Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành nông nghiệp, UBND các huyện, xã trên địa bàn đã tổ chức đồng loạt các biện pháp để thực hiện các quy định của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Quảng Trị về quản lý chất lượng và ATTP, nhất là trong bối cảnh hiện nay các mặt hàng nông sản chủ yếu chiếm lĩnh thị trường thông qua các sàn thương mại điện tử.
Xây dựng chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất đến thành phẩm và xây dựng quy trình chế biến tuân thủ các tiêu chí đảm bảo ATTP theo tiêu chuẩn ISO 22000: 2018 là hướng đi HTX Nông nghiệp sạch Đông Triều (xã Triệu Tài, Triệu Phong) đang tích cực triển khai. Với sản phẩm chủ yếu là bột tía tô, diếp cá, rau má, miến rau củ, HTX đã đăng ký nhãn mác, thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc.
Tại Công ty Dược liệu hữu cơ An Xuân (Thị trấn Cam Lộ), hiện đã cho ra thị trường 16 sản phẩm dược liệu các loại, trong đó năm 2020 có 2 sản phẩm của Công ty đã được tỉnh cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Quá trình sản xuất, từ quy trình trồng, chăm sóc đến thu hoạch sản phẩm, đều đảm bảo đúng theo quy trình hữu cơ. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ tiên phong đăng ký xây dựng đơn vị nông trại kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới với 3 tiêu chí về chất lượng, vệ sinh ATTP và bảo vệ môi trường.
Đến nay, công tác quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản của Quảng Trị đã đạt được kết quả tích cực: 100% các cơ sở chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản được thẩm định, đạt xếp loại A, B về đủ điều kiện ATTP trong chế biến sản phẩm; 398/411 (tỷ lệ 97%) cơ sở chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP; 21.653/26.027 (83,2%) cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc diện ký cam kết sản xuất kinh doanh sản phẩm an toàn đã thực hiện ký cam kết.
Kết quả lấy mẫu giám sát ATTP đối với các sản phẩm rau, củ quả, thịt, sản phẩm từ thịt và thủy sản lưu thông trên thị trường hàng năm cho thấy tỷ lệ các mẫu vi phạm ATTP giảm dần qua từng năm (năm 2021chỉ còn 0,17%).