Liên quan tới lộ trình phát triển thị trường các bon tại Việt Nam, quyền sở hữu các bon, cơ chế trao đổi các bon cũng như những hạn chế về chính sách được các nhà khoa học và đơn vị nghiên cứu quan tâm tại Hội thảo "Thị trường các bon rừng: Kết quả sau COP27 và lộ trình xây dựng thị trường các bon rừng tại Việt Nam" vừa diễn ra.
Khung pháp lý để hình thành thị trường các bon rừng
Một trong những lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam và tại Thỏa thuận Paris cũng như là COP26 và COP 27 là tăng lượng hấp thụ các bon từ rừng và các hoạt động để giảm phát thải. Tài nguyên rừng Việt Nam có 14,7 triệu ha với độ che phủ rừng là 42%, trong đó có khoảng hơn 10 triệu ha là rừng tự nhiên. Đây là đối tượng có rất nhiều tiềm năng và nhiều hoạt động có thể đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải cũng như tăng lượng hấp thụ các bon của Việt Nam.
Để thực hiện các cam kết với quốc tế, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó xây dựng lộ trình về mua bán, chuyển nhượng tín chỉ các bon. Theo đó, đến năm 2027 Việt Nam sẽ hình thành thị trường bắt buộc, trong đó có các quy định hạn ngạch đối với các cơ sở giảm phát thải và mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ các bon.
Để bắt nhịp vào thị trường các bon bắt buộc, ngành lâm nghiệp đã đàm phán với các tổ chức quốc tế và các đối tác liên quan để xây dựng những dự án thí điểm để chuyển nhượng kết quả về thị trường các bon. Cụ thể là đối với khu vực Bắc Trung bộ, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, quỹ đối tác các bon trong lâm nghiệp đã ký thỏa thuận chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon với giá là 5 USD/ tấn nhằm hỗ trợ cho các cộng đồng, các chủ rừng, người dân để họ có thể tăng thêm nguồn lực, động lực bảo vệ, phát triển rừng và tăng chất lượng rừng.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đã thỏa thuận với tổ chức EMERGENT để tiến hành đàm phán chuyển nhượng kết quả giảm phát thải ở vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) thông tin, đối với khu vực phía Bắc, Tổng cục đang tiến hành đàm phán với Công ty Lâm nghiệp SK để xem xét chuyển nhượng các kết quả về trồng rừng, phục hồi rừng ở khu vực ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Bộ NN-PTNT cũng đang xây dựng khung pháp lý để các địa phương và chủ rừng có thể chủ động xây dựng dự án, đàm phán chuyển nhượng các bon.
Ngành lâm nghiệp đã tham mưu để sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp, trong đó bổ sung quy định về các hoạt động mua, bán, xây dựng đề án, cơ quan thẩm định, xét duyệt đo đếm, kiểm định và mẫu báo cáo. Đây là những khung pháp lý rất quan trọng để hình thành một thị trường các bon rừng.
Bà Phạm Thu Thủy, Giám đốc chương trình Biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và phát triển các bon thấp toàn cầu (Tổ chức CIFOR) cho biết, từ sau COP26 và COP27 có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam với mong muốn đầu tư vào thị trường các bon. Tuy nhiên, một trong những vấn đề các doanh nghiệp lo ngại đó là chưa có hành lang về pháp lý.
“Các đối tác nước ngoài cần bên điều phối tốt từ cơ quan nhà nước để hướng dẫn vì thị trường các bon gồm nhiều ngành nghề từ lâm nghiệp, năng lượng, chăn nuôi, thu y... Hiện có Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT là đầu mối kết nối họ với doanh nghiệp, song chúng ta chưa có hệ thống đăng ký về quyền các bon cũng như cơ sở dự án các bon”, bà Thủy chia sẻ.
Để thúc đẩy thị trường các bon, bà Thủy cho rằng, cần có chính sách và phối hợp đa ngành để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến phá rừng và suy thoái rừng, bên cạnh cơ chế trao đổi thông tin, thúc đấy hợp tác quốc tế và tham gia của các liên minh quốc tế.
Cân bằng giữa mục tiêu quốc gia và mục tiêu thương mại
Theo Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế, tăng vượt bậc so với báo cáo trước đó (27%). So với NDC 2020, đóng góp tự nguyện, không điều kiện trong NDC 2022 đã giảm thêm 62,4 triệu tấn CO2 tương đương. Đóng góp có điều kiện trong NDC 2022 giảm thêm 153,0 triệu tấn CO2 tương đương và tỷ lệ giảm thêm 16,5%.
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi Khí hậu, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ TN-MT) khẳng định rừng và lượng hấp thụ các bon rừng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đạt mục tiêu đã cam kết.
“Trong giai đoạn qua, Bộ TN-MT nhận nhiều đề xuất của nhiều địa phương xem xét việc có được bán tín chỉ các bon từ rừng không. Bộ luôn ủng hộ việc tham gia cơ chế trao đổi tín chỉ các bon, tham gia bảo vệ phát triển rừng song cần có trách nhiệm trong đóng góp mục tiêu NDC. Cần phải đảm bảo mục tiêu đóng góp vào NDC rồi mới tính đến việc thương mại các bon”, ông Minh nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm thông tin, bà Thủy dẫn chứng từ ba quốc gia có diện tích rừng lớn nhất là Indonesia, Peru và Brazil chưa gia nhập thị trường quốc tế để cân nhắc kỹ lưỡng thực hiện NDC. “Để đảm bảo sự phát triển kinh tế chung, ngoài việc đáp ứng NDC và đảm bảo tính cạnh tranh trong thị trường quốc tế, họ xem xét những doanh nghiệp trong nước phải được ưu tiên để giảm phát thải thế nào trước khi bán cho nước ngoài”, đại diện CIFOR chia sẻ.
Bà Thủy cho biết, con đường phát triển của thị trường các bon sẽ đi theo hai định hướng là chủ trương chính sách của nhà nước và phân khúc thị trường. Việc phát triển thị trường các bon cần tính đến những gì đang thiếu ở thị trường và đâu là cạnh tranh so với những quốc gia khác. Ở phân khúc thị trường giá trị cao, đặc biệt chú trọng đến đa dạng sinh học và những biện pháp an toàn xã hội, đây là hai điểm nhấn mà người mua đang tìm kiếm.
“Các nhà đầu tư khẳng định rằng họ có tài chính, song lượng cung ứng không đủ vì một số quốc gia không thể đáp ứng những điều kiện như bảo tồn đa dạng sinh học hay những yêu cầu về bảo đảm an toàn xã hội. Việt Nam có ưu thế là một trong những quốc gia có tỷ lệ đa dạng học cao, khác hẳn so với những quốc gia khác. Vì vậy, Việt Nam có điều kiện cạnh tranh ở phân khúc thị trường giá trị cao”, bà Thủy nhận định.