Tỉnh Cà Mau đã cùng các địa phương trong khu vực thực hiện quy hoạch liên vùng, cũng như đề xuất xây dựng các dự án công trình và phi công trình, giúp cải thiện năng lực sản xuất, bảo vệ nguồn nước, đặc biệt trong bối cảnh xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu.
Là tỉnh thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán kéo dài, nước trên các sông rạch khô cạn, ảnh hưởng đến lưu thông, vận chuyển hàng hoá bằng đường thủy, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung đầu tư nhiều công trình thủy lợi trọng điểm, nhất là xây dựng ô thủy lợi, chủ động nâng cấp, sửa chữa bờ bao.
Đến nay, hệ thống kênh mương toàn tỉnh đã được thông thoáng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sắp tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục tập trung đầu tư duy tu, sửa chữa bờ bao để ngăn triều cường, xâm nhập mặn đối với vùng Nam, vùng Bắc Cà Mau.
Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Cà Mau cho biết: Đối với vùng Bắc hay vùng Nam Cà Mau, sau khi khép kín hệ thống đê bao phía ngoài, việc đầu tư cho các ô thủy lợi có diện tích từ 500 - 1.000ha bên trong là hết sức cần thiết. Điển hình như việc đầu tư các ô thủy lợi bên trong Tiểu vùng 3 Bắc Cà Mau, cho vùng ngọt Trần Văn Thời sẽ mang lại kết quả hết sức thiết thực, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.
Ông Nam lý giải thêm, trước đây, khi các ô thủy lợi chưa có thì mùa mưa đến, cả vùng bên trong và bên ngoài đều ngập. Vì vậy, bà con nông dân không chủ động được mùa vụ. Hiện nay, nhờ có ô thủy lợi nông dân chủ động được mùa vụ, kể cả mùa mưa.
Đến nay, tỉnh Cà Mau đã thử nghiệm 6 ô thủy lợi nhỏ ở huyện Trần Văn Thời, kết quả thực tế đã chứng minh được hiệu quả phục vụ sản xuất. Việc áp dụng mô hình này không chỉ giúp kiểm soát nguồn nước tốt hơn mà các diện tích canh tác nông nghiệp cũng đạt năng suất cao. Tuy nhiên, người dân còn gặp khó khăn do biến đổi khí hậu và tình trạng xâm nhập mặn gây trở ngại cho việc duy trì nguồn nước ngọt.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết: Địa phương đã kiến nghị các Bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư cho tỉnh với 6 ô thủy lợi nhỏ, tổng mức đầu tư khoảng 195 tỷ đồng. Tỉnh Cà Mau đã gửi kiến nghị đến Bộ NN-PTNT, đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết Đức tiếp tục hỗ trợ để có thể triển khai những ô thủy lợi nhỏ trong thời gian tới.
Đối với những vùng nằm ngoài quy hoạch chia ô thủy lợi của tỉnh Cà Mau, những nơi có nguồn nước mặn ngọt theo mùa, thời điểm mùa mưa thì nước ngọt và mùa hạn thì nước mặn, đây là điều kiện đặc thù thích hợp canh tác lúa tôm theo hướng thuận thiên, bền vững.
Ðến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã phát triển diện tích lúa tôm lên hơn 40.000ha, trong đó huyện Thới Bình là vùng canh tác lúa tôm trọng điểm của tỉnh. Việc quản lý tài nguyên nước trong sản xuất lúa tôm, những giải pháp quy hoạch, định hình và tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh một cách khoa học, bài bản giúp người dân địa phương quản lý tốt nguồn nước.
Ông Nguyễn Thanh Đen, cán bộ khuyến nông xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết: Việc khép kín hệ thống đê bao là rất quan trọng, nhất là đối với hạ tầng trồng lúa trên đất nuôi tôm. Sau mỗi mùa vụ, chúng ta cần áp dụng cơ giới hóa để nâng cao đê bao, cải tạo, nâng cấp và lấp kín để ngăn nước không thấm vào từ những khu vực khác. Đồng thời, trong mùa mưa cần bảo đảm trữ nước ngọt để hạn chế sự phát triển của cỏ dại.
Tại Cà Mau, việc sử dụng nguồn nước mưa hiệu quả cũng cần được chú trọng. Trong quá trình canh tác, phải chủ động giữ nước và điều chỉnh mức nước phù hợp với sự phát triển của cây lúa, đảm bảo quá trình sinh trưởng diễn ra thuận lợi.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Tỉnh sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT để sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi lớn và nhỏ, cùng với các công trình thủy lợi mà tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng, nhằm sớm đưa nước ngọt từ thượng nguồn sông Hậu về tiếp cận vùng bán đảo Cà Mau. Thông qua đó sử dụng các hệ thống công trình có khả năng bổ sung nguồn nước ngọt cho vùng đất ngọt của tỉnh Cà Mau.