| Hotline: 0983.970.780

Chủ rừng kỳ vọng gì ở tín chỉ các bon? [Bài 1]: Tiềm năng đang bị bỏ ngỏ

Thứ Bảy 27/05/2023 , 06:30 (GMT+7)

Hà Tĩnh Với hơn 217.000ha rừng tự nhiên, Hà Tĩnh ước tính có thể bán hàng triệu tín chỉ các bon mỗi năm cho các tổ chức quốc tế, thu về trên dưới 10 triệu USD.

Cần tính toán hết tiềm năng

Việt Nam hiện có hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên (theo Quyết định số 2860/QĐ-BNN-TCLN 2022 về công bố hiện trạng rừng năm 2021), đây là diện tích có chức năng cô lập và lữu giữ các bon lớn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Với hơn 217 nghìn ha rừng tự nhiên, ước tính mỗi năm Hà Tĩnh có thể bán ra gần 2 triệu tín chỉ các bon cho các tổ chức quốc tế. Ảnh: Thanh Nga.

Với hơn 217 nghìn ha rừng tự nhiên, ước tính mỗi năm Hà Tĩnh có thể bán ra gần 2 triệu tín chỉ các bon cho các tổ chức quốc tế. Ảnh: Thanh Nga.

Việc sản xuất được tín chỉ các bon và đã bán cho các tổ chức quốc tế thời gian qua là một điều đáng mừng, song những giao dịch này chưa được chú ý nhiều, nếu không muốn nói nó đang rất mới mẻ với người dân cả nước.

Tháng 12/2022 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2022/NĐ-CP về việc thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính đối với 6 tỉnh Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế).

Đây là một bước ngoặt làm tiền đề cho việc khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên mới mang tên các bon. Và quan trọng hơn phía sau những trị số đó nếu chúng ta biết khai thác hiệu quả sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người dân sống bằng nghề rừng (quản lý, bảo vệ, phát triển rừng), từng bước tiến tới quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn Việt Nam và của Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC).

Tại Hà Tĩnh, theo đánh giá của ngành chuyên môn, với hơn 217 nghìn ha rừng tự nhiên, ước tính địa phương này có thể bán ra gần 2 triệu tín chỉ các bon cho các tổ chức quốc tế, nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm có thể thu về trên dưới 10 triệu USD.

Các con số trên hiện mới chỉ ước lượng, chưa có tính toán, thống kê chính thức nào. Điều này cho thấy, bản thân ngành chuyên môn và các chủ rừng đang khá mơ hồ trong việc điều tra, xác định trữ lượng rừng để tính toán chính xác tiềm năng hấp thụ các bon của diện tích rừng nói trên.

Tiềm năng dồi dào này nếu biết cách khai thác sẽ là nguồn lực rất lớn để tái bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Ảnh: Thanh Nga.

Tiềm năng dồi dào này nếu biết cách khai thác sẽ là nguồn lực rất lớn để tái bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Trần Trung Anh, Trưởng phòng khoa học và hợp tác đầu tư (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn) - người nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ về quá trình bán tín chỉ các bon rừng tại Việt Nam và các nước trên thế giới, cho rằng, tiềm năng bán tín chỉ các bon của Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng là rất lớn song chưa được “đánh thức”.

“Mới chỉ tính toán sơ bộ trên diện tích rừng công ty chúng tôi đang quản lý, nếu bán với giá 5 USD/tín chỉ các bon, mỗi năm đơn vị đã có thể thu về từ 16 - 20 tỷ đồng”, ông Anh nói.

Đồng thời phân tích, Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn hiện đang quản lý, bảo vệ hơn 19 nghìn ha rừng tự nhiên trên địa bàn 3 xã Sơn Hồng, Sơn Tây và Sơn Kim 1. Rừng của đơn vị thuộc nhóm rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, trữ lượng gỗ đạt khoảng 2 triệu m3 (đã được Hội đồng quản trị rừng đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho các dịch vụ hệ sinh thái, trong đó bao gồm bảo tồn và hấp thụ trữ lượng các bon rừng tại văn bản số GFA-FM/COC-002643). Với trữ lượng này, bể chứa carbon dioxide (CO2) đạt khoảng 4 triệu tấn; mỗi năm hấp thụ khoảng 150 nghìn tấn CO2.

“Nếu khai thác được hết tiềm năng từ bán tín chỉ các bon rừng chắc chắn rừng Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung sẽ được quản lý bền vững, vốn rừng ngày càng được tăng lên góp phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên thế giới. Nguồn lực này cũng sẽ giảm áp lực cho việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho công tác bảo vệ rừng tại các địa phương”, ông Trần Trung Anh phân tích.

Đúng nghĩa rừng vàng

Năm 2004, Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn bắt đầu tiếp cận về chương trình phát triển rừng rừng bền vững. Đến năm 2013 trở thành chủ rừng đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên diện tích 19.708ha, tương đương hơn 99% tổng diện tích đơn vị được giao quản lý, bảo vệ.

Theo tính toán, rừng càng non thì khả năng cô lập và lưu giữ các bon càng lớn. Ảnh: Võ Dũng.

Theo tính toán, rừng càng non thì khả năng cô lập và lưu giữ các bon càng lớn. Ảnh: Võ Dũng.

Lúc bấy giờ, theo quy định của Chính phủ chứng chỉ rừng FSC là tấm “lệnh bài” để khai thác gỗ nhưng đến năm 2014 khi thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, FSC mang một ý nghĩa lớn hơn, đó là phát triển bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, trong đó có tín chỉ các bon rừng.

Trong hành trình hơn 10 năm bảo vệ rừng theo quy định của Hội đồng quản lý rừng thế giới, chủ rừng này đã góp phần khẳng định với cả nước và thế giới, rừng Hà Tĩnh đang giữ đúng nghĩa “rừng vàng”. Ở đó đang tồn tại gần 70ha rừng phục hồi IIB với những loài cây gỗ quý như lim, dổi…, tuổi thọ trên dưới 35 năm, có tiềm năng hấp thụ trữ lượng các bon lớn.

Ngoài ra, giá trị của hơn 19 nghìn ha rừng tự nhiên này còn nằm ở việc bảo tồn đa dạng sinh học, chống xói mòn đất, giữ nước, giảm thiểu lũ ống, lũ quét. Đồng thời, cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng thông qua hoạt động trồng làm giàu rừng bằng các loài cây bản địa như lim, cồng, phay, dổi, re…; trồng gần 100ha cây dược liệu dưới tán rừng tại các xã Sơn Kim 1, Sơn Tây.

Một chủ rừng khác đang sở hữu diện tích rừng có tiềm năng hấp thụ trữ lượng các bon lớn nhất toàn tỉnh chính là Vườn Quốc gia Vũ Quang. Đơn vị này đang quản lý, bảo vệ hơn 50 nghìn ha rừng tự nhiên. Trong đó, diện tích rừng non, với khả năng hấp thụ các bon lớn đang chiếm tỷ lệ khá nhiều.

Các chủ rừng ở Hà Tĩnh đang kỳ vọng rất lớn vào nguồn lực từ tiềm năng bán tín chỉ các bon. Ảnh: Võ Dũng.

Các chủ rừng ở Hà Tĩnh đang kỳ vọng rất lớn vào nguồn lực từ tiềm năng bán tín chỉ các bon. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Thái Cảnh Toàn, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang, mặc dù mới chỉ dự thảo nhưng theo kế hoạch phân bổ này, dự kiến năm 2023 Vườn Quốc gia Vũ Quang sẽ được chi trả hơn 10 tỷ đồng từ nguồn bán tín chỉ các bon rừng. Đây là nguồn lực minh chứng cho tiềm năng dồi dào trong việc bán tín chỉ các bon của vườn.

“Nguồn lực từ bán tín chỉ các bon sẽ giảm áp lực rất lớn cho ngân sách trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Trước mắt, theo quy định, dòng tiền này sẽ chi trả cho các hạng mục lâm sinh như làm giàu rừng, trồng rừng… chứ không chi trả cho công tác bảo vệ rừng”, ông Toàn thông tin thêm.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.