| Hotline: 0983.970.780

Chuối tây phát triển 'nóng' dễ lao đao

Thứ Tư 14/04/2021 , 17:55 (GMT+7)

So với nhiều cây trồng khác, chuối tây đang cho người dân ở Tuyên Quang hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên việc mở rộng quy mô diện tích cần được cân nhắc.

Những năm gần đây, với đặc điểm dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, chuối tây đã trở thành cây trồng có giá trị kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Đặc biệt chuối tây là cây trồng có tiềm năng xuất khẩu. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Tuyên Quang có 2.173 ha chuối, trong đó diện tích cho thu hoạch 1.944 ha. Cây chuối tây dược trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn và Sơn Dương…, sản lượng quả 17.635 tấn/năm.

Cây chuối tây đang được nhiều hộ dân ở Tuyên Quang lựa chọn trồng để phát triển kinh tế. Ảnh: Đào Thanh.

Cây chuối tây đang được nhiều hộ dân ở Tuyên Quang lựa chọn trồng để phát triển kinh tế. Ảnh: Đào Thanh.

Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích một cách ồ ạt khiến cây chuối tây cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ cũng như phát sinh dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt.

Anh Nguyễn Như Hoàn, thôn Vông Vàng 2, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn trồng hơn 23 ha chuối trên vùng đất soi bãi, đất đồi của quê hương. Anh Hoàn cho biết, hiện nay do các địa phương ồ ạt mở rộng diện tích nên giá chuối đang có xu hướng giảm khiến người trồng thu lãi rất thấp. Bên canh đó, với những diện tích đã trồng và cho thu hoạch từ 2 đến 3 vụ, nếu không đảo chu kỳ trồng các giống cây khác thì rất dễ bị mắc các loại nấm gây chết yểu.

Giống như gia đình anh Hoàn, người trồng chuối tây tại các xã Kiến Thiết, Xuân Vân (huyện Yên Sơn); Kim Bình, Linh Phú (huyện Chiêm Hóa) cũng đang gặp khó khi giá chuối đang chạm đáy. Có thời điểm, chuối chỉ còn chưa đầy 2.000 đồng/kg.

Đại diện lãnh đạo xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn cho biết, nếu không thực hiện tốt việc kết nối tiêu thụ, dự đoán trong vụ tới, người dân trên địa bàn xã sẽ phá bỏ 100 ha cây chuối tây để chuyển đổi sang cây trồng khác. 

Một thực tế dễ nhận thấy, đó là thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm chuối quả của tỉnh Tuyên Quang và các địa phương khác trong cả nước là chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi thế khi thị trường Trung Quốc đóng băng, người trồng chuối gặp không ít khó khăn.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang thì từ khi dịch bệnh Covid -19 xuất hiện, thị trường tiêu thụ khó khăn, sản phẩm chuối quả tiêu thụ chậm, giá bán giảm.

Do vậy, nhiều vườn đã bỏ không chăm sóc, không thu hoạch cùng với đó một số diện tích chuối trồng nhiều năm nên đã già cỗi. Trên vườn chuối đã xuất hiện một số sâu bệnh đang phát sinh gây hại như: Bệnh vàng lá, bệnh héo rũ, bệnh do virus gây khảm lá, chùn ngọn, sâu đục thân…gây hại.

Ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo các địa phương cần xây dựng mô hình sản xuất, thâm canh, gắn với cấp mã số vùng trồng với cây chuối tây. Ảnh: Đào Thanh.

Ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo các địa phương cần xây dựng mô hình sản xuất, thâm canh, gắn với cấp mã số vùng trồng với cây chuối tây. Ảnh: Đào Thanh.

Để cây chuối tây phát triển ổn định, bền vững theo đúng quy hoạch, kế hoạch và định hướng phát triển của tỉnh, Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trồng và chăm sóc chuối theo đúng hướng dẫn kỹ thuật; làm tốt công tác dự tính dự báo sâu bệnh hại trên cây chuối, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, không để sâu bệnh phát sinh thành dịch.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, quan điểm của tỉnh Tuyên Quang là khuyến cáo người dân chỉ mở rộng diện tích trồng chuối khi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương cần chủ động đưa cây chuối vào kế hoạch sản xuất của địa phương; phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách và thành lập các tổ nhóm, hợp tác xã liên kết trồng, tiêu thụ chuối.

Hạn chế dịch bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng, tỉnh Tuyên Quang cũng yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng giống chuối đưa vào trồng trên địa bàn. Yêu cầu cây giống phải sạch bệnh, có nguồn gốc xuất sứ, chất lượng cây giống đồng đều.

Cùng với đó, các địa phương cần xây dựng mô hình sản xuất, thâm canh, gắn với cấp mã số vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.