Trước đây, gia đình ông Bế Văn Mai (thị trấn Nông trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình) có hơn 10 hecta trồng cao su. Sau khi vườn cao su bị bão làm gãy đổ và giá cao su xuống thấp, ông chuyển hướng trồng những cây có giá trị cao để phát triển kinh tế gia đình.
Trên diện tích đất chuyển đổi cây trồng, ông Mai phân khu và dành khoảng 2 ha để trồng cây hồ tiêu. Ông Mai dành thời gian đến những gia đình có vườn tiêu đẹp trên vùng đồi để học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây trồng. “Đất đồi dễ bị bạc màu nếu không có chế độ chăm sóc cây trồng phù hợp. Vì vậy, tôi chọn cách trồng cây theo hướng hữu cơ để đất ổn định và giữ độ phì nhiêu lâu dài”, ông Mai nói.

Ông Bế Văn Mai chăm bón vườn tiêu trồng theo hướng hữu cơ của gia đình. Ảnh: T. Phùng.
Nhờ được bón phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai nên vườn hồ tiêu của ông xanh tốt hơn những vườn khác trong vùng. Theo ông Mai, cây tiêu trên vùng đồi miền tây huyện Bố Trạch có vụ ra hoa vào tháng 9-10 hàng năm và thu hoạch vào khoảng tháng 6.
Mỗi năm ông Mai bón phân cho hồ tiêu hai lần. Phân hữu cơ bón chính vụ vào tháng 7-8 để tăng dinh dưỡng cho cây ra hoa. Lần bón dặm thứ hai vào khoảng cuối tháng 2 cho cây giữ sức nuôi hạt căng, tròn. “Nhờ vậy mà cây tiêu phát triển tốt trên trụ. Cây có sức nên hạn chế được các loại sâu bệnh hại, cho năng suất cao”, ông Mai cho hay.
Hiện vườn hồ tiêu của ông Mai đã cho thu hoạch chính vụ. Năm ngoái, mỗi hecta hồ tiêu cho thu hoạch gần 2,5 tấn hạt tiêu khô. Ông Mai nói: ‘Với giá bán 1,6 triệu đồng/kg, gia đình tôi có thu nhập gần 400 triệu đồng mỗi hecta, trừ các khoản chi phí đầu tư thì cũng còn dư trên dưới 200 triệu đồng”.
Sau khi thử nghiệm mô hình nhỏ và phát triển lên diện tích lớn, ông Mai có kế hoạch tăng dần diện tích hồ tiêu lên 5-7 ha để tăng thu nhập. Hơn nữa, ông cũng cho rằng, so sánh với các cây trồng khác thì canh tác cây hồ tiêu trên vùng đồi đỡ vất vả hơn. “Cây tiêu chỉ đầu tư và chăm bón ở giai đoạn trồng, phát triển. Đến khi cây có thu hoạch thì công chăm sóc cũng ít hơn và dễ dàng hơn", ông Mai chia sẻ.

Huyện Bố Trạch quy hoạch vùng tiêu gò đồi để xây dựng thương hiệu và định hướng xuất khẩu. Ảnh: T. Phùng.
Thị trấn Nông trường Việt Trung có diện tích trồng cây hồ tiêu lớn nhất của huyện Bố Trạch. Theo bà Trần Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung, hiện trên địa bàn có tổng diện tích trồng hồ tiêu gần 200 ha, trong đó có gần 180 ha đã cho thu hoạch. “Năm ngoái, tiêu được mùa, được giá nên nhiều gia đình đã tăng diện tích trồng và áp dụng kỹ thuật trồng hướng hữu cơ để tăng dinh dưỡng đất, cây trồng phát triển lâu bền và cho năng suất cao”, bà Nguyệt nói thêm.
Huyện Bố Trạch cũng là địa phương có diện tích hồ tiêu vùng đồi lớn của Quảng Bình. Tổng diện tích trồng tiêu gần 650 ha, tập trung vào các địa phương có thế mạnh vùng gò đồi như thị trấn Nông trường Việt Trung, xã Phú Định, xã Tây Trạch, xã Phúc Trạch…
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bố Trạch, mấy năm trước, huyện đã chỉ đạo thành lập Hợp tác xã Hồ tiêu Phú Quý tại thị trấn Nông trường Việt Trung để xây dựng thương hiệu tiêu của Bố Trạch.
Ông Thành cho biết: “Huyện Bố Trạch sẽ quy hoạch vùng tiêu ở các diện tích gò đồi; trên cơ sở đó liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP và định hướng xuất khẩu”.