| Hotline: 0983.970.780

Kéo nghiên cứu lại gần chính sách để chống dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả

Thứ Năm 17/10/2024 , 15:33 (GMT+7)

90% nghiên cứu liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững không được dẫn chứng trong văn bản chính sách, đặt ra câu hỏi về mối liên kết giữa khoa học và cuộc sống.

TS Shirley Tarawali - Phó Tổng giám đốc ILRI phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Tùng Đinh.

TS Shirley Tarawali - Phó Tổng giám đốc ILRI phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Tùng Đinh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Từ nghiên cứu đến chính sách: Cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam” chiều 17/10, TS Shirley Tarawali - Phó Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) nhấn mạnh, hội thảo này là lần đầu tiên các các tổ chức nghiên cứu trong nước, quốc tế và nhà quản lý Việt Nam cùng hợp tác để tìm cách giảm thiểu tác động của dịch bệnh lên sản xuất chăn nuôi.

Bà nhận xét, hệ thống chăn nuôi của Việt Nam đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực. Tuy dịch tả lợn Châu Phi (ASF) không nguy hiểm như các bệnh lây truyền từ động vật sang người, nhưng dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho sinh kế của nhiều nông dân và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức để khôi phục đàn vật nuôi.

Điều này cũng làm giảm đáng kể nguồn cung thực phẩm từ động vật, đặc biệt là thịt lợn, một loại thực phẩm rất quan trọng trong chế độ ăn uống của người Việt Nam.

“Những thách thức lớn như vậy đòi hỏi sự hợp tác của tất cả chúng ta. Việc kết nối các phát hiện nghiên cứu với chính sách là điều thiết yếu. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách cần phản ánh thực tế và dựa trên bằng chứng khoa học để phát huy hiệu quả”, lãnh đạo ILRI kêu gọi.

Theo đó, TS Tarawali cho biết, hội thảo sẽ tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và chính sách, đồng thời khám phá cách nghiên cứu có thể hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách.

Hội nghị khoa học Một sức khỏe trước đó đã để lại ấn tượng sâu sắc cho TS Tarawali. Quan sát và lắng nghe các đồng nghiệp thảo luận, bà hiểu tầm quan trọng của giao tiếp đa chiều nhằm phòng chống đại dịch, kiểm soát bệnh truyền lây từ động vật thông thường và động vật hoang dã sang người, an toàn thực phẩm, kháng kháng sinh.

Những hiểu biết chung về dịch bệnh trên động vật giữa nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân sẽ thúc đẩy quá trình kiểm soát ASF ở Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Những hiểu biết chung về dịch bệnh trên động vật giữa nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân sẽ thúc đẩy quá trình kiểm soát ASF ở Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

“Chúng ta cần chắc chắn rằng, các viện nghiên cứu, cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân, cộng đồng nông dân và giới truyền thông - báo chí đều hiểu rõ và phối hợp nhịp nhàng, từ đó xác định được cách hoạt động và nhu cầu thực tế của ngành chăn nuôi”, đại diện ILRI bày tỏ.

Gần đây, một nghiên cứu chính sách đã chỉ ra, tác động của dẫn chứng khoa học đối với chính sách là chưa đáng kể. Đến 90% các bài báo khoa học liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) không được trích dẫn trong các văn bản chính sách. Trong số những bài báo khoa học được trích dẫn, khoảng 50% chỉ được dẫn chứng một lần. Điều này cho thấy cần có sự thấu hiểu lẫn nhau hơn để đưa khoa học vào thực tiễn.

Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu trong nước, TS Phạm Thị Ngọc - Quyền Viện trưởng Viện Thú y (Bộ NN-PTNT) khẳng định, Viện hiểu được vai trò quan trọng của cơ quan nghiên cứu khoa học trong hành trình kiểm soát ASF ở Việt Nam. 

“Các nhà tài trợ đã cho Viện nguồn lực để yên tâm nghiên cứu. Chúng tôi cũng trân trọng lãnh đạo Cục Thú y đã luôn ủng hộ và đồng hành, từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến triển khai các hoạt động thực tiễn tại địa phương”, TS Phạm Thị Ngọc nói.

Quyền Viện trưởng Viện Thú y Phạm Thị Ngọc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tùng Đinh.

Quyền Viện trưởng Viện Thú y Phạm Thị Ngọc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo bà, các cán bộ nghiên cứu của Viện Thú y luôn nói rằng, những lần về địa phương làm thực địa, lấy mẫu xét nghiệm mang đến ý nghĩa trong công việc của họ. Việc tương tác với các nông hộ chăn nuôi giúp cán bộ của Viện trở lại phòng thí nghiệm, tìm tòi những hướng đi sát với nhu cầu của nông dân.

Nữ lãnh đạo bộc bạch, sự đồng hành từ Bộ NN-PTNT và Cục Thú y đã cho Viện thêm động lực, khi thấy nghiên cứu của mình được hiển thị rõ nét trong chính sách, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng.

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long mong muốn sẽ xác định cách thức để tăng cường mối liên kết giữa nghiên cứu và chính sách, đảm bảo rằng các bằng chứng khoa học trực tiếp ảnh hưởng đến quyết định chính sách. Theo đó, TS Long đề xuất các đại biểu đưa ra những khuyến nghị có thể được tích hợp vào Kế hoạch Quốc gia về Phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi sắp tới, nhằm nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát ASF của Việt Nam trong tương lai.

Dịch tả lợn Châu Phi là một loại bệnh cực kỳ lây lan do virus gây ra, ảnh hưởng đến cả lợn nhà và lợn hoang dã trên toàn thế giới, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Dịch bệnh có khả năng gây tử vong lên đến 100% ở các đàn lợn bị nhiễm bệnh, điều này có nghĩa là hầu hết lợn sẽ chết khi mắc phải virus.

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm huyện đảo Cồn Cỏ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu huyện đảo Cồn Cỏ tiếp tục củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng Cồn Cỏ thành khu vực phòng thủ vững chắc.

Thủ tướng: Sử dụng ngay ngân sách để hỗ trợ bà con ảnh hưởng do sạt lở

Chiều 16/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri là đại diện hội viên nông dân, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bình luận mới nhất