Chủ động bỏ nghề cấm
Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ngư dân ở thị trấn Long Hải, huyện Long Đất (Bà Rịa Vũng Tàu), có đò đánh cá dài gần 7m đánh bắt vùng lộng nghề rập xếp, thuộc diện tàu cá “3 không” chưa đăng ký tàu cá vì không có giấy tờ mua bán.
Cuối năm 2024, gia đình được cán bộ thị trấn đến làm giấy tờ cho phương tiện, nhưng do hành nghề cấm nên không được cấp giấy đăng ký tàu cá nếu không chuyển nghề.

Các tàu cá sử dụng ngư cụ gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần chuyển sang nghề thân thiện với môi trường hơn. Ảnh: Lê Bình.
Đây là nghề truyền thống lâu năm của gia đình, truyền từ đời cha tới đời chồng bà nên gia đình đã băn khoăn rất nhiều. Sau khi được cán bộ thị trấn phân tích những mặt lợi hại khi vẫn theo nghề cũ thì bà Tuyền hiểu rằng về lâu dài không thể tiếp tục nghề này do có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Chính vì thế, từ đầu năm 2025 gia đình đã quyết định chuyển đổi sang nghề lưới ghẹ.
Hiện, mỗi ngày đò đi biển đánh bắt được khoảng chục kilogam ghẹ và cá các loại. Sau khi trừ phí tổn, lợi nhuận kiếm được khoảng 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày. Theo bà Tuyền, đây là mức thu nhập ngư dân có thể sống được sau khi chuyển nghề. “Chi phí chuyển nghề cũng không quá lớn, chủ yếu là sắm giàn lưới mới khoảng 5 triệu đồng”, bà Tuyền nói.
Tương tự, thực hiện chủ trương chuyển đổi ngành nghề của UBND tỉnh, từ tháng 8/2024 ông Trần Mảy (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đã chuyển đổi 2 tàu cá công suất 400 CV/ tàu hành nghề lưới kéo sang nghề lưới rê đánh bắt xa bờ các loại cá thu, cá ngừ.
“Chi phí chuyển đổi hơn 1,1 tỷ đồng/ tàu, gồm chi phí đầu tư giàn lưới đánh cá mới dài 10km trị giá hơn 800 triệu đồng và khoảng 300 triệu đồng tiền sửa ghe, sửa hầm chứa lưới, cá…”, ông Mảy nói.
Hiện 1 chuyến biển 20 ngày, mỗi tàu đánh bắt được khoảng 2 - 4 tấn cá thu và cá ngừ, doanh thu từ 150 - 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và công bạn, ông còn lời từ 80 - 100 triệu đồng. Với mức lợi nhuận này, ông Mảy ước tính khoảng 1 năm là lấy lại được vốn chuyển đổi nghề.
Trong khi đó, không có đủ tiền cải tạo tàu, ông Nguyễn An Hữu (xã Phước Hội, huyện Long Đất) đã bán tàu cá dài hơn 18m làm nghề rập xếp của mình và mua lại một ghe khác nhỏ hơn, dài 12,3m hành nghề lưới rê chuyên đánh bắt ghẹ và cá các loại.
“Nếu cải tạo tàu từ rập xếp qua nghề lưới rê chi phí rất cao, từ 1 - 1,5 tỷ đồng, gia đình không có đủ tiền. Chính vì thế, sau nhiều ngày suy tính và tham khảo ý kiến bạn bè, chúng tôi quyết định bán tàu và sắm chiếc xuồng khác nhỏ chút. Tàu trị giá 450 triệu đồng đi vùng lộng làm nghề lưới ghẹ, bởi nghề này đang rất có ăn”, ông Hữu chia sẻ.

Việc các tàu cá chấp hành tốt việc chuyển đổi nghề không chỉ giúp Việt Nam nhanh chóng tháo gỡ được thẻ vàng IUU mà còn thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững. Ảnh: Trần Phi.
Hiện mỗi chuyến đi biển dài khoảng 1 - 2 ngày, xuồng nhà ông Hữu đánh bắt trung bình được khoảng 40kg ghẹ và cá các loại, bán được từ 3 - 4 triệu đồng. Sau khi trừ phí tổn xăng dầu, ăn uống, công bạn, ông còn lời từ 2 - 2,5 triệu đồng/chuyến biển.
Xây dựng chính sách hỗ trợ
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết, năm 2024, Sở cùng với các địa phương và lực lượng biên phòng đã có nhiều đợt ra quân tuyên truyền cho ngư dân chuyển đổi nghề, từ nghề cấm (giã cào, bẫy lồng xếp…) sang các nghề thân thiện với môi trường (như nghề lưới, câu mực).
Đặc biệt, trong đợt cao điểm xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” vào quý IV/2024, các lực lượng chức năng đã tuyên truyền mạnh mẽ cho các chủ tàu, nếu tàu cá còn hành nghề cấm, nghề tận diệt sẽ không cấp giấy đăng ký và giấy phép khai thác, không cho xuất bến đi biển. Nhờ đó, hàng trăm chủ tàu đã làm cam kết chuyển đổi nghề.

Thông qua mô hình "cà phê sáng cùng ngư dân" tại các địa phương, ý thức chấp hành quy định của bà con ngày càng được nâng lên. Ảnh: Lê Bình.
Kết quả thống kê đầu năm 2025 cho thấy, số lượng các tàu cá hành nghề thân thiện với môi trường như nghề lưới vây, lưới rê, nghề câu đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, tăng mạnh nhất là tàu cá hành nghề lưới rê, tăng gấp 3 lần, hiện có 1.740 tàu. Tàu cá hành nghề lưới vây và nghề câu cũng tăng lần lượt 16,5% và 12% so với cùng kỳ năm 2024, hiện có 275 và 250 tàu.
Các loại hình tàu cá hành nghề cấm như lưới kéo (giã cào), lồng xếp, bẫy, chụp cũng đang trên xu hướng giảm; trong đó, tàu lưới kéo đã giảm 121 tàu, hiện còn 1.268 tàu.
Theo bà Phạm Thị Na, đây là kết quả của quá trình nhiều năm qua tỉnh kiên trì thực hiện chuyển đổi nghề trong ngư dân, theo hướng giảm dần tàu cá hoạt động ven bờ và những nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái sang làm các nghề khai thác hải sản khác ít ảnh hưởng hơn và thân thiện với môi trường.
“Trong đó nghề lưới kéo (giã cào) mang tính tận diệt làm giảm nguồn lợi thủy sản, phá hủy môi trường tầng đáy, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển là đối tượng quan trọng nhất được tỉnh và các địa phương quan tâm, khuyến khích ngư dân chuyển đổi”, bà Na cho biết.
Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý hoạt động tàu lưới kéo như: cấm hoạt động khai thác trong mùa cá sinh trưởng, cấm đóng mới nghề giã cào bay, không cấp mới cũng như không tái cấp giấy phép cho nghề này ở vùng lộng và ven bờ. Riêng vùng khơi giảm dần bằng cách không cho đóng mới, số tàu lưới kéo hiện có khi hết niên hạn hoạt động sẽ tự giải bản tàu. Với chính sách này, từ năm 2020 đến nay, số tàu cá hành nghề giã cào trên địa bàn tỉnh đã giảm gần 350 tàu.
Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường giảm số lượng tàu cá hoạt động vùng ven bờ và vùng lộng, nhất là những nghề tận diệt, nghề cấm để giảm cường lực khai thác quá mức và bảo vệ cá mẹ, cá con mùa sinh sản.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có kế hoạch "cấm biển" trong khoảng thời gian cố định và hướng dẫn ngư dân nên đánh bắt theo vùng, mùa để cá, tôm kịp sinh sản và phát triển. Ảnh: Trần Phi.
Trong năm 2024, Sở NN-PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã trình UBND tỉnh, chờ phê duyệt đề án chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh sang nghề khai thác hải sản có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường.
Trong đó, ngoài việc khuyến khích ngư dân cải hoán tàu thuyền để chuyển sang các nghề đánh bắt thân thiện môi trường và nghề dịch vụ kết hợp du lịch, ngành nông nghiệp cũng tăng cường tuyên truyền, quản lý ngành nghề tàu cá hoạt động và vùng đánh bắt, kích thước mắc lưới để bảo vệ không gian và môi trường sống cho hải sản sinh trưởng.
“Tỉnh cũng đang có kế hoạch xây dựng các rạn san hô, thảm sinh thái nhân tạo để hình thành nên các khu vực cho cá đẻ mùa sinh sản ở thành phố Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc và Vườn Quốc gia Côn Đảo. Bên cạnh đó xây dựng các chính sách hỗ trợ chi phí cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề và giải bản tàu cá hành nghề có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản và môi trường”, bà Phạm Thị Na thông tin.