| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò sinh sản, giá bê hạ vẫn lãi lớn

Thứ Tư 28/08/2024 , 09:07 (GMT+7)

HÀ NỘI 'Trước nhà tôi nuôi 1 con bò mẹ mỗi năm đẻ 1 con bê, chỉ chăm 6 tháng mà bán được 12 triệu đồng, trong khi chi phí hầu như chẳng đáng là bao'.

Vật nuôi “chắc ăn” nhất hiện nay

“Giờ thêm 5 con bò giống của mô hình khuyến nông nữa thì mỗi năm sẽ có 6 con bê. Khi bán, đó là một khoản thu đáng quý với nhà nông rồi”, anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Phú Lễ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội nói với đoàn cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến kiểm tra đàn bò mới cấp cho gia đình như vậy.

Cách đây 3 năm, vợ anh Hải đi tập huấn về y tế cơ sở thấy có người ở xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) tham gia mô hình khuyến nông nuôi bò sinh sản rất hiệu quả cứ ước ao một ngày gia đình mình được như thế. Đến khi biết được mô hình khuyến nông nuôi bò sinh sản sẽ về thôn Phú Lễ, vợ chồng chị cùng với 3 hộ nữa đã hăng hái xin đăng ký. Nhờ nhanh nhẹn, nói được, làm được nên anh Hải được tin tưởng bầu làm trưởng nhóm để lo liệu những thủ tục hồ sơ cũng như thông báo nộp tiền đối ứng.

Trước đây từng có chương trình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi khó khăn ở huyện Thạch Thất, mỗi hộ được cấp 1 con. Mô hình được đánh giá là một trong 3 mô hình khuyến nông chăn nuôi hiệu quả, tiêu biểu nhất đại diện cho 3 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hà Nam và Hà Giang nhận giải thưởng Vietstock.

Tuy nhiên với 1 con bò thì cũng chỉ giúp phần nào cho các hộ thoát nghèo, chứ để vươn lên khá giả là khó. Bởi vậy, chương trình mô hình khuyến nông lần này đã nâng quy mô lên 5 con bò sinh sản/hộ. Điều kiện tham gia mô hình khuyến nông là phải có chuồng trại đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, có diện tích đất trồng cỏ, có lao động, có vốn đối ứng 50% giá trị giống, vật tư, tương đương hơn 60 triệu đồng/hộ. Dù có nhà phải đi vay vốn nhưng thấy bò về con nào con nấy to cao, khỏe mạnh ai cũng vui.

5 con bò trong mô hình khuyến nông của gia đình anh Hải sinh trưởng, phát triển rất tốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

5 con bò trong mô hình khuyến nông của gia đình anh Hải sinh trưởng, phát triển rất tốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ hồi nhận được giống, hầu như ngày nào anh Hải cũng hỏi thăm tình hình bò ra sao, thậm chí đến từng hộ một để xem con nào có hiện tượng gì bất thường thì báo cáo lên trên nhưng chỉ là bệnh vặt vãnh. Khi mới đưa về chúng bị đau mắt và được chữa trị rất đơn giản bằng cách nhỏ nước muối nên chỉ một thời gian sau là khỏi.

Trước lúc nhận bò về hộ nào cũng phải lo trồng thêm cỏ. Như nhà anh Hải đã trồng được 2 sào và còn đang tính trồng tiếp cho lứa bê sắp tới sẽ được sinh ra. Anh còn bảo vợ bỏ 5,5 triệu đồng mua 1 máy nghiền thức ăn về để xay cỏ, thân chuối, vỏ chuối, xơ mít, bẹ ngô… trộn cùng ít cám gạo đổ vào máng cho bò ăn.

“Con gà, con vịt, con lợn bắt buộc phải mua thức ăn nhưng con bò thì không mà chỉ mất công chăm sóc. Cấy lúa hiện nay thời tiết thất thường, lắm sâu bệnh, hiệu quả kinh tế thấp nên nông dân bỏ ruộng nhiều, vụ mùa ở thôn tôi phải cỡ 50% hộ bỏ cấy, vụ xuân thì khoảng 30% hộ bỏ cấy, thoải mái bãi để chăn thả bò.

Bò khuyến nông cấp cho ăn khỏe hơn giống bò tôi đang chăn, cứ gọi là sạch như chùi, phân ra thành khuôn đẹp lắm. Mới đưa về ít hôm thôi nhưng đã có con biểu hiện muốn lấy giống rồi, tuy nhiên tôi còn chưa cho, để lứa sau mới phối bởi muốn chúng thích nghi, ổn định với môi trường nuôi mới đã. Chúng tôi đang bảo nhau góp tiền vào mua lấy một con bò đực để phối giống”, anh Hải kể.

Nghe đến đây, chị Vương Thị Chung - Trưởng phòng Chăn nuôi Thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất vội thông tin: “Bây giờ Thành phố đang có chương trình cấp tinh bò Senepol miễn phí cho nông dân để cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò đấy anh. Senepol là giống bò không có sừng, con bê không to nên tinh có thể phối cho bò cái tơ được, phù hợp với mục đích vừa nuôi sinh sản vừa nuôi lấy thịt vì thịt của chúng mềm, ngon lắm…".

Bò mới nhận về nhưng có con đã có biểu hiện muốn lấy giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bò mới nhận về nhưng có con đã có biểu hiện muốn lấy giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đã mất công nuôi thì nuôi cả đàn

Anh Nguyễn Bùi Hải - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất cho biết, thời gian thực hiện của mô hình khuyến nông phụ thuộc theo chu kỳ sinh trưởng của từng đối tượng cây trồng, vật nuôi. Có thể chỉ vài tháng đối với giống ngắn ngày như lúa, rau nhưng kéo dài tới 2 năm đối với nuôi bò sinh sản, trong đó năm đầu tiên tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi, vật tư; năm thứ hai theo dõi, giám sát sự sinh trưởng, phát triển, phổ biến kiến thức.

Hiện giống nhập từ Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội đã cấp xong cho các hộ, còn thức ăn tinh hỗ trợ lúc bò có chửa lứa đầu khoảng tháng 10, tháng 11 sẽ có. Tất cả giống, vật tư cấp cho mô hình khuyến nông đều thông qua đấu thầu nên nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo.

Trong 3 năm gần đây, năm nào huyện Thạch Thất cũng triển khai mô hình khuyến nông nuôi bò sinh sản do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai. Năm 2022 triển khai ở xã Phú Kim; năm 2023 triển khai ở xã Hạ Bằng và Yên Bình; năm 2024 triển khai ở 3 xã Cẩm Yên, Dị Nậu và Cần Kiệm. Hầu hết nông dân đã tham gia mô hình đều đánh giá cao về hiệu quả kinh tế của bò sinh sản bởi đó là vật nuôi không xâm lấn lương thực, thực phẩm mà chỉ tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp.

Tuy vốn đầu tư ban đầu cho bò giống khá cao nhưng chi phí trong quá trình nuôi lại thấp. Nếu được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thì một số hộ có tiềm lực về lao động, đất đai, vốn sẽ phát triển được.

Chăn nuôi bò lai 3B ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chăn nuôi bò lai 3B ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Ngày xưa mỗi hộ chăn 1 - 2 con bò cũng phải tốn diện tích chuồng trại, lao động chăm sóc, nay tăng quy mô nuôi lên 5 - 7 con/hộ sẽ giảm được chi phí về công, gia tăng được hiệu quả kinh tế. Hiện giá đầu ra của con bò giảm thì giá đầu vào là giống cũng giảm, còn công lao động của nông dân vẫn tương đối ổn định”, anh Hải khẳng định.

Năm 2023 – 2024 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản với quy mô 170 con cái Zebu. Đơn vị đã đưa giống bò cái nền sinh sản vào nuôi tại các vùng có bãi chăn thả, vùng chăn nuôi trọng điểm giàu thức ăn xanh và áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống 3B chuyên thịt nhằm tăng số lượng đàn bò cái nền và sản lượng bò thịt.

Mô hình góp phần tận dụng lao động nông nhàn tại địa phương, đồng thời đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ phát triển kinh tế.

Sau hơn 1 năm triển khai, đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%, các chỉ tiêu sinh sản cao, tỷ lệ số bò động dục hiện đạt trên 90%, đã phối giống cho 158 con, trong đó có 100 con đã xác định có chửa và 58 con đang theo dõi, dự kiến đến tháng 9 những con được phối giống thời gian đầu sẽ sinh sản.

Tổng đàn trâu, bò của huyện Thạch Thất hiện có khoảng 8.000 con, trong đó riêng bò mẹ khoảng 6.000 con, tập trung ở những xã miền núi như Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình hay ven sông Tích. Cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò là hướng phát triển kinh tế vững bền cho hàng trăm hộ nông dân ở những vùng này.

Xem thêm
Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.