| Hotline: 0983.970.780

Chưa có quy định về xử lý tài sản giải trình không hợp lý

Thứ Ba 20/11/2018 , 15:49 (GMT+7)

Sau gần một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng và tiến hành phiên bế mạc vào sáng 20/11.

Ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Đây là dự luật được thảo luận sôi nổi trong suốt 3 kỳ họp. Một dự luật kể từ lần ban hành đầu tiên vào năm 2005 đến nay đây là lần thứ 4 dự luật tiếp tục được sửa đổi. Thế nhưng quy định về xử lý tài sản bất minh cuối cùng vẫn không được đưa vào luật.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật PCTN (sửa đổi)

Kết quả, với 452/465 đại biểu tán thành, 6 đại biểu không tán thành, 7 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) với 10 chương, 96 điều. Luật bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2019.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình liên quan đến quy định “về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc”.

Bà Nga nói, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua trình tự xem xét, giải quyết tại tòa án; nhiều ý kiến tán thành với phương án xử lý thông qua thu thuế; nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành, theo đó tài sản, thu nhập này sẽ bị xử lý khi cơ quan có thẩm quyền chứng minh được là do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 09 luật và cho ý kiến về 06 dự án luật khác. Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao, là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Trong khi tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp.

Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Tại tất cả phiên thảo luận về nội dung này, ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán.

Vì vậy, để bảo đảm thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến các đại biểu về nội dung này. Kết quả: có 209/456 ý kiến đại biểu, chiếm 43,09% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 156/456 ý kiến đại biểu (32,16%) tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật PCTN hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.

Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật.

Từ các lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp đó Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp và tiến hành bế mạc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu, nhấn mạnh, Quốc hội đánh giá cao sự điều hành quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự chủ động, nỗ lực, phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân về những thành tích nổi bật của năm 2018 và 3 năm qua; đồng thời, đã phân tích, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững.

Cái gì chưa chắc chắn, chín muồi thì chưa đưa vào luật

Toàn cảnh cuộc họp báo

Ngay sau Kỳ họp bế mạc, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo.Trả lời câu hỏi, nếu đánh giá mức độ thành công của Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) thì các ông cho bao nhiêu điểm? Sau khi bỏ điều luật về xử lý tài sản bất minh, luật này còn gì để khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Luật này đưa ra chế định kiểm soát tài sản, thu nhập, quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trước, đó là các quy định về cơ quan có trách nhiệm kiểm soát, xác minh, cơ sở xác minh tài sản, thu nhập. Hiện nay chúng ta đang xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý theo hướng nếu phát hiện tài sản đó do phạm tội mà có thì sẽ bị điều tra, xử lý, sung công.

Thưa tổng thư ký, với tư cách đại biểu Quốc hội, ông có hài lòng về nội dung Luật PCTN (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua mà không có quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được nguồn gốc? – PV hỏi. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Quốc hội đã thăm dò ý kiến ĐBQH, không có phương án nào đạt quá bán. Thăm dò như vậy cho thấy ĐBQH còn rất băn khoăn Nguyên tắc của chúng ta là cái gì chắn chắn rồi, chín rồi thì đưa vào luật.   

Luật này cũng có quy định biện pháp mạnh hơn, đó là đối với cán bộ, đảng viên kê khai mà xác định thiếu trung thực thì sẽ bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng, nhà nước. Ví dụ, anh ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND nếu bị phát hiện ra thì sẽ bị xóa tên. Như vậy là mạnh mẽ hơn trước đấy chứ.

Đến nay, có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức. Theo ông, đã đến lúc sửa đổi quy định này cho phù hợp với thông lệ quốc tế chưa? – PV hỏi. Ông Phúc trả lời: Đây là chúng ta lấy phiếu tín nhiệm chứ không phải là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ở nước ngoài là họ bỏ phiếu bất tín nhiệm nên mới có hai mức.

Thiện Nhân (ghi)

 

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm