| Hotline: 0983.970.780

Chương trình OCOP: Cần điều chỉnh để hoàn thiện hơn

Thứ Tư 24/06/2020 , 16:19 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục rà soát, lắng nghe ý kiến phản hồi để kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn giúp các địa phương triển khai chương trình OCOP một cách hiệu quả.

Sáng 24/6, Văn phòng điều phối NTM Trung ương đã triển khai lớp tập huấn Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OCOP) các tỉnh phía Nam tại TPHCM.

Tham dự và chỉ đạo lớp tập huấn có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, đại diện các Bộ, ngành trong Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; cán bộ một số Cục, vụ, viện, trường thuộc Bộ NN-PTNT.

Về phía địa phương có đại diện các Sở NN-PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới các tỉnh, thành phố; Các Sở Công thương; Khoa học và Công nghệ…các tỉnh phía Nam.

Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo các trường, hiệp hội, công ty, chuyên gia tham gia Chương trình OCOP; Một số chủ thể OCOP được đề xuất sản phẩm (5 sao) đánh giá, phân hạng cấp quốc gia năm 2020.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam trình bày chuyên đề đầu tiên: 'Tổng quan Chương trình OCOP' tại buổi tập huấn. Ảnh: Hồng Thủy.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam trình bày chuyên đề đầu tiên: “Tổng quan Chương trình OCOP” tại buổi tập huấn. Ảnh: Hồng Thủy.

Nội dung lớp tập huấn tập trung vào 7 chuyên đề: Tổng quan Chương trình OCOP: Quan điểm, mục đích, ý nghĩa, nội dung, nhiệm vụ chương trình phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn; Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; Những điểm mới trong tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; Bộ tiêu chí Dịch vụ du lịch và điểm du lịch; Tài liệu tập huấn kiến thức cơ bản triển khai Chương trình OCOP; Quy chế quản lý Chương trình OCOP; Quy định triển khai Chu trình OCOP và các chính sách thực hiện Chương trình OCOP.

Sau 2 năm triển khai Quyết định số 490/QĐ-TTg và gần 1 năm Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), 63/63 tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức xây dựng, trong đó có 61 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án, kế hoạch cấp tỉnh. Đến hết tháng 4/2020, cả nước đã có 32 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng cho 1.711 sản phẩm (đạt 71,3% so với kế hoạch là 2.400 sản phẩm) của 986 chủ thể tham gia Chương trình OCOP (trong đó, có 22 sản phẩm đề xuất 5 sao; 604 sản phẩm đạt 4 sao và 1.085 sản phẩm 3 sao).

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 5 từ phải qua) dự Hội chợ OCOP Cần Thơ. Ảnh: Thanh Ngoan.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 5 từ phải qua) dự Hội chợ OCOP Cần Thơ. Ảnh: Thanh Ngoan.

Trình bày chuyên đề đầu tiên: “Tổng quan Chương trình OCOP”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nói: Trên thế giới, chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OCOP), đã có ở hơn 40 nước khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh… mặc dù tên gọi chương trình của các nước không giống nhau hoàn toàn, nhưng mục đích thì như nhau, đó là mỗi địa phương xác định rõ đâu là những sản phẩm lợi thế của mình, để từ đó tập trung đầu tư, phát triển sản phẩm đó.

Nhật Bản là nước tiên phong và rất thành công với chiến lược phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng đầu tư các nguồn lực, sản phẩm sẵn có tại mỗi địa phương.Tại Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (Chương trình OCOP) vào năm 2013. Hiện Quảng Ninh đã có trên 300 sản phẩm OCOP được xếp hạng.

Tiếp nối thành công của Quảng Ninh, những năm sau đó, nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng bắt tay vào triển khai chương trình. Nhưng, để chương trình thành công bền vững, cần có một lộ trình, cần có những điều chỉnh phù hợp trong bộ tiêu chí, cách làm, cách đánh giá, chấm hạng sao sản phẩm…

Bến Tre là một trong 12 tỉnh điểm của cả nước thực hiện chương trình OCOP. Hiện tỉnh này đã có 265 sản phẩm OCOP của 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, du lịch, thảo dược, lưu niệm, nội thất, các các sản phẩm nông nghiệp khác. Phấn đấu đến hết năm 2020, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và có từ 30 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Ảnh: Hồng Thủy.

Bến Tre là một trong 12 tỉnh điểm của cả nước thực hiện chương trình OCOP. Hiện tỉnh này đã có 265 sản phẩm OCOP của 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, du lịch, thảo dược, lưu niệm, nội thất, các các sản phẩm nông nghiệp khác. Phấn đấu đến hết năm 2020, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và có từ 30 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Ảnh: Hồng Thủy.

Chương trình OCOP không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở nông thôn như giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương thông qua các chương trình phát triển ngành nghề nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường.

Cũng trong buổi triển khai lớp tập huấn, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận thiết thực từ kinh nghiệm thực tế triển khai Chương trình tại các đơn vị, địa phương. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đang tiếp tục rà soát, lắng nghe ý kiến phản hồi từ các địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các đơn vị đào tạo, tư vấn để kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn giúp các địa phương triển khai chương trình OCOP một cách hiệu quả.

“Nhưng muốn làm tốt chương trình OCOP thì chúng ta không chỉ có nói hay mà làm sao để truyền đạt được những cái hay đó đến tai người nông dân, và ta cùng làm với họ. Tôi cũng lo là chúng ta chạy theo hình thức trong chấm hạng sao. Để rồi sản phẩm đạt 4 sao, thậm chí 5 sao, nhưng chất lượng thì chưa đạt. Hoặc đạt rồi nhưng lại không duy trì được chất lượng đúng với hạng. Việc chấm hạng sao thời gian qua cũng có vấn đề…và chúng tôi đang có những điều chỉnh. Hãy làm sao để sản phẩm của địa phương mình trở thành một thương hiệu, một sản phẩm đặc thù mà chỉ cần nhắc đến là tất cả mọi người đều biết đó là quê hương mình”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.