển vacxin, TS Nguyễn Việt Hùng - Lãnh đạo Sức khỏe của ILRI Kenya cho rằng, dịch bệnh bùng phát là cơ hội thúc đẩy quá trình chuyển giao từ nghiên cứu đến ứng dụng.
Ông Hùng thông tin, khi Việt Nam công bố đã sản xuất thành công vacxin ASF, nhiều quan chức cấp cao và đối tác quốc tế đã liên hệ với ông để tìm hiểu về vấn đề kỹ thuật và cơ hội thương mại. Ông cho biết ILRI có thể đóng vai trò kết nối Việt Nam với các tổ chức và doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn trên thế giới.
Hiện tại, ILRI có tham gia tổ chức Liên minh toàn cầu về vacxin chăn nuôi (GALVmed) tập hợp những công ty dược thú y lớn nhất thế giới nhằm điều phối sản xuất vacxin ở cấp độ toàn cầu. Việt Nam nếu tham gia vào liên minh này sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều quỹ hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển. Không chỉ vậy, các tổ chức quốc tế cũng sẽ đến để đánh giá hiệu quả và đưa ra các khuyến nghị giúp nâng cao chất lượng vacxin của Việt Nam.
Kết luận phiên tọa đàm, Cục trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định, vacxin là công cụ quan trọng hỗ trợ nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế là rất cần thiết để đảm bảo các công cụ phòng chống dịch bệnh đến được tay nông dân một cách hiệu quả.
TS Long cũng lưu ý, với sự phát triển của công nghệ chỉnh sửa gen, không chỉ virus mà ADN của đàn lợn cũng có thể thay đổi. Vì vậy, ông khuyến cáo doanh nghiệp không nên thương mại hóa những loại vacxin chưa qua kiểm nghiệm kỹ lưỡng, nhằm tránh rủi ro và đảm bảo hiệu quả phòng bệnh trong dài hạn.
Cục trưởng Cục Thú y kêu gọi sự đóng góp và khuyến nghị từ các nhà khoa học trong nước và quốc tế, nhằm giúp các nhà quản lý xây dựng và triển khai chính sách phù hợp, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật.