| Hotline: 0983.970.780

Chương trình OCOP ghi dấu ấn tại Nghệ An

Thứ Ba 03/11/2020 , 08:26 (GMT+7)

Qua gần 2 năm triển khai, chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm đang lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn Nghệ An, kết quả bước đầu rất tích cực.

Khu vực miền núi Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: Việt Khánh.

Khu vực miền núi Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: Việt Khánh.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Nghệ An nằm trong tốp đầu cả nước về số lượng các sản phẩm đạt sao OCOP. Đến tháng 9/2020, sơ bộ các địa phương trên địa bàn đã lựa chọn được khoảng 60 sản phẩm để hoàn thiện hồ sơ thực hiện đánh giá phân hạng. Với nhịp độ này, mục tiêu có 90 sản phẩm đạt sao trong năm 2020 hoàn toàn khả thi.

Xét tổng thể, Nghệ An hội tụ các yếu tố để triển khai chương trình, kết quả bước đầu càng củng cố vững chắc quan điểm này. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, toàn tỉnh đã cơ cấu lao động hợp lý, vừa tận dụng được nguồn nhân lực, lại bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát triển theo hướng bền vững. 

Qua gần 2 năm triển khai, chương trình OCOP đã thực sự đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng. Hiện 21/21 huyện, thành, thị đã phê duyệt kế hoạch thực hiện. 

Qua khảo sát, các sản phẩm sau khi được công nhận đạt 3 sao OCOP trở lên nhờ được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nên từng bước tạo dựng được uy tín, qua đó củng cố vững chắc niềm tin đối với số đông người tiêu dùng. Điển hình là các mặt hàng của Công ty CP Dược liệu Pù Mát (cà gai leo, dây thìa canh, giảo cổ lam…), riêng doanh thu bán hàng trong 8 tháng đầu năm 2020 đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2019…

Xác định chủ thể của chương trình là do các thành phần kinh tế tư nhân, do đó để phát triển và nâng tầm chất lượng OCOP, nhất thiết phải ban hành chủ trương, chính sách… nhằm hỗ trợ, kích cầu.

Rượu men lá Con Cuông nức tiếng là sản phẩm hội tụ yếu tố để gắn sao trong tương lai. Ảnh: Việt Khánh.

Rượu men lá Con Cuông nức tiếng là sản phẩm hội tụ yếu tố để gắn sao trong tương lai. Ảnh: Việt Khánh.

Xuất phát từ quan điểm trên, từ cuối năm 2019 Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An đã tham mưu để Sở NN-PTNT trình UBND, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP” và “Chương trình công tác năm 2020 của UBND tỉnh”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua Chi cục đã tích cực tham mưu cho Sở NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo đề cương Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chính sách áp dụng cho chương trình giai đoạn 2021 – 2025.

Theo ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Nghệ An, chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP là giải pháp thiết thực, sẽ để góp phần quan trọng thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để phát triển bền vững đòi hỏi sự chung tay của tất cả, nhất quyết không làm theo hình thức đối phó, không chạy theo phong trào.

Xuất phát từ đòi hỏi thực tế, cấp ngành chuyên môn xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn để cán bộ và nhân dân, đặc biệt là các chủ thể tham gia hiểu được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và tầm quan trọng của chương trình mang lại. Qua đó phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần sáng tạo nhằm hướng đến những mục tiêu đã vạch sẵn.

Chè Thanh Chương đã khẳng định được thương hiệu từ lâu. Ảnh: Việt Khánh.

Chè Thanh Chương đã khẳng định được thương hiệu từ lâu. Ảnh: Việt Khánh.

Cùng với đó, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm túc quy trình 6 bước, đặc biệt phải dựa trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”. Trong quá trình đánh giá phân hạng phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, không nể nang, chạy theo số lượng mà coi nhẹ chất lượng.

Về mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh áp dụng cho giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030, Nghệ An sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô thị trường tiêu thụ, hướng đến mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm đã đạt sao OCOP.

Trước mắt, phấn đấu có ít nhất 150 sản phẩm OCOP năm 2025; phát triển từ 2 - 3 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; phát triển ít nhất 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao…

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.