| Hotline: 0983.970.780

Chuỗi ngành rau phía Bắc: Nông hộ e ngại rủi ro, thương lái hạn chế tài lực

Thứ Năm 16/02/2023 , 10:39 (GMT+7)

Trung bình mỗi hộ gia đình chỉ có chưa đến hai thương lái đến thu mua. Đa số các hộ bị hạn chế khả năng thương lượng giá cả hay đảm bảo về đầu ra.

Ngày 15/2 tại Hà Nội, Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Đại học De Monfort - Vương quốc Anh, Vụ KHCN-MT (Bộ NN-PTNT), một số đơn vị thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Xã hội học tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Sự đàn hồi của mạng lưới cung ứng nông sản tại Việt Nam”.

Hội thảo “Sự đàn hồi của mạng lưới cung ứng nông sản tại Việt Nam” được tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào ngày 15 tháng 2.

Hội thảo “Sự đàn hồi của mạng lưới cung ứng nông sản tại Việt Nam” được tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào ngày 15/2.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phạm Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Sinh thái nông nghiệp (CARES), chia sẻ: “Gia tăng dân số, toàn cầu hóa, đô thị hóa đã dẫn đến tính phân mảng rất lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Suy thoái môi trường và những hậu quả liên đới như dịch bệnh, thiên tai, mâu thuẫn giữa các quốc gia,... đã khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy. Điều này có nghĩa là, trong quá trình đối mặt với các vấn đề môi trường cũng như các thảm họa liên quan, chúng ta sẽ thấy chuỗi cung ứng càng trở nên mỏng manh. Đây cũng là vấn đề được Đại học De Montfort tập trung nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp để làm sao chuỗi cung ứng nông sản ở mô hình địa phương nói riêng và toàn cầu nói chung gia tăng tính bền vững”.

Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ là một trong những yếu tố cốt lõi trong việc xóa đói giảm nghèo, cùng với tạo việc làm và giữ gìn hệ sinh thái ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, nó còn là nguồn cung quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức khi xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, từ việc giảm nghèo ở các nước đang phát triển đến đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho các nước phát triển. Không những thế, hiện nay, các phương pháp canh tác truyền thống và mô hình sản xuất ở các nước đang phát triển còn phải đối mặt với biến đổi khí hậu.

PGS.TS Lương Tuấn Anh, Đại học De Montfort – Vương quốc Anh.

PGS.TS Lương Tuấn Anh, Đại học De Montfort – Vương quốc Anh.

Hạn chế ở cả thương lái và nông hộ

Được tài trợ bởi British Academy, dự án “Mạng lưới thu mua nông sản ở Việt Nam” được nhóm nghiên cứu gồm PGS.TS Lương Tuấn Anh - Đại học De Montfort, TS Ngô Trung Thành - Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp và các chuyên gia thực hiện từ năm 2020 đến nay với mục tiêu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về hệ thống phân phối nông sản, cụ thể là mặt hàng rau tại Hà Nội, định lượng khả năng thích ứng của mạng lưới thu mua nông sản, tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự kém phát triển của mạng lưới thu mua nông sản, từ đó đề xuất các biện pháp cho các tác nhân trong mạng lưới.

Khảo sát được thực hiện tại ba địa phương, gồm xã Vân Hội (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội), và thôn Côi Hạ, xã Phạm Trần (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Trồng trọt, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính ở ba xã này trong thời gian dài. Các thông tin về nhân khẩu học, các loại rau được trồng, thu nhập từ hoạt động sản xuất đã được thu thập từ mẫu dữ liệu gồm 176 hộ gia đình ở Văn Hội, 180 hộ gia đình ở Văn Đức và 123 hộ gia đình ở Phạm Trần. Bên cạnh đó, các hình thức, chiến lược mua bán, mối quan hệ với người mua cũng như các yếu tố hành vi cũng được khảo sát.

Kết quả phân tích và đánh giá cho thấy tính đa dạng trong mạng lưới mua bán ở ba xã, tuy nhiên, nhìn chung khả năng phục hồi mạng lưới giao thương nông sản còn thấp. Trung bình mỗi hộ gia đình chỉ có chưa đến hai thương lái đến thu mua (1,7 thương lái/nông hộ). Các hộ sản xuất bị hạn chế khả năng thương lượng giá cả do không có nhiều kênh để bán cho các thương lái. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro trong trường hợp thương lái không kết nối được với hộ gia đình hoặc không thu mua, khiến người nông dân không bán được hàng, ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người dân.

Về một số trở ngại khi mở rộng hệ thống phân phối, nghiên cứu chỉ ra rằng các thương lái phải mất nhiều thời gian để làm việc với hộ nông dân, trong khi đó các hộ nông dân có xu hướng không làm việc với nhiều thương lái chủ yếu do tâm lý e ngại rủi ro. Đa số các thương lái chỉ làm việc với ít hơn 10 hộ gia đình do chi phí để mở rộng mạng lưới phân phối khá lớn, vì vậy cần có một số giải pháp để gia tăng tương tác giữa người dân và thương lái, mà trong đó số hóa có thể được cân nhắc như một phương án hiệu quả.

Thay vì thương lái phải đến từng ruộng tham quan, các hộ nông dân sẽ cung cấp các hình ảnh về nơi sản xuất và quá trình sản xuất lên một hệ thống điện tử. Các thương lái có thể quan sát và đánh giá chất lượng ruộng trên các nền tảng đó.

Về giải pháp đối với các hộ nông dân, PGS.TS Lương Tuấn Anh cho rằng cần hỗ trợ giảm thiểu xu hướng e ngại rủi ro của người dân, giúp họ nhận ra sự quan trọng của việc phát triển mạng lưới nông sản, từ đó mở rộng mối quan hệ với các thương lái.

FC5DE5B7-6CBA-4F37-8A9E-BB743BFB9C30

Chăm sóc vườn rau vụ đông.

Vẫn cần nghiên cứu sâu hơn, dài hơi hơn

Tại buổi hội thảo, đại diện Vụ KHCN-MT đã chia sẻ một số ý kiến sau khi lắng nghe các kết quả nghiên cứu của dự án. “Tại Việt Nam, thông thường các chuỗi cung ứng nông sản được định hình dựa trên sản phẩm chính. Trong một chuỗi có quá nhiều sản phẩm với các giá trị khác nhau sẽ rất khó để định hình sự ổn định của chuỗi trong quá trình hoạt động. Lấy ví dụ về các đối tượng được khảo sát, nếu không chia rõ các nhóm nông sản chủ lực của từng khu vực, chúng ta sẽ không thể thấy rõ tác động của sản phẩm lên toàn chuỗi.

Rau có nhiều loại, và hình thức, quy mô canh tác của từng loại có điểm khác biệt, do đó rủi ro đến với từng nhóm nông dân cũng rất khác nhau. Do số lượng mẫu dữ liệu có hạn, có thể tách kết quả khảo sát thành một số nhóm chính, từ đó kết quả nghiên cứu, đánh giá rủi ro và các khuyến cáo về chính sách sẽ trở nên rõ ràng hơn”.

Theo TS Hoàng Sỹ Thính (Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), nghiên cứu ở thời điểm hiện tại chủ yếu đề cập đến hệ thống thu mua, hộ sản xuất và thương lái, tuy nhiên vẫn còn hạn chế do dự án chưa xác lập một khuôn khổ cụ thể. “Nghiên cứu đưa ra số liệu 1,7 thương lái/nông hộ và cho rằng con số này biểu thị sự hạn chế, nhưng câu hỏi đặt ra là tiêu chuẩn nào giúp chúng ta khẳng định luận điểm đó.

Thực tế có tồn tại một số hệ thống không cần thương lái. Nông dân có thể tham gia các hợp tác xã hoặc các chuỗi ngắn, ví dụ như phong trào tự cung tự cấp giúp giảm thiểu hàng tồn, giảm phát thải trong canh tác hay sự mất cân xứng về thông tin. Các hộ nông dân sản xuất rau quanh địa bàn Hà Nội có thể tham gia các cộng đồng, cung cấp trực tiếp cho các chung cư. Vì vậy, cần xác lập một khuôn khổ cụ thể để xác định hướng nghiên cứu theo khả năng thích ứng trong hoạt động buôn bán, khả năng thích ứng với thị trường hay khả năng thích ứng của chuỗi phân phối, từ đó công tác triển khai nghiên cứu sẽ rõ ràng hơn”.

Dự án đã mở ra những hướng nghiên cứu mới về thực trạng và các giải pháp cải thiện hệ thống phân phối thực phẩm ở Việt Nam. Chúng tôi hy vọng các kết quả của dự án sẽ là tiền đề để phát triển dự án trong tương lai, với sự hợp tác của trường Đại học De Montfort, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, và sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ NN-PTNT.

PGS.TS Lương Tuấn Anh, Đại học De Montfort - Vương quốc Anh.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.