Liên kết 2 vạn hộ nông dân
Ông Phan Công Bình, Giám đốc Công ty Công Bình cho biết, hiện Công ty đã xây dựng được chuỗi lúa gạo với việc liên kết khoảng 20 nghìn hộ nông dân ở 5 tỉnh vùng ĐBSCL (gồm Long An, Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu). Đến nay, vùng trồng lúa nguyên liệu mà Công Bình ký hợp đồng lên tới 15 nghìn ha.
Theo ông Bình, nan giải nhất trong liên kết là tình trạng bẻ kèo. Đối tác đứng ra ký hợp đồng liên kết với Công Bình đều là tổ hợp tác, nên không có được sự quản trị và tính pháp lý cao như các HTX. Vì vậy vào thời gian đầu khi công ty thiết lập chuỗi sản xuất, năm 2013-2014, có tới gần 30% số hộ nông dân đã không tuân thủ hợp đồng, họ bán lúa cho thương lái, thay vì bán cho Công ty.
“Vì thấy chúng tôi liên kết với nông dân, làm mất vùng nguyên liệu của thương lái, nên họ luôn tìm cách gây rối, phá hoại liên kết. Nhiều hộ đến ngày gặt, thương lái đến nhà hỏi mua với giá cao vọt. Mua như vậy, thương lái chấp nhận lỗ, nhưng mục đích của họ là khiến nông dân bẻ kèo, vụ sau không được tham gia liên kết nữa, lúc đó thương lái sẽ thu mua với giá lúa thấp”, ông Bình chia sẻ.
Ông Bình đã phải rút kinh nghiệm qua từng vụ lúa, để “hóa giải”. Nhờ vậy, trước đây 30% số hộ nông dân không tuân thủ hợp đồng, thì giai đoạn 2015-2018 tỷ lệ nông dân bẻ kèo chỉ còn 4% và năm 2019 vừa qua đã không còn hộ nào dám bẻ kèo trong hợp đồng liên kết với Công ty nữa.
“Bí quyết” trước hết là giá thu mua phải linh hoạt. Mặc dù hợp đồng ký kết trước khi gieo cấy, trong đó ghi rõ giá thu mua, nhưng đó chỉ là giá sàn để nông dân yên tâm. Mỗi vụ sản xuất, Công ty tiến hành họp 3 lần với đầy đủ các đại diện nông dân, chủ tịch huyện, các phòng ban, hội nông dân, mặt trận tổ quốc huyện, lãnh đạo các xã.
Trước khi thu hoạch 10 ngày, thì có cuộc họp các bên để chốt giá thu mua trên cơ sở giá thị trường và không thấp hơn giá sàn. Đến ngày thu hoạch, nếu giá thị trường tăng vượt cao hơn 200 đồng/kg so với giá đã chốt, thì lấy giá chốt cộng với giá thị trường rồi chia đôi. Nếu thị trường tăng chưa tới 200 đồng, thì sẽ giữ nguyên giá đã chốt.
Công ty được sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền, các đoàn thể ở địa phương đến từng nhà vận động nông dân tuân thủ hợp đồng. Về phía Công ty cũng tự đưa ra chế tài, hộ nào bẻ kèo một vụ, thì vụ sau không cho tham gia liên kết. Với những hộ đến năn nỉ cho ký hợp đồng tiếp, thì phải trả lại tiền mà doanh nghiệp đã ứng trước đầu vụ, cộng thêm với số tiền bị phạt tương đương, tức là họ phải nộp 20 triệu đồng/ha.
“Giá gạo RVT hữu cơ tôi bán vào các siêu thị ở Hà Nội với giá lên tới 40 nghìn đồng kg, tương đương với 1.900 USD/tấn. Trong khi giá XK cũng loại đó, tôi bán cao nhất mới 800 USD/tấn. Nhưng thị trường trong nước không tiêu thụ hết, nên tôi phải xuất đi nước ngoài”, ông Bình nói.
Xây dựng thương hiệu từ gốc
Ông Bình cho hay, trước đây, khi chưa có liên kết chuỗi, Công ty Công Bình cũng như hầu hết các doanh nghiệp XK gạo khác, đến mùa mới đi thu mua lúa của nông dân, khiến chất lượng lúa không đảm bảo.
Lúa thơm sau khi gặt và xay xát chỉ thơm ngon trong vòng 2-3 tuần. Sau một tháng thì gạo sẽ giảm phẩm chất lượng. Vụ này anh XK gạo ngon, nhưng vụ sau gạo không ngon thì đối tác sẽ không mua nữa.
Từ khi có liên kết chuỗi, nông dân không chỉ tuân thủ giống và quy trình canh tác do doanh nghiệp dưa ra, mà Công ty còn phân bổ theo từng tổ hợp tác liên kết xuống giống vào các ngày khác nhau. Công ty bố trí sản xuất luôn phiên, để đảm bảo gạo lúc nào cũng là mới thu hoạch, lúc nào cũng tươi. Nhờ vậy, ngày nào cũng có lúa gặt mới để đưa vào nhà máy xay xát và XK luôn.
Do đó, không có lô hàng nào của Công ty bị để tồn kho quá 2 tuần, đã giữ cho chất lượng gạo luôn thơm ngon.
Nhờ vậy, lượng gạo hợp đồng XK luôn ổn định về số lượng theo ngày, theo tháng. Giờ đây, chỉ cần nhìn thấy trên bao gạo có chữ Công Bình thôi, là các đối tác mua hàng ở Trung Quốc và các quốc gia khác rất tín nhiệm.
Theo ông Bình, chuỗi sản xuất phải đi liền với xây dựng thương hiệu lúa gạo. Hiện thị trường tiêu thụ của Công Bình đang đi theo cả 2 hướng: nội địa và XK. Người tiêu dùng gạo ở Việt Nam chịu chi hơn người tiêu dùng trên thế giới, nhờ vậy giá bán gạo cao cấp ở trong nước hiện cao gấp nhiều lần giá quốc tế.
Những thị trường XK gạo thơm nhiều nhất của Công Bình là Trung Quốc, Singapore, Philipines, Malaysia, Canada, Anh, Pháp. Sản phẩm của Công Bình đã tạo dựng được tên tuổi trên thị trường thế giới với 2 nhãn hiệu gạo thơm cao cấp: “Công Bình rice” và “Sông Vàm rice”. Gạo nguyên liệu của Công ty là các giống lúa thơm chất lượng cao như Nàng Thơm Chợ Đào, RVT… được canh tác theo 2 quy trình là lúa gạo hữu cơ và lúa gạo GlobalGAP.