| Hotline: 0983.970.780

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Thứ Sáu 04/10/2024 , 11:58 (GMT+7)

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Lao động trồng rau bây giờ chủ yếu là người trung và cao tuổi. Ảnh: NNVN.

Lao động trồng rau bây giờ chủ yếu là người trung và cao tuổi. Ảnh: NNVN.

Người trung tuổi, cao tuổi thu nhập 30-40 triệu đồng/năm

Minh Tân là xã có dân số đông tới hơn 16.000 người, trước đây kinh tế thuần nông, mấy năm nay khoảng 30% lao động đã chuyển dịch sang làm công nhân trong các khu công nghiệp, còn lại 70% làm nông nghiệp. Trồng rau từ một nghề truyền thống đã thay đổi theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, an toàn, chất lượng để gia tăng giá trị.

Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 71 triệu đồng/năm trong đó lao động công nghiệp từ 8-15 triệu đồng/tháng, còn lao động nông nghiệp chủ yếu là người trung tuổi và cao tuổi, mỗi người trồng 2-3 sào rau, thu nhập 35-40 triệu đồng/năm. Sau trận lụt kéo dài do bão Yagi gây ra làm hỏng gần hết diện tích rau ngoài đồng, nông dân Minh Tân đang nỗ lực tái thiết lại sản xuất.

Nhưng để phát triển nghề trồng rau một cách bền vững hơn ông Đinh Văn Thủy-Chủ tịch UBND xã Minh Tân khẳng định, thứ nhất phải đầu tư cho hệ thống giao thông, thủy lợi; thứ hai phải nâng cấp hệ thống máy bơm tiêu; thứ ba phải hỗ trợ người rau làm nhà màng, nhà lưới. Tuy xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa từ năm 2014, 2015, ở vùng đất lúa thì làm tốt, nhưng ở vùng đất rau do phải chia đều có thửa cao, thửa thấp nên mỗi hộ vẫn còn 2-3 mảnh, sản xuất khá manh mún.

Trên thửa ruộng giữa cánh đồng, ông Nguyễn Văn Suốt ở thôn Thành Lập đang cặm cụi múc nước tưới rau. Ông kể, những người trẻ đi làm công nhân trong các khu công nghiệp để không ruộng, vợ chồng mình tuổi già không thể đi làm công nhân thì mượn 1 mẫu ruộng trồng rau để kiếm sống. Mùa nào thức ý. Mùa thu, mùa đông ông bà trồng 2 lứa rau, mùa hè trồng 1 lứa bí. Trừ hết giống vốn, với 1 mẫu rau họ cũng thu được 30-40 triệu đồng/năm đủ để trang trải sinh hoạt trong gia đình.

Trồng rau giống cho thu nhập cao. Ảnh: NNVN.

Trồng rau giống cho thu nhập cao. Ảnh: NNVN.

Điều bất ngờ là trong những thôn, xóm của Minh Tân còn có những vườn rau trước sân nhà, bên hiên nhà xen kẽ với khu dân cư nom rất xanh mát. Thu nhập từ những vườn rau con con này ngang bằng, thậm chí còn cao hơn cả những ruộng rau bát ngát ngoài cánh đồng bởi chỉ sản xuất rau giống, công đoạn khó nhất, đòi hỏi nhiều vốn đầu tư nhất của nghề.

Lúc tôi đến chị Hoàng Thị Loan ở thôn Kim Quy đang khom lưng trong nhà lưới để nhổ rau giống, bó thành từng bó. Mấy người mua hàng kiên nhẫn đứng chờ mặc cho cái nắng gay gắt của buổi trưa. Nhu cầu rau giống sau bão hiện đang rất cao, giá mỗi cây su hào giống 800đ, tăng 100-200 đ mà không đủ hàng để bán.

Chỉ với 2 sào đất vườn, mùa hè chị trồng 1 lứa mướp đắng, mùa thu, mùa đông chị trồng 4 lứa rau giống, mỗi lứa thu được 10-15 triệu đồng nên tính ra mỗi năm cũng thu được 50-60 triệu đồng. Lúc rảnh rỗi hai vợ chồng chị đều tranh thủ đi chạy chợ để kiếm thêm đồng ra đồng vào.   

Không chỉ sản xuất đơn lẻ, hộ cá thể như trước mà để đáp ứng cho nhu cầu về số lượng nhiều, chất lượng đồng đều, nông dân Minh Tân đã biết liên kết lại với nhau. Tổ hợp tác rau an toàn Phù Đổng Minh Tân được ra đời với mục đích như vậy. Tổ hợp tác có 13 thành viên chuyên trồng các loại rau ăn lá, su hào, bắp cải và mới đây nhất là giống đậu tương rau của Nhật, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm rau, củ của tổ hợp tác đang được tiêu thụ tại siêu thị Big C Thăng Long cũng như các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Phú Xuyên và huyện bạn Duy Tiên của tỉnh Hà Nam. Với doanh thu hằng năm đạt hơn 1 tỷ đồng, tính ra thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong tổ hợp tác đã đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

Giữa năm 2023 những cánh đồng ở xã Minh Tân đã được hưởng nguồn nước mặt sông Hồng thay cho nước ao, nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh trước đây giúp cho việc sản xuất rau an toàn càng trở nên thuận lợi.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và cán bộ xã kiểm tra rau giống tại một hộ. Ảnh: NNVN.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và cán bộ xã kiểm tra rau giống tại một hộ. Ảnh: NNVN.

Đồng lòng sản xuất an toàn

Toàn bộ diện tích trồng rau của xã Minh Tân đã được cấp giấy chứng nhận an toàn trong đó một phần áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Xã cũng đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau. Hiện về chăm sóc có khoảng 50% nông dân sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân hóa học, 95% sử dụng thuốc BVTV sinh học. Có nhiều kênh để đánh giá chất lượng rau. Mỗi năm 2 lần Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Xuyên về lấy mẫu rau ở Minh Tân để gửi đi xét nghiệm. Bên cạnh đó HTX rau an toàn xã Minh Tân cũng chủ động lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm. Kết quả phân tích cả mẫu đất, mẫu rau đều cho thấy chúng an toàn.

Nhận thấy hữu cơ là xu thế tất yếu của nông nghiệp trong tương lai nên mới đây Minh Tân đã quy hoạch một điểm rộng khoảng 2 ha để hướng cho khoảng 20 hộ dân vào làm thử, từ đó rút kinh nghiệm mà nhân rộng. Tuy nhiên lãnh đạo xã vẫn còn lo lắng bởi đầu tư cho sản xuất rau hữu cơ cao, tốn nhiều công sức nên phải có đầu ra ổn định, giá bán hơn sản xuất rau thông thường thì người dân mới yên tâm làm.

Ngoài trồng rau an toàn, Minh Tân còn có khoảng 50ha nuôi trồng thủy sản, khoảng 170ha đất quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo các mô hình vườn - ao, vườn - ao - chuồng, trồng cây ăn quả lâu năm…Tất cả đều nhằm biến nơi đây trở thành những vựa rau, quả, thủy sản an toàn, chất lượng, góp phần vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Minh Tân được công nhận xã hoàn thành NTM năm 2017, đang trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, dự kiến về đích vào năm 2025. Hiện xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí, và phấn đấu thu nhập đạt 73-75 triệu đồng/người/năm trong thời gian tới.

Che phủ rau non bằng màng nylon. Ảnh: NNVN.

Che phủ rau non bằng màng nylon. Ảnh: NNVN.

Xã có Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm, trong đó cơ quan thường trực là Trạm Y tế. Theo định kỳ mỗi năm thực hiện tháng cao điểm về an toàn thực phẩm, Tết trung thu, Tết dương lịch, Tết âm lịch thường xuyên phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Xuyên kiểm tra các cửa hàng thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi xem có bán đúng chủng loại trong danh mục không, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tất cả các sản phẩm rau, thịt khi đem đi kiểm tra, xét nghiệm đều đạt chất lượng. Trên địa bàn xã có trường mầm non tổ chức ăn bán trú, tất cả các thực phẩm đưa vào đều do Phòng y tế huyện kiểm soát toàn bộ, ngay từ đầu năm đã yêu cầu các đơn vị cung cấp thực phẩm phải mang hồ sơ để minh chứng đủ điều kiện; Hàng năm Phòng y tế có đi kiểm tra dưới trường, thành phần của đoàn có xã tham dự, chứng kiến cùng. Còn về rau, ở trong trường có tổ chức vườn rau, tự cung cấp được, còn nếu thiếu hay trái mùa thì mới mua của đơn vị cung cấp. Bởi thế trong nhiều năm qua không xảy ra vụ việc mất an toàn thực phẩm nào ở trường mầm non nói riêng và ngay cả trong dân chúng nói chung.

Xem thêm
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Pháp ngữ

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên Tạp chí Influences nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ19.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hải Phòng điều động, bổ nhiệm lãnh đạo 3 Chi cục thuộc Sở NN-PTNT

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vừa quyết định về việc điều động, bổ nhiệm công tác cán bộ tại 4 đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 1] Người thức giấc cùng dòng sông

Không chỉ là dòng sông năng lượng, sông Đà hùng vĩ đang hiện hữu ở một diện mạo mới - vùng lòng hồ, đang thắp lên giấc mơ lớn cho những vùng đất ven sông!