Gắn an toàn thực phẩm với xây dựng vùng nguyên liệu. Xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình tàu cá. 200 gian hàng tham gia hội chợ trái cây và hàng nông sản Bình Phước. Người nuôi dê đang có lãi 1 - 1,5 triệu đồng/con.
GẮN AN TOÀN THỰC PHẨM VỚI XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU
Sáng 3/6, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị công tác chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2022 với 70 điểm cầu trực tuyến trên cả nước, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc phát triển, đảm bảo nguồn cung thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng. Để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, cần gắn an toàn thực phẩm với xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm soát chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các tỉnh thành vùng ĐBSCL cần phối hợp để liên kết phát triển về an toàn thực phẩm. Xây dựng thương hiệu, cấp mã số vùng trồng, tiêu chuẩn, logo an toàn thực phẩm quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kiểm tra đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.Cũng tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết giữa Bộ NN-PTNT và UBND TP Cần Thơ về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giữa TP Cần Thơ và các tỉnh, thành phố trên cả nước giai đoạn 2022 – 2025.
Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải loạt bài viết: Thiết bị giám sát hành trình hành ngư dân - rào cản gỡ thẻ vàng, phản ánh tình trạng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của một số đơn vị cung cấp thường xuyên bị lỗi, sự cố, chậm khắc phục ảnh hướng nghiêm trọng tới hoạt động đánh bắt của ngư dân và gỡ thẻ vàng của EC, ngày 3/6, Tổng Cục thủy sản, Bộ NN-PTNT ban hành công văn gửi các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá như: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội - Viettel; Tổng Công ty dịch vụ viễn Thông - VNPT- Trung tâm Phát triển công nghệ cao – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương khắc phục những tồn tại theo phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam.Tổng cục Thủy sản cho biết, sẽ tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của các đơn vị cung cấp và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong thực thi pháp luật về thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
200 GIAN HÀNG THAM GIA HỘI CHỢ TRÁI CÂY VÀ HÀNG NÔNG SẢN BÌNH PHƯỚC
Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước lần thứ V năm 2022 sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ 2-6/6, tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh Bình Phước. Với chủ đề “Nông nghiệp thịnh vượng - nông dân giàu có - nông thôn văn minh hiện đại”, Hội chợ thu hút 200 gian hàng với nhiều sản phẩm độc dựa trên 3 trụ cột là “sản phẩm trồng trọt”, “sản phẩm chăn nuôi” và “sản phẩm gỗ mỹ nghệ”.Hội chợ hứa hẹn quảng bá, giới thiệu nhiều loại trái cây ngon và sản phẩm nông sản tiêu biểu tới du khách và trở thành địa chỉ tin cậy để tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.
NGƯỜI NUÔI DÊ ĐANG CÓ LÃI 1 - 1,5 TRIỆU ĐỒNG/CON
Tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… giá dê hơi loại 1 (KHÔNG ĐỌC dê đực, khoảng 35-38 kg/con) được thương lái thu mua ở mức 120.000-125.000 đồng/kg, tăng 5.000-10.000 đồng/kg so với tháng trước. Trong khi đó, dê loại 2, loại 3 cũng tăng từ 80.000-105.000 đồng/kg, lên 85.000-110.000 đồng/kg.Tính từ đầu năm tới nay, giá dê hơi đã tăng khoảng 50.000 đồng/kg, do nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu thụ lớn. Với giá bán hiện nay, xuất bán mỗi con dê sau 4-5 tháng nuôi, người nuôi dê có thể đạt mức lời từ 1-1,5 triệu đồng.