"Đại bàng" về làm tổ
Tây Ninh không chỉ có lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu mà còn sở hữu hệ thống thủy lợi phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành chăn nuôi.

Các "ông lớn" ngành chăn nuôi chọn Tây Ninh là điểm đến để đầu tư. Ảnh: Trần Trung.
Nhờ nguồn nước dồi dào, nhiều doanh nghiệp và trang trại quy mô lớn tại Tây Ninh đang áp dụng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, sử dụng nước hiệu quả để giảm thiểu chi phí và tác động môi trường. Hệ thống thủy lợi hiện đại cũng giúp cải thiện điều kiện chuồng trại, giảm nguy cơ dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Địa phương này đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các "ông lớn" trong ngành chăn nuôi công nghệ cao.
Hiện, Tây Ninh có 146 dự án chăn nuôi đang hoạt động, 51 dự án đang xây dựng. Các dự án mới đều được đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại, tự động hóa cao, góp phần hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đơn cử tháng 2 vừa qua, tại thị xã Trảng Bàng, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã động thổ dự án Tổ hợp Nhà máy Chế biến Thực phẩm DHP (giai đoạn 1) và hai dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, thuộc chuỗi Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và châu Á, ông Johan Van Den Ban cho biết, Tổ hợp Nhà máy Chế biến thực phẩm DHP có quy mô 14,17 ha, do De Heus hợp tác cùng Green Chicken và Công ty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu HP. Nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại từ châu Âu, giúp giảm phát thải và hạn chế tác động đến môi trường.

Bên trong khu vực sản xuất gà thịt của trang trại chăn nuôi gia công cho Tập đoàn De Heus tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Hùng Nhơn, De Heus và Bel Gà cũng động thổ hai dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN 2 (trại gà thịt xuất khẩu) và DHN 5 (trại gà giống), cả 2 dự án tọa lạc tại huyện Tân Châu với tổng diện tích 25 ha với công suất cung cấp 800.000 con gà thịt/năm theo mô hình trại lạnh khép kín và trang trại chăn nuôi gà lấy trứng, sản xuất giống gà chất lượng cao với công suất 196.000 con/năm, cung cấp hơn 20 triệu quả trứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tất cả các khu chăn nuôi được xây dựng theo tiêu chuẩn Global G.A.P, sử dụng công nghệ hiện đại từ các tập đoàn hàng đầu thế giới. Hệ thống chuồng trại áp dụng công nghệ xanh, giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên và đảm bảo phúc lợi động vật.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ, Tây Ninh được lựa chọn là "đại bản doanh" cho chiến lược đầu tư đến năm 2050 nhờ vào tiềm năng và sự hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, DHN sẽ đầu tư 12 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Tân Châu với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Các dự án này áp dụng quy trình khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế ISO và Global G.A.P.
“De Heus và Hùng Nhơn đang hướng tới mô hình kinh tế xanh và mục tiêu Net Zero vào năm 2050 nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, các dự án này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chuỗi liên kết nông nghiệp công nghệ cao, mở ra cơ hội xuất khẩu gà đạt chuẩn châu Âu và nâng tầm ngành chăn nuôi Việt Nam”, ông Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến nhấn mạnh, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo ra chuỗi cung ứng bền vững. “Các dự án của De Heus và Hùng Nhơn có ý nghĩa quan trọng, giúp Tây Ninh trở thành trung tâm chế biến thực phẩm và chăn nuôi công nghệ cao của cả nước”, ông Trần Văn Chiến khẳng định.

Công nghệ tiên tiến được triển khai phổ biến tại các trang trại chăn nuôi tập trung tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.
Tiến tới “kinh tế xanh”
Tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững là xu hướng chung toàn cầu và xu hướng này ngày càng được quan tâm hơn, nhất là sau Hội nghị COP26 khi Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Tây Ninh cũng không ngoại lệ. Địa phương này đang chuẩn bị đầy đủ tâm thế để hòa cùng xu hướng thời đại tiến tới phát triển “Tây Ninh xanh”.

Quy trình xử lý chất thải được các trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại Tây Ninh thiếu kế bài bản, khoa học. Ảnh: Trần Trung.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân, đối với ngành nông nghiệp, “xanh” đồng nghĩa với việc thực hành sản xuất nông nghiệp giảm phát thải vào môi trường trong đó trọng tâm là ngành chăn nuôi, một trong những ngành đánh giá là có tác động môi trường lớn nhất hiện nay.
Để thực hiện mục tiêu, ngành Nông nghiệp Tây Ninh đã và đang tập trung triển khai áp dụng nông nghiệp công nghệ cao để giảm thiểu phát thải trong chăn nuôi. Tây Ninh cũng tập trung phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, qua đó tối ưu hoá nguyên vật liệu, giảm chi phí sản xuất, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Hiện, Tây Ninh cũng đang tập trung thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi phù hợp với quy hoạch. Trong định hướng thu hút đầu tư cũng có sự chọn lọc, ưu tiên những dự án có hàm lượng khoa học công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…
“Kinh tế tuần hoàn không chỉ góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm chăn nuôi mà còn giúp giảm khai thác tài nguyên, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người. Việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng và cũng là đòi hỏi tất yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.

Biogas được chuyển thể thành điện để úm vật nuôi là một trong giải pháp người chăn nuôi Tây Ninh thực hiện. Ảnh: Trần Trung.
Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2020-2025, cũng đã nhất quán quan điểm “không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế”. Song song đó, thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường, tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của tỉnh.
Nông nghiệp xanh đã và đang trở thành động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng, từng bước giúp ngành nông nghiệp địa phương nâng cao giá trị gia tăng, phát triển theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững.
“Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường và thâm dụng tài nguyên nông nghiệp, việc nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tái tạo là vô cùng cần thiết”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.