| Hotline: 0983.970.780

Chưa xác định nguyên nhân rừng bạch đàn cháy lá

Thứ Hai 16/10/2023 , 17:22 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Trong thời gian chờ các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân khiến rừng bạch đàn bị cháy lá, người dân đã tự tìm cách để chữa bệnh cho cây.

Chủ rừng và cán bộ xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ kiểm tra rừng bạch đàn bị khô lá. Ảnh: Quang Linh.

Chủ rừng và cán bộ xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ kiểm tra rừng bạch đàn bị khô lá. Ảnh: Quang Linh.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, từ đầu năm 2023, hàng chục ha trồng cây bạch đàn từ 2 đến 3 năm tuổi thuộc vùng rừng sản xuất trên địa bàn xã Văn Hán và xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên xuất hiện hiện tượng bị khô một phần lá hoặc cả phiến lá từ phía dưới gốc lên đến 2/3 thân cây. Một số cây nhỏ dưới 3 năm tuổi có nguy cơ cao bị chết. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra hiện tượng này.

Là người có diện tích rừng sản xuất lớn nhất của xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ với tổng diện tích rừng trồng lên tới 70ha, ông Phạm Văn Long chia sẻ, ba năm trước, sau nhiều chu kỳ khai thác gỗ keo hiệu quả, ông chuyển đổi phần lớn diện tích sang trồng cây bạch đàn.

Từ cuối năm 2022, ông Long phát hiện rừng bạch đàn của gia đình có hiện tượng bạc lá, đỏ lá, khô lá khiến cây có nguy cơ bị chết héo. Tiếp tục theo dõi, vào thời điểm mùa xuân nhưng hiện tượng trên vẫn lan rộng.

Người dân đầu tư máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật để cứu rừng bạch đàn. Ảnh: Quang Linh.

Người dân đầu tư máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật để cứu rừng bạch đàn. Ảnh: Quang Linh.

Sau khi tìm hiểu kỹ càng, ông Long phát hiện thấy cây bị nhện đỏ và bọ xít chích hút. Lớp nõn, mầm non sau khi bị hút hết chất diệp lục khiến cây bạc lá, khô lá làm cây bị tổn thương, dễ bị nấm và rỉ sắt tấn công. Sau đó, ông Long đã tự tìm thuốc bảo vệ thực vật để chữa bệnh cho cây, chủ yếu là thuốc chống bọ xít, nhện đỏ để trừ sâu gây hại. Với diện tích cây bị chuyển sang nấm, rỉ sắt thì ông phun nano đồng.

Thời điểm tháng 5 và tháng 6 vừa qua, một số diện tích bạch đàn của ông đã được cứu sống. Tuy nhiên, vì diện tích quá lớn, đòi hỏi phải xử lý nhanh, đồng loạt trên quy mô rộng, ông đã đầu tư mua một máy bay phun thuốc trị giá hơn 400 triệu đồng.

Sau khi được phun thuốc, cây bạch đàn đã phục hồi, thay lá, sinh trưởng và phát triển bình thường trở lại. Ảnh: Quang Linh.

Sau khi được phun thuốc, cây bạch đàn đã phục hồi, thay lá, sinh trưởng và phát triển bình thường trở lại. Ảnh: Quang Linh.

Trong suốt một tháng vừa qua, những diện tích cây bạch đàn của ông Long đều được phun thuốc bằng máy bay nông nghiệp, đem lại hiệu quả rõ rệt. Cây bạch đàn phục hồi, thay lá, sinh trưởng và phát triển bình thường trở lại. Các hộ dân tại địa phương có rừng cây bạch đàn bị khô lá đều đến đề nghị ông Long cho thuê ca máy để phun thuốc, phục hồi rừng bạch đàn.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo người trồng rừng tại xã Nam Hòa và Văn Hán, để cây bạch đàn sinh trưởng phát triển phục hồi sau khi bị khô lá, nhất là rừng cây bạch đàn trong độ tuổi từ 2 đến 3 năm cần tiếp tục chăm sóc 2 đến 3 lần/năm, phát sạch thực bì cỏ dại, làm cỏ xới đất quanh cây trồng, đường kính xới từ 0,8 đến 1m. Đối với những diện tích rừng dưới 3 năm tuổi, cần bón thúc 1 đến 2 lần/năm, lượng phân bón cho mỗi cây là 0,1 đến 0,2kg NPK/lần. Chi cục cũng đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ phân công cán bộ tăng cường nắm bắt diễn biến tình hình cây bạch đàn bị khô lá và hướng dẫn chủ rừng biện pháp chăm sóc cây trồng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.