Đại ngàn khoe sắc
Mảnh đất Con Cuông (Nghệ An) khó nhọc thuở nào đang vươn mình mạnh mẽ, cuộc sống của đồng bào nơi miền nắng gió thực sự đủ đầy, sung túc hơn. Những đồi chè xanh mướt mắt, những vườn cây có múi nặng trĩu quả, những bản làng du lịch cộng đồng nườm nượp thực khách, tất thảy như nói hộ sự thay mới kinh ngạc của miền Trà Lân.
Tín hiệu tích cực không ngẫu nhiên mà đến, để thu về thành quả hôm nay là tổng hòa của nhiều yếu tố, nó bắt nguồn từ chính sách của Đảng và Nhà nước, từ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp lãnh đạo, trên hết là ý thức vượt khó của chính đồng bào.
Trong bước tranh đầy tươi mới, chương trình OCOP – Mỗi xã một sản phẩm đã và đang tạo nên sức bật lớn. Nền móng vững chắc tạo dựng trước đó là cơ sở hướng đến thành công, giai đoạn 2015-2019 với sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp và nhân dân, tình hình KT-XH chuyển biến tích cực, duy trì đà phát triển khá toàn diện trên tất cả các mặt.
Riêng khu vực nông thôn, năng lực sản xuất từng bước được cải thiện. Các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ dần hình thành, nổi bật hơn cả là 3 mặt hàng hội tụ tiêu chuẩn 4 sao OCOP (trà túi lục cà gai leo, trà túi lọc giây thìa canh, trà túi lọc Giảo cổ lam của công ty dược liệu Pù Mát).
Ngoài ra phải kể đến hơn 60 sản phẩm, địa điểm tiềm năng được thị trường và số đông khách du lịch ghi nhận, như: Thổ cẩm, du lịch cộng đồng bản Xiềng; lịch sử Cây đa Cồn Chùa; di tích lịch sử nhà cụ Vi Văn Khang; du lịch sinh thái Pha Lài; cộng đồng bản cổ người Đan Lai bản Búng, Cò Phạt; đặc sản cá mát, cá lăng, cá láu sông Giăng; rượu men lá… Theo đánh giá, những sản phẩm này có thể đáp ứng những yêu cầu của chương trình OCOP đặt ra.
Các sản phẩm tiềm năng được tổ chức sản xuất theo hướng quy mô, bước đầu hình thành các làng nghề, gia trại, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đến năm 2019 đã có 2 làng nghề, 3 làng, bản du lịch cộng đồng, 1 khu du lịch sinh thái, 31 trang trại, 24 hợp tác xã, 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, sản xuất dược liệu, chế biếu rượu.
Bên cạnh mặt tích cực, nhìn chung các sản phẩm trong khu vực nông thôn vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Điều này xuất phát phần nhiều từ thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn khiêm tốn, quá trình khai thác tài nguyên (vật chất và phi vật chất) vẫn ảnh hưởng nhiều đến môi trường xung quanh, qua thời gian làm cạn kiệt dần nguồn gen quý (dược liệu, Mác Khẻn, cá mát, cá lăng…)
Công tác xúc tiến và thương mại sản phẩm dù có những bước đi ban đầu nhưng nhìn chung chưa tạo dựng được thị trường ổn định, giá cả khá bấp bênh.
Dễ thấy, nếu sớm tìm ra giải pháp gỡ những nút thắt, chương trình OCOP không chỉ nâng tầm địa bàn Con Cuông mà còn góp phần thay đổi cả bộ mặt miền Tây xứ Nghệ.
Xác định hướng đi
Từ những vấn đề đặt ra, huyện Con Cuông đã xác định rõ giải pháp phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ trong thời gian tới.
Dự kiến đến 2025 sẽ thực hiện tái chuyển dịch kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiêp bằng cách tập trung hỗ trợ, khuyến khích các mô hình sản xuất quy mô lớn, áp dụng theo hình thức doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
Thứ hai, khai thác tối đa lợi thế của vùng (có độ che phủ cao nhất nước; có Vườn Quốc gia Pù Mát, khu bảo tổn thiên nhiên Pù Huống, Trung tâm khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An…) để xây dựng kế hoạch phát triển cho từng sản phẩm, đảm bảo khai thác ở mức cao nhất.
“Mục tiêu cụ thể là hình thành hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP đồng bộ từ huyện đến xã, theo khung điều hành chung phù hợp với điều kiện thực tiễn”, ông Lô Văn Lý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Con Cuông.
Kế hoạch năm 2020 sẽ hoàn thiện, nâng cấp và chuẩn hóa 8 sản phẩm tiềm năng, lợi thế (cam Con Cuông, trà dược liệu, rượu men lá; mây tre đan bản Diềm; khu du lịch sinh thái Pha Lài; du lịch cộng đồng Bản Nưa; du lịch cộng đồng bản Xiềng; Du lịch cộng đồng bản Khe Rạn) để được đánh giá, xếp hạng, công nhận sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao; tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 30 sản phẩm.
Đến năm 2025 đảm bảo mỗi xã đều có ít nhất một sản phẩm chuẩn hóa đạt từ hạng 3 sao. Triển khai thực hiện từ 2-3 làng, bản du lịch cộng đồng; 2 khu du lịch sinh thái. Đồng thời củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP, phấn đấu phát triển mới 5 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình.